Chỉnh dòng trái phiếu

Chỉnh dòng trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần 723.000 tỷ đồng đã chảy vào trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021, dù không ít doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Nhằm hạn chế rủi ro, khung pháp lý cho loại trái phiếu này đang được sửa đổi, bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn.

Nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời sân chơi trái phiếu

Điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là doanh nghiệp phát hành phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.

Cụ thể, tổng dư nợ vay trái phiếu từ tất cả các hình thức vay trái phiếu tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không được vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất; có kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành có lãi và không có lỗ lũy kế theo báo cáo tài chính được kiểm toán; đối với doanh nghiệp có tổng dư nợ vay trái phiếu tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) lớn hơn 1 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất khi phát hành trái phiếu phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán; đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính áp dụng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tỷ lệ an toàn tài chính trong lĩnh vực chuyên ngành (nếu có).

Theo Bộ Tài chính, quy định trên nhằm hạn chế việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, gây mất an toàn trong hoạt động, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong số 380 doanh nghiệp phát hành trái phiếu năm 2021, 64 doanh nghiệp có khối lượng phát hành riêng lẻ lớn hơn 3 lần vốn chủ sở hữu, 151 doanh nghiệp có khối lượng phát hành riêng lẻ lớn hơn 1 lần vốn chủ sở hữu.

Theo đó, dự kiến khi triển khai quy định tại dự thảo Nghị định 153 (sửa đổi), số lượng doanh nghiệp ngay lập tức không thể tiếp tục huy động vốn trái phiếu là 64, chiếm 16,8% số doanh nghiệp phát hành năm 2021. Đây là các doanh nghiệp cần rà soát lại hoạt động huy động vốn để đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững.

Cũng trong năm 2021, 57 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành trái phiếu, 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 và 51 doanh nghiệp có khối lượng phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu.

Phần lớn các doanh nghiệp đều có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh thanh toán bởi tổ chức thứ ba, nhưng việc doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhỏ, kinh doanh thua lỗ phát hành trái phiếu có thể không phải để huy động vốn cho chính doanh nghiệp mà để đầu tư vào dự án đầu tư của doanh nghiệp khác, lách quy định về giới hạn cấp tín dụng của tổ chức tín dụng đối với một khách hàng/nhóm khách hàng.

Vì vậy, bổ sung quy định về tổng dư nợ vay trái phiếu trên vốn chủ sở hữu là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu và góp phần giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững

Nâng tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp

Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Nghị định 153 quy định, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ được phép bán và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (tổ chức và cá nhân).

Theo thống kê, trong năm 2021, trên thị trường sơ cấp, các công ty chứng khoán và tổ chức tín dụng trong nước là những nhà đầu tư chính mua trái phiếu doanh nghiệp, chiếm 72,3% tổng khối lượng phát hành (các tổ chức tín dụng mua 37,87%, các công ty chứng khoán mua 34,47%); tỷ trọng mua trái phiếu của các nhà đầu tư cá nhân (nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) là 5,39%, giảm mạnh so với mức 12,7% năm 2020.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2021, trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu do các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư cá nhân nắm giữ, chiếm lần lượt là 48,8% và 26,3% dư nợ trái phiếu phát hành trong năm 2021. Như vậy, nhà đầu tư cá nhân đã giảm việc mua trên thị trường sơ cấp và mua mạnh ở thị trường thứ cấp, phần lớn mua lại từ các công ty chứng khoán.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tính đến 31/12/2021, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 43,1% dư nợ trái phiếu, các tổ chức tín dụng nắm giữ 33,5%.

Số liệu tổng hợp trên cho thấy, mặc dù đã áp dụng các quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp từ ngày 1/1/2021, nhưng sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn lớn.

Bộ Tài chính cho biết, thông qua công tác quản lý, giám sát và tổ chức đoàn kiểm tra, có hiện tượng lách quy định của pháp luật trong việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp qua các hình thức: mua trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian từ 2 - 4 ngày và bán ra để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm (chi phí thực hiện khoảng 1,5 - 2 triệu đồng); sử dụng tài khoản vay ký quỹ (margin) để chứng minh danh mục chứng khoán niêm yết đang nắm giữ có giá trị trên 2 tỷ đồng; cá nhân không đứng tên trực tiếp mà tham gia các hợp đồng góp vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với tổ chức theo pháp luật dân sự (đơn cử trường hợp Tân Hoàng Minh).

Việc lách quy định của pháp luật khi xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành, thiếu khả năng phân tích, đánh giá là rất rủi ro.

Trường hợp doanh nghiệp phát hành hoặc đơn vị phân phối trái phiếu (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán hoặc tổ chức khác) không thực hiện được các cam kết với nhà đầu tư thì phạm vi bị ảnh hưởng lớn, gây bất ổn cho thị trường tài chính và xã hội.

Trong bối cảnh điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được quy định tại Luật Chứng khoán chưa thể sửa đổi ngay, cơ quan quản lý sẽ rà soát bổ sung quy định về loại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhà đầu tư cá nhân được phép mua để định hướng nhà đầu tư vào các trái phiếu có tính công khai, minh bạch và độ an toàn cao hơn; quy định cụ thể về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với trường hợp cá nhân sử dụng danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng (để tránh các trường hợp lách quy định của pháp luật); đồng thời, bổ sung quy định về quyền lợi của nhà đầu tư và trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành bắt buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn khi vi phạm phương án phát hành và vi phạm quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu.

Nhiều quy định chặt chẽ khác

Nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, tránh tình trạng các tổ chức này cung cấp thông tin sai sự thật và chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai đối tượng, dự thảo Nghị định 153 quy định: các tổ chức cung cấp dịch vụ không phải là người có liên quan đối với doanh nghiệp phát hành theo quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn; nghiêm cấm các tổ chức cung cấp dịch vụ cung cấp thông tin sai sự thật về trái phiếu phát hành và bán trái phiếu cho đối tượng nhà đầu tư không tuân thủ quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, dự thảo có các quy định nhằm hạn chế việc doanh nghiệp sử dụng các nhóm công ty cùng lợi ích để hợp tác, chào mời nhà đầu tư mua trái phiếu; đồng thời, làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm khi cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ và tăng cường nghĩa vụ báo cáo, dự thảo Nghị định giao Bộ Tài chính hướng dẫn các hoạt động tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, bảo lãnh, đấu thầu, đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đại diện người sở hữu trái phiếu và đăng ký, lưu ký trái phiếu chào bán riêng lẻ.

Để tăng tính thanh khoản cho các trái phiếu đã phát hành, tăng tính công khai, minh bạch, tăng cường quản lý, giám sát đối với các trái phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường có tổ chức, dự thảo quy định, Bộ Tài chính hướng dẫn việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán.

Dự thảo còn bổ sung quy định: báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng vốn trái phiếu phải được kiểm toán; đưa lên Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán thông tin về các doanh nghiệp không thanh toán đầy đủ gốc, lãi khi trái phiếu đến hạn và doanh nghiệp sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích.

Để ngăn ngừa và sớm phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tin bài liên quan