Các ngân hàng tăng trích lập dự phòng nợ xấu trong nửa đầu năm 2023

Các ngân hàng tăng trích lập dự phòng nợ xấu trong nửa đầu năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuy nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ, song dự phòng rủi ro đã giảm ở nhiều ngân hàng. Điều này đã tác động tích cực lên lợi nhuận của một số ngân hàng nửa đầu năm nay.

Nợ xấu có xu hướng tăng

Nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng trong nửa đầu năm nay, dù đã được tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Chẳng hạn, nợ xấu của VietinBank tính tới cuối tháng 6 ở mức 17.309 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm, trong đó nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng khá mạnh, riêng nợ nhóm 5 giảm hơn 13,2%.Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng nhẹ lên mức 1,27% từ mức 1,24% cuối năm ngoái. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng ở mức 169%.

Trong quý II/2023, Ngân hàng dành ra 6,478 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 10%, do đó VietinBank lãi trước thuế hơn 6.550 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, VietinBank tăng trích dự phòng rủi ro đến 28% so với nửa đầu năm 2022, dành ra hơn 13,202 tỷ đồng, do đó Ngân hàng lãi trước thuế gần 12.531 tỷ đồng, tăng 8%.

Tại Vietcombank (VCB), nợ xấu nhóm 3 tăng 7,7 lần lên 3.187 tỷ đồng nửa đầu năm, nợ nhóm 4 tăng 2,7 lần lên 2.164 tỷ đồng, riêng nợ nhóm 5 giảm 33%. Tổng số dư nợ xấu của VCB tại 30/6 là 9.782 tỷ đồng, song tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức thấp 0,83%.

Tính tới cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay khách hàng của VIB chỉ tăng nhẹ hơn 1,17%. Nợ xấu nhóm 5 (nợ mất vốn) giảm mạnh 24,4%, song nợ xấu nhóm 3, nhóm 4 đều tăng gấp đôi. Tỷ lệ nợ xấu của VIB tính đến 30/6/2023 là 3,6%, tăng so với mức 2,45% cuối năm ngoái. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.

Chính vì nợ xấu tăng nên VIB đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng của VIB tăng 24% đạt 7.170 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong kỳ, Ngân hàng tăng gấp đôi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 1.528 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế giảm còn 5.642 tỷ đồng, vẫn tăng trưởng 12,3% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Eximbank trích gần 178 tỷ đồng để dự phòng rủi ro trong quý II/2023, tăng 37%. Nguyên nhân là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến dư nợ cho vay chuyển sang nhóm nợ cao hơn, trong đó có một phần chuyển nhóm nợ CIC từ các tổ chức tín dụng khác. Kết quả, Eximbank lãi trước thuế trong quý II/2023 chỉ còn gần 535 tỷ đồng, giảm đến 51% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, dù giảm trích lập dự phòng 6% chỉ còn 270 tỷ đồng, nhưng do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 1.675 tỷ đồng (giảm 24%), nên Eximbank chỉ đạt lãi trước thuế 1.405 tỷ đồng, giảm 26,1% so với cùng kỳ năm trước, mới hoàn thành 28% kế hoạch năm (5.000 tỷ đồng).

Tổng nợ xấu tính đến 30/06/2023 hơn 3.625 tỷ đồng, tăng 54% so với đầu năm. Đáng chú ý là nợ dưới tiêu chuẩn gấp 3,8 lần, chiếm 1.009 tỷ đồng. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu Eximbank vọt tăng từ mức 1,8% đầu năm lên 2,75% đến cuối tháng 6/2023.

Trong nửa đầu năm nay, ACB dành ra 961 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong khi cùng kỳ được hoàn nhập, do đó Ngân hàng lãi trước thuế gần 9.990 tỷ đồng, tăng 11%.

Tính riêng trong quý II/2023, ACB chi 706 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập 267 tỷ đồng, do đó ACB lãi trước thuế hơn 4.832 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm nhẹ 2%.

Về nợ xấu, nếu không tính đến 3.596 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của Công ty TNHH chứng khoán ACB, tổng nợ xấu tính đến 30/06/2023 của ACB là 441 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 2,12% đầu năm lên 2,3%.

Tổng nợ xấu tại VietABank cuối quý II tăng 73% so với đầu năm, lên mức 1.660 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ tăng đột biến từ 30 tỷ đồng đầu năm lên 729 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng vọt từ 1,53% đầu năm lên 2,49%.

Tại ngày 30/06/2023, VietABank ghi nhận 4.243 tỷ đồng nợ khó đòi đã xử lý. Đồng thời, Ngân hàng không còn ghi nhận trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Trong nửa đầu năm, Ngân hàng trích 38 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,7 lần cùng kỳ, do đó chỉ còn thu được hơn 522 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 16% so với cùng kỳ và hoàn thành 41% kế hoạch năm.

Nợ xấu tăng cũng khiến MSB phải mạnh tay trích dự phòng rủi ro. Cụ thể, MSB trích gần 903 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng nửa đầu năm (cùng kỳ chỉ trích 56 tỷ đồng). Tổng nợ xấu tính đến ngày 30/06/2023 của MSB là 3.496 tỷ đồng, tăng 69% so đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 1,71% lên 2,56%.

Nợ khó đòi đã xử lý tính đến cuối quý II/2023 của MSB là 14.143 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm nay. Do đó Ngân hàng lãi trước thuế hơn 3.548 tỷ đồng, tăng 6%. So với kế hoạch lãi trước thuế 6.300 tỷ đồng năm 2023, MSB thực hiện được 56%.

Dự phòng nhiều ngân hàng giảm

Trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần (nguồn thu chính của VCB) tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 28.224 tỷ đồng và chiếm 78,4% tổng thu nhập hoạt động. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 6,4%, đạt 3.186 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh chứng khoán tăng gần 153%, mang về cho ngân hàng gần 89 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 9,6% xuống còn 3.079 tỷ đồng; hoạt động chứng khoán đầu tư lỗ 61 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 85 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 1,8% xuống mức 1.341 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động của VCB tăng 6% lên mức 10.930 tỷ đồng trong nửa đầu năm do tăng chi phí cho nhân viên. Tuy nhiên, VCB giảm trích lập dự phòng rủi ro 9%, chỉ còn 4.558 tỷ đồng, do đó VCB lãi trước thuế hơn 20.499 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Tính riêng trong quý II/2023, VCB trích hơn 2.536 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.

Việc đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro các năm trước cùng chất lượng tín dụng được kiểm soát khắt khe khiến áp lực trích lập dự phòng của VCB năm nay giảm bớt, dù tình hình kinh tế khó khăn hơn. Tại thời điểm 30/6/2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đang là hơn 385% với tổng số dư dự phòng 37.747 tỷ đồng.

Do đó, lãi trước thuế VCB tăng 25% lên 9.278 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, hoàn thành 48% mục tiêu cả năm là 43.000 tỷ đồng.

Tương tự, BIDV cũng tăng Chi phí hoạt động 18% lên mức 11.202 tỷ đồng do tăng chi phí cho nhân viên và tăng chi quản lý công vụ. Tuy nhiên, BIDV chỉ trích 9.719 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 30% so với cùng kỳ, do đó Ngân hàng lãi trước thuế hơn 13.863 tỷ đồng, tăng trưởng 26%. Tính riêng quý II/2023, BIDV giảm 35% chi phí dự phòng rủi ro, xuống còn 4.192 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế đạt 6.942 tỷ đồng, tăng trưởng 7%.

Nửa đầu năm nay, MB đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 12.735 tỷ đồng, tăng 7%; tổng thu nhập hoạt động đạt 23.490 tỷ đồng, tăng 2,7%, chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng 13,5% lên 19.708 tỷ đồng, bù đắp cho sự suy giảm của các lĩnh vực khác. Ngoài tín dụng tăng trưởng tốt, lợi nhuận nửa đầu năm 2023 của MB còn được hỗ trợ nhờ giảm dự phòng rủi ro tới 12,8% (giảm 448 tỷ đồng).

Tại Sacombank, nửa đầu năm nay Ngân hàng chỉ dành 2.317 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 26%. Do đó, Ngân hàng báo lãi trước thuế hơn 4.755 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ.

Tính riêng trong quý II/2023, Sacombank thu được 5.751 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, gấp 2,2 lần cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.373 tỷ đồng, tăng 80% và hoàn thành 50% mục tiêu cả năm. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/06/2023, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay là 1,79% so với mức 0,98% của đầu năm nay.

Tin bài liên quan