Chìm tàu Thanh Phong, dấu hiệu vụ trục lợi bảo hiểm?

Chìm tàu Thanh Phong, dấu hiệu vụ trục lợi bảo hiểm?

(ĐTCK) Đại diện MIC cho biết, có hành vi gian dối, làm giả hồ sơ nhằm trục lợi bảo hiểm của Công ty Thanh Phong trong vụ chìm tàu Thanh Phong 36 xảy ra từ tháng 12/2009.

Ngày 22/6/2012, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội đã phải tạm hoãn phiên xét xử vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty TNHH Thanh Phong liên quan đến vụ chìm tàu Thanh Phong 36 xảy ra từ tháng 12/2009, do phía MIC đề nghị thay đổi thẩm phán.

Trao đổi với ĐTCK tại Tòa Phúc thẩm, đại diện MIC - bị đơn trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” này cho biết, hồ sơ, tài liệu vụ việc cho thấy có hành vi gian dối, làm giả hồ sơ nhằm trục lợi bảo hiểm của Công ty Thanh Phong.

Về phía Thanh Phong, hiện ĐTCK chưa tìm được quan điểm chính thức về nghi vấn này, nhưng trong phiên xét xử sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng trước đó, công ty này khẳng định, tàu Thanh Phong 36 đủ khả năng đi biển, chỉ vi phạm vài thủ tục hành chính và yêu cầu MIC bồi thường khi tàu gặp nạn.

MIC: “Rõ dần dấu hiệu trục lợi bảo hiểm”

“Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 16/12/2011 của Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng, tranh chấp 2 bên chỉ mang tính dân sự. Tuy nhiên, sau một thời gian thu thập thêm chứng cứ, cụ thể là sau khi có được danh sách thuyền viên được cung cấp từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 vào đầu năm 2012 thì có thể thấy rõ hơn dấu hiệu trục lợi bảo hiểm ở đây”, đại diện MIC cho ĐTCK biết. 

Theo phán quyết của Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng, MIC đã bị  xử thua khi Tòa quyết định MIC phải bồi thường 6,5 tỷ đồng cho Thanh Phong. Ngay sau đó, MIC đã có đơn kháng cáo ngày 28/12/2011 đồng gửi tới Tòa Phúc thẩm - Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội và Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng, yêu cầu xét xử lại vụ án theo hướng công nhận MIC không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bởi theo MIC, quyết định của Tòa khi đó chưa khách quan, chưa đúng quy định pháp luật, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của MIC.

Chia sẻ với ĐTCK, đại diện MIC cho biết, MIC sẵn sàng bồi thường nếu tàu phải đảm bảo an toàn đi biển theo đúng quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam và luật lệ, tập quán hàng hải quốc tế. Theo hợp đồng bảo hiểm tàu ven biển đã ký giữa 2 bên, MIC sẽ bảo hiểm thân tàu, trách nhiệm dân sự chủ tàu và tai nạn thuyền viên cho tàu Thanh Phong 36, với mức trách nhiệm bồi thường 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi xem xét diễn biến của vụ tai nạn mới thấy rõ hơn các hành vi trục lợi bảo hiểm.

Mới đây nhất, hành vi trục lợi bảo hiểm kể trên cũng đã được Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) kết luận theo Công văn số H29/ĐTHS- P10 (ngày 15/6/2012). Theo kết luận của Cục điều tra Hình sự, để được hưởng quyền lợi bảo hiểm (bồi thường) sau khi tàu chìm, Giám đốc Công ty Thanh Phong, ông Trần Văn Chấp đã thay đổi và hợp thức hóa các chức danh định biên an toàn của tàu Thanh Phong tại thời điểm xảy ra tai nạn (làm giả danh sách thuyền viên - PV). Cụ thể, do trên tàu không có thuyền trưởng (thuyền trưởng trên tàu là ông Nguyễn Văn Thắng không có bằng thuyền trưởng), sỹ quan, nên đã hợp thức hóa bằng việc đưa vào danh sách một người tên Giang thay thuyền trưởng.

“Chủ tàu Thanh Phong 36 đã làm giả hồ sơ, khai ông Lương Văn Giang (người không có mặt trên tàu) làm thuyền trưởng, thay thuyền trưởng thực tế là ông Nguyễn Văn Thắng (người có mặt trên tàu, nhưng không có bằng thuyền trưởng) để trục lợi bảo hiểm”, Công văn của Cục Điều tra Hình sự khẳng định.

Ngoài ra, cũng theo kết luận của Cục Điều tra hình sự, do trên tàu không có sỹ quan máy và sỹ quan boong, nên Công ty đã hợp thức hóa bằng việc đưa vào danh sách người tên Hưng thay sỹ quan máy; người tên Quyết thay sỹ quan boong. Trong khi thực tế, các vị trên đều không có mặt trên tàu, nhưng có trình độ chuyên môn và chức danh phù hợp theo quy định bắt buộc, nên đã được bổ sung nhằm hợp thức hóa yêu cầu. Bù lại vị trí 3 nhân vật bổ sung trên, hồ sơ của Thanh Phong đã loại 3 người có mặt trên tàu hôm đó ra khỏi danh sách, khác với danh sách thuyền viên tàu Thanh Phong 36 do tàu SAR 411 (tàu cứu hộ) cung cấp. Cuối cùng, sau khi thêm và loại người, Thanh Phong đã cung cấp 1 bản danh sách mới cho Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng.

Cũng theo kết luận của Cục Điều tra hình sự, tàu Thanh Phong 36 còn vi phạm Luật Hàng hải như chở than (vì phát hiện sau khi trục vớt vẫn còn than), không đúng như khai báo của chủ tàu là tàu chạy thử máy. Đồng thời, dù biết thời tiết xấu vượt quá mức chịu đựng của tàu, vẫn cho tàu rời bến. Vì vậy, vụ tai nạn trên thuộc các điều khoản loại trừ bảo hiểm của MIC. Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm, MIC cho rằng, họ không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

 

Vụ việc chưa có hồi kết

Vụ chìm tàu Thanh Phong 36 diễn ra sáng ngày 15/12/2009, toàn bộ 12 thuyền viên đã lên được 2 phao bè.

Ngày 11/10/2010, với lý do tàu rời cảng không có giấy phép hoạt động, thiếu định biên về thuyền viên cộng với kết luận giám định bổ sung, tàu bị chìm còn do tàu kết hợp chở hàng hóa quá quy định cùng với ý kiến của các bên như đơn vị giám định, Cảng vụ Hải Phòng, MIC đã thông báo từ chối trách nhiệm bồi thường 6,5 tỷ đồng.

Sau đó, Thanh Phong đã khởi kiện ra tòa khi biết MIC từ chối bồi thường.

Ngày 16/12/2011, Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng đã quyết định MIC phải bồi thường thiệt hại cho Thanh Phong.

Hiện vụ án đang được Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội thụ lý giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Ngày 22/6/2012, vụ án đã bị hoãn xét xử, do đề nghị thay đổi thẩm phán của MIC. ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến mới.

Ý kiến các bên tại Tòa án Nhân dân Hải Phòng

Đơn vị giám định, Công ty TNHH Giám định và định giá 999: tàu Thanh Phong không đủ điều kiện hoạt động trên biển, do định biên an toàn tối thiểu là 8 người, trong đó có 1 đại phó và 1 sỹ quan máy, mặc dù vậy, dù có 12 thuyền viên nhưng tàu Thanh Phong lại không có đại phó và sỹ quan máy, vi phạm pháp luật hiện hành.

Thanh Phong: Tàu Thanh Phong 36 hoàn toàn đủ khả năng đi biển, khả năng hoạt động trước khi tàu khởi hành. Theo quy định, tàu chạy thử trong luồng nội địa không cần phải xin phép và tàu vẫn bố trí thuyền viên thích hợp. Ngoài ra, việc tàu không xin cấp phép chạy thử và không làm thủ tục rời cảng chỉ là vi phạm về thủ tục hành chính, không vi phạm luật giao thông như MIC nêu.

Tòa án Nhân dân Hải Phòng:

Để kết luận tàu không đủ khả năng hoạt động, không có giấy phép hoạt động, MIC phải có văn bản xin ý kiến Cục Hàng hải Việt Nam và Cảng vụ Hải Phòng về vấn đề này. Việc tàu bố trí không đủ định biên an toàn tối thiểu là vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải. Việc cho tàu chạy thử do thuyền trưởng quyết định hoàn toàn, trong trường hợp này, chủ tàu được miễn trách nhiệm.