Các doanh nghiệp viễn thông đang có bước chuyển sang cung cấp dịch vụ số

Các doanh nghiệp viễn thông đang có bước chuyển sang cung cấp dịch vụ số

“Chiến trường mới” của doanh nghiệp viễn thông

Dù tăng trưởng tới 18,67% trong năm 2019, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy ngành viễn thông tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong năm 2020.

Tăng trưởng trong lo ngại

Ngành viễn thông đang là con gà đẻ trứng vàng cho nền kinh tế với sự bùng nổ mạnh mẽ trong 10 năm gần đây. Dù năm 2019, ngành vẫn tăng trưởng lớn, nhưng đã manh nha nhiều chỉ dấu đáng lo ngại.

Theo báo cáo của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2019, tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông đạt khoảng 470.000 tỷ đồng (tăng 18,67%), nộp ngân sách 47.000 tỷ đồng (tăng 36,7%). Số thuê bao băng rộng tăng đều, chất lượng dịch vụ liên tục được cải thiện.

Tuy nhiên, kết quả hoạt động năm 2019 cũng cho thấy hạ tầng và thị trường viễn thông truyền thống đã bão hoà và đang chuyển dịch mạnh thành hạ tầng số, dịch vụ số. Cụ thể, tỷ trọng doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống chỉ chiếm 28,5% và đang giảm dần qua các năm. Số thuê bao điện thoại di động năm 2019 giảm 3,6%, hiện chỉ đạt 125,7 triệu thuê bao. Số thuê bao di động giảm nguyên nhân là do thị trường đã bão hoà, cùng với việc mạnh tay của Bộ Thông tin và Truyền thông trong xử lý sim rác, tin nhắn rác.

Trong nhiều năm liền, tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất là Viettel, Vinaphone, MobiFone luôn chiếm trên 90%, năm 2019 tăng cao nhất, lên tới 96,2%, các doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 3,8% thị phần.

Cụ thể, tổng doanh thu năm 2019 của Tập đoàn VNPT đạt 167.983 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận đạt 7.100 tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch, tăng 10% so với thực hiện năm 2018.

MobiFone chưa công bố doanh thu, nhưng với 4.000 nhân viên, năng suất lao động đạt 9 tỷ đồng/năm, ước tính doanh thu của MobiFone đạt gần 36.000 tỷ đồng. Đại diện MobiFone cho biết, kết thúc năm 2019, mức lợi nhuận trước thuế của MobiFone ước đạt 6.078 tỷ đồng, hoàn thành 100,5% kế hoạch năm, tăng 3,5% so với năm 2018, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 5.526 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm.

“Anh cả” của ngành viễn thông là Viettel cũng chưa công bố doanh thu, nhưng theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, doanh thu ước tính của Viettel năm 2019 cũng vượt mức 250.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng hơn 30.000 tỷ đồng.

Trong khi viễn thông truyền thống có chiều hướng suy giảm, thì nhóm các dịch vụ số lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh thu từ dữ liệu của các nhà mạng tăng lên hơn 30% tổng doanh thu dịch vụ. Thị trường điện toán đám mây đạt doanh thu khoảng 220 triệu USD với khoảng 20% giải pháp nội địa, 80% là bán hàng cho các doanh nghiệp ngoại, đạt tốc độ tăng trưởng 40%/năm. Nền kinh tế Internet được đánh giá có quy mô 12 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 38%/năm.

“Chiến trường mới” của doanh nghiệp viễn thông ảnh 1

Suy giảm dịch vụ cơ bản, truyền thống

Năm 2019 là năm thứ 3 liên tục ghi nhận chiều hướng giảm mạnh của dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại, SMS. Tại VNPT, năm 2019, doanh thu data không đạt như kỳ vọng, chỉ tăng trưởng gần 20%, trong khi mục tiêu đặt ra là 30%. Nghịch lý là lưu lượng dịch vụ data đã có mức độ tăng trưởng trong năm 2019 gần 3 lần, nhưng doanh thu chỉ tăng 18,6%. Bên cạnh đó, các dịch vụ giá trị gia tăng như dịch vụ thanh toán về sim, icon… trong năm 2019 đã có sự suy giảm rất lớn, trong khi các dịch vụ số do mới bắt đầu kinh doanh nên doanh số tăng trưởng vẫn chưa đủ bù lại mức suy giảm của dịch vụ truyền thống.

“Xu thế giảm doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống của Việt Nam nhanh hơn so với xu thế của thế giới. Mức suy giảm trên là hệ quả của một loạt yếu tố, gồm bối cảnh thuê bao trong nước bão hòa, giá cước liên tục giảm để cạnh tranh giữa các nhà mạng, dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ điện thoại cố định tiếp tục trên xu hướng giảm, sự phổ biến của dịch vụ gọi điện, nhắn tin, cung cấp nội dung trên OTT. Những yếu tố đó đang khiến doanh thu dịch vụ viễn thông cơ bản ở Việt Nam trong năm qua rơi vào trạng thái không thể tăng trưởng”, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết.

Còn theo ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT, nguyên nhân của nghịch lý data tăng trưởng gấp 3 lần, nhưng doanh thu chỉ tăng 18,6% là do việc cạnh tranh quá đà, giảm giá quá sâu giữa các nhà mạng, dẫn đến khách hàng tăng, nhưng doanh thu tăng rất thấp và không tương xứng.

Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel cũng cho rằng, doanh thu dịch vụ thoại, tin nhắn giảm theo xu hướng chung, doanh thu từ data tăng trưởng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng lưu lượng là một trong những khó khăn với nhà mạng. Tuy nhiên, cước dịch vụ data giảm đã góp phần thúc đẩy người dân sử dụng Internet băng rộng nhiều hơn.

Cục trưởng Cục Viễn thông Hoàng Minh Cường nhận xét, trong cơ cấu doanh thu dịch vụ di động tại thị trường Việt Nam, doanh thu từ dịch vụ thoại và tin nhắn chiếm 76,6%, còn doanh thu từ data chỉ đạt 23,4%. Trong khi đó, xu hướng chung trên toàn cầu và sự phát triển của công nghệ cho thấy, các dịch vụ thoại và tin nhắn ngày càng giảm để nhường chỗ cho nguồn thu từ dịch vụ data. Doanh thu data trung bình của các nhà mạng trên thế giới là hơn 43%, cao hơn nhiều so với Việt Nam hiện nay. Thoại và tin nhắn sẽ ngày càng giảm, mà nguồn thu từ data chưa thể bù đắp, gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của các nhà mạng.

Cùng với đó, các nhà mạng đang duy trì 3 công nghệ (2G, 3G, 4G), sắp tới là 5G. Do phải duy trì vận hành, khai thác cùng một lúc các công nghệ trên, dẫn đến tài nguyên tần số vô tuyến điện bị chia nhỏ. “Hiệu quả khai thác tài nguyên giảm, doanh nghiệp tốn kém chi phí vận hành, từ đó khó tập trung được nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động thế hệ mới”, ông Cường nói.

Nhận diện “chiến trường mới”

Trong bối cảnh dịch vụ viễn thông truyền thống suy giảm, dịch vụ số tăng trưởng mạnh mẽ, các doanh nghiệp viễn thông đã có bước chuyển biến từ doanh nghiệp viễn thông sang doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số.

Năm 2019 là năm đầu tiên, VNPT thực hiện mạnh mẽ mục tiêu chuyển từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á vào năm 2035, bằng một loạt sản phẩm có dấu ấn rõ nét như xây dựng thành công Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia và hàng loạt dự án hỗ trợ phát triển CNTT tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước… cùng với việc cung cấp các dịch vụ CNTT, dịch vụ số cho hàng ngàn tổ chức, doanh nghiệp trong năm 2019.

“Năm 2020 và các năm tiếp theo, VNPT tiếp tục cung cấp giải pháp dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông, cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, Internet vạn vật, thành phố thông minh… Đây là sự chuyển dịch trên nền tảng sáng tạo hơn và phù hợp với xu hướng công nghệ trên thế giới”, ông Long cho biết.

Còn Viettel đang định hướng là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp. Năm 2020, Viettel đặt mục tiêu chuyển đổi số thành công.

“Đây sẽ là cuộc chuyển đổi vĩ đại của Viettel”, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Viettel khẳng định.

Theo ông Dũng, năm 2020 và những năm tới, Viettel sẽ tiên phong phát triển và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số, những dịch vụ quyết định Việt Nam có trở thành quốc gia số hay không. Đó là thanh toán số mobile money, nội dung số trước hết là giáo dục, thương mại điện tử gắn liền với hệ sinh thái tài chính số, công cụ tìm kiếm, mạng xã hội... Cùng với đó, Viettel sẽ chủ động tham gia vào xây dựng, hoàn thiện chính phủ điện tử, đặc biệt ưu tiên tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, dữ liệu tài nguyên quốc gia, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong chuyển đổi số”.

Đại diện Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng cho biết, năm 2020 với nhiều thách thức đang ở phía trước, bên cạnh dịch vụ truyền thống, MobiFone sẽ nghiên cứu và triển khai công nghệ, dịch vụ mới để đáp ứng tốt nhất nhu cầu liên tục tăng của khách hàng. MobiFone sẽ sớm mở rộng kinh doanh sang những lĩnh vực mới như Fintech, Big Data, IoT,… để thu hút khách hàng và tăng trưởng doanh thu.

Như vậy, có thể thấy “chiến trường mới” của các doanh nghiệp viễn thông trong năm 2020 là thị trường dịch vụ số. Các doanh nghiệp sẽ chạy đua cung cấp các dịch vụ số cho Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và người dùng cá nhân. Đây là một thị trường vô cùng rộng lớn, cơ hội đang chia đều cho tất cả.

Nhận định về thị trường viễn thông năm 2020, ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, một số xu hướng của thế giới sẽ ảnh hưởng đến thị trường viễn thông Việt Nam như tác động của IoT, các dịch vụ xuyên biên giới. Bên cạnh đó, thế giới đã xuất hiện nhiều bối cảnh mới, có thể tác động rất lớn đến các dịch vụ hạ tầng, ví dụ hệ thống WiFi Free của Google Station, hay hệ thống vệ tinh quỹ đạo thấp cung cấp Internet giá rất rẻ đến hộ gia đình.

“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu đưa ra cách thức quản lý phù hợp để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông. Bộ cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để mở rộng không gian cho hoạt động của các doanh nghiệp viễn thông, từ hạ tầng viễn thông truyền thống chuyển đến các hạ tầng số, phát triển dịch vụ mới như dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Hải cho biết.

Tin bài liên quan