Chi phí dự phòng của ngân hàng tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước bối cảnh nợ xấu có xu hướng đi lên buộc nhà băng tăng trích dự phòng rủi ro, điều này đã tác động lên kết quả kinh doanh và dự báo nợ xấu tại các ngân hàng sẽ còn tăng.
Chi phí dự phòng của ngân hàng tăng mạnh

Nợ xấu trong xu hướng đi lên

Tổng nợ xấu của Saigonbank tính đến 31/12/2023 là 404 tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm đến 57% tổng số nợ xấu, tương ứng đạt 232 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ 2,12% đầu năm xuống còn 2,03%.

Chất lượng tín dụng của BaoVietBank đi lùi khi nợ xấu chiếm đến 1.654 tỷ đồng trong tổng dư nợ tại thời điểm 31/12/2023, tăng 49% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3,34% đầu năm lên 4%. Nhà băng này trích dự phòng rủi ro đến 91% khi trích 1.072 tỷ đồng, do đó lãi trước thuế chỉ đạt gần 90 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu tính đến ngày 31/12/2023 của MSB ghi nhận 4.280 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm qua. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 1,71% đầu năm lên 2,87% cuối năm 2023.

Tại BacABank, tổng nợ xấu của Ngân hàng tại thời điểm 31/12/2023 gần 916 tỷ đồng, tăng đến 78% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều gấp 4 lần đầu năm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của BacABank tăng từ 0,55% đầu năm lên 0,92%, song đây được xem là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu đang ở mức thấp trong hệ thống hiện nay.

Tổng nợ xấu tính đến 31/12/2023 của PGBank là 906 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn gấp 3 lần, nợ nghi ngờ gấp 2 lần đầu năm, còn nợ có khả năng mất vốn sụt giảm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay xấp xỉ đầu năm ở mức 2,56%.

Chất lượng nợ vay của TPBank đi lùi khi tổng nợ xấu tại ngày 31/12/2023 ghi nhận hơn 4.200 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm. Đáng chú ý, tất cả nhóm nợ xấu đều tăng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 0,84% đầu năm lên 2,05%.

Ngay cả các ngân hàng quy mô lớn như Techcombank, ACB…, nợ xấu cũng có xu hướng nhích lên. Tại Techcombank, đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng tăng 23,3% lên 518.642 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu của Techcombank là 5.999 tỷ đồng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 105,8% lên 1.857 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 144% lên 2.762 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của nhà băng cũng tăng 38% lên 1.380 tỷ đồng.

Trong khi đó, ACB cũng triển khai hỗ trợ kịp thời theo chỉ đạo của NHNN thông qua Gói hỗ trợ lãi suất 2% với tổng doanh số giải ngân gần 1,9 nghìn tỷ đồng; đồng thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, với tổng dư nợ 2,2 nghìn tỷ đồng.

Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu của ACB tăng lên mức 1,21% tính đến cuối năm 2023. Tuy nhiên, ACB vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường hiện nay.

ACB cũng là ngân hàng đầu tiên hoàn thành hệ thống quản lý rủi ro liên quan đến lãi suất và thị trường tài chính theo chuẩn mực quốc tế và theo quy định của NHNN tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN. ACB đã hoàn thành phần lớn các nội dung có tính phức tạp cao trong yêu cầu về quản trị IRRBB theo Basel III.

Đồng thời, ACB đặt mục tiêu liên tục cải tiến để duy trì vị thế ngân hàng có mô hình quản lý rủi ro tốt nhất trên thị trường. Tới cuối năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ theo Basel II vượt xa mức quy định tối thiểu, ở mức 12,1%.

PGS TS Nguyễn Hữu Huân – Đại học kinh tế TP.HCM cho rằng, xu hướng nợ xấu sẽ còn gia tăng và dự báo đạt đỉnh trong năm nay, nếu Thông tư 02/2023/TT-NHNN chính thức hết hiệu lực từ 30/6/2024. Đó là lý do ngành ngân hàng đặt trọng tâm kiểm soát nợ xấu lên hàng đầu trong năm nay.

"Nếu trong năm 2024, nền kinh tế vẫn giống như năm 2023, không có bất ngờ nào xảy ra, hoạt động ngân hàng sẽ khó khăn hơn chứ không hẳn tốt hơn. Đặc biệt là vấn đề nợ xấu. Nhưng nếu kinh tế hồi phục nhanh, ngành ngân hàng sẽ thuận lợi, vì tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm và lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trở lại", PGS TS Huân nhận định.

Dự phòng cao, lợi nhuận giảm

Trong năm qua, BVBank đã tăng cường dự phòng rủi ro tín dụng 23% so với năm trước (276 tỷ đồng) và tăng chi phí hoạt động 14% lên mức 1.407 tỷ đồng do mở rộng mạng lưới kinh doanh. Do đó, Ngân hàng chỉ báo lãi trước thuế gần 72 tỷ đồng, giảm 84% so với năm trước và chỉ thực hiện được 14% mục tiêu đã đề ra là 502 tỷ đồng.

Quý IV/2023, BacA Bank trích hơn 103 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng (gấp 2,5 lần), song vẫn ghi nhận lãi trước thuế gần 485 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, Ngân hàng tăng 42% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tương đương 195 tỷ đồng và được hoàn nhập 43 tỷ đồng, do đó lãi trước thuế đi ngang ở mức 1.036 tỷ đồng. Lãi sau thuế xấp xỉ năm trước ở mức 835 tỷ đồng, hoàn thành 95% kế hoạch (880 tỷ đồng).

Trước xu hướng nợ xấu đi lên, nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng, năm qua TPBank cũng đẩy mạnh trích lập dự phòng, gấp đôi so với 2022, ở mức hơn 3.900 tỷ đồng. Riêng quý IV/2023, nhà băng này phải trích lập hơn 1.970 tỷ đồng, trong khi quý cùng kỳ chỉ trích hơn 114 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận của TPBank trong quý IV/2023 chỉ còn gần 630 tỷ đồng, giảm đến 67% so với quý cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế cả năm, TPBank lãi trước thuế 5.589 tỷ đồng, giảm 29% so với năm trước và mới chỉ thực hiện được 64% mục tiêu đã đề ra là 8.700 tỷ đồng.

Saigonbank cũng dành ra hơn 168 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong quý IV/2023, gấp 3,5 lần cùng kỳ và lũy kế cả năm trích gần 269 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2022.

Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 của ABBank đạt 2,17% tính đến cuối năm 2023 và đã cẩn trọng trích lập 1.489 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Kết quả, ngân hàng này chỉ đạt 513 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2023, trong khi kế hoạch xây dựng là 2.826 tỷ đồng.

Năm 2023, ACB dành ra đến 1.804 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi năm trước chỉ trích 71 tỷ đồng. Dù vậy, ACB vẫn lãi trước thuế trên 20.068 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước và hoàn thành mục tiêu đã đề ra là 20.058 tỷ đồng. Tỷ lệ ROE ở mức gần 25%.

VIB cũng chứng kiến sự sụt giảm trong lợi nhuận quý cuối năm 2023. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của VIB trong quý IV/2023 đạt 1.902 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu là do trong kỳ VIB tăng cường trích lập dự phòng với mức trích lập gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước nhằm nâng cao chất lượng tài sản cũng như tạo bộ đệm dự phòng vững chắc. Lũy kế cả năm 2023, VIB ghi nhận lãi ròng đạt 8.562 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2022.

Tương tự, lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 của MSB ghi nhận 607 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ và lũy kế cả năm đạt 5.830 tỷ đồng, xấp xỉ năm 2022. Nguyên nhân lợi nhuận của MSB giảm là do ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Chi phí dự phòng năm 2023 của MSB ở mức 1.647 tỷ đồng, tăng 244% so với năm 2022, do nợ xấu tăng.

Có thể thấy, chi phí trích lập dự phòng của ngành gia tăng trong quý IV và cả năm 2023 không nằm ngoài dự báo, do áp lực nợ xấu tăng, hệ quả của tình trạng kinh doanh khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Việc trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ sẽ bảo đảm xử lý các khoản nợ xấu tốt hơn.

Điều này cho thấy các ngân hàng đã chủ động sử dụng nguồn lực nhằm bao phủ nợ xấu, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức quy định của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời giảm áp lực dự phòng cho các năm tới, giảm tác động của nợ xấu trong tương lai. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm trong năm 2023.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cho phép các TCTD được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản bảo đảm là dự án bất động sản để thu hồi nợ.

Giới phân tích tài chính cho rằng, quy định này sẽ giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao.

Tuy nhiên, đến ngày 1/1/2025 quy định này mới có hiệu lực. Như vậy, trước khi quy định có hiệu lực, các tổ chức tín dụng sẽ khó để thu hồi nợ vay, kể cả với các khoản nợ có tài sản đảm bảo.

Vì thế, để tăng cường hiệu quả công tác xử lý nợ xấu, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) các ngân hàng cần xác định việc thu nợ là nhiệm vụ của mình, trước khi cho vay cần hết sức chặt chẽ, đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục và điều kiện cho vay. Tài sản đảm bảo cần được thẩm định, xác minh, đánh giá giá trị, nguồn gốc tài sản và theo sát từng thời điểm để có thể nắm bắt diễn biến của tài sản đảm bảo.

Tin bài liên quan