Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội hồi đầu tháng 4/2023 (Ảnh VGP)

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội hồi đầu tháng 4/2023 (Ảnh VGP)

Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương, bàn cách thúc tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế khó khăn, Chính phủ quyết định họp tiếp tục họp trực tuyến với các địa phương để bàn cách tháo gỡ, vực dậy nền kinh tế.

Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2023.

Đây là lần thứ ba Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để thảo luận và đưa ra các quyết sách về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Lần đầu tiên là vào đầu tháng Một, chuẩn bị cho việc ban hành Nghị quyết số 01 về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2023. Lần thứ hai là đầu tháng Tư, sau khi Tổng cục Thống kê chính thức công bố tăng trưởng GDP quý I ước đạt 3,32%, một mức tăng trưởng được cho là rất thấp, cho thấy nền kinh tế đang đối mặt với những rủi ro, thách thức rất lớn.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương lần này diễn ra ngay sau khi Quốc hội có hai ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2022-2023. Theo đó, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo lắng khi kinh tế Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 là một thách thức lớn.

“Sức ép thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là rất lớn”, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đã nói như vậy.

Còn đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Khánh Hòa) thì thẳng thắn: “Tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%, mức thấp nhất trong điều kiện kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5% là rất khó khăn”.

Thực tế, trước đó, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, năm 2023 sẽ rất khó khăn để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5%, trong bối cảnh nhiều trung tâm sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng âm, doanh nghiệp phải bán cổ phần giá thấp...

“Việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là một thách thức lớn”, chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nói như vậy và cho biết, với mức tăng trưởng GDP 3,32% trong quý I/2023, để đạt mục tiêu 6,5%, ba quý còn lại của năm, bình quân mỗi quý tăng trưởng GDP phải đạt khoảng 7,5%.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tháng 5 tiếp tục chuyển biến khá tích cực, góp phần cải thiện kết quả chung của 5 tháng đầu năm và tạo đà cho những tháng tiếp theo.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm (4 tháng tăng 3,84%) dù đã điều chỉnh tăng giá điện tăng 3% từ ngày 4/5/2023; lạm phát cơ bản tiếp tục chuyển biến tích cực.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay giảm; ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 48% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 48,4% dự toán.

Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng Năm ước lần lượt tăng 5,3%, 4,3% và 6,4% so với tháng trước (tháng Tư lần lượt giảm 7,7%, 7,3% và 8,1%); 5 tháng ước xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm 2022 là 0,24 tỷ USD).

Cùng với đó, đầu tư nước ngoài đăng ký tháng Năm đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đạt 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm trước (trong khi 4 tháng chỉ bằng 82,1% so với cùng kỳ).

Cùng với đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Sản xuất nông nghiệp ổn định; sản lượng nuôi trồng thủy sản 5 tháng tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Năm ước tăng 2,2% so với tháng trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,9%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 05 tháng tăng 12,6%, là tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây.

Tuy vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do những khó khăn, thách thức chung của thế giới, sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền, thị trường và đơn hàng; nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai…

Tin bài liên quan