Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán 2017 sẽ có độ “nóng” cao, dòng tiền chảy mạnh

Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán 2017 sẽ có độ “nóng” cao, dòng tiền chảy mạnh

Chứng khoán 2017: Chờ chực cơ hội từ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

(ĐTCK) Gần chục năm thị trường mới lại chứng kiến giao dịch trên các sàn sơ cấp sôi động cả những ngày cận Tết. Môi giới nhiều công ty chứng khoán và nhà đầu tư chạy theo “sóng” tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nửa cuối năm vừa qua sẽ có cái Tết khá xôm tụ.

Năm mới, sẽ có nhiều chính sách mới

Ngày 20/1/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã nghe Bộ Tài chính báo cáo về việc xây dựng Đề án tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn tới năm 2020. Được biết, Đề án này sẽ phải hoàn thành và trình Chính phủ xem xét, phê chuẩn trong quý I/2017.

Trong năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ có nhiều thay đổi. Trước hết là sự xuất hiện của nhiều cổ phiếu mới trên sàn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính phân tích sâu hơn kết quả của quá trình tái cơ cấu DNNN thời gian qua để nhận định rõ những nhược điểm, các mục tiêu không đạt được để tập trung khắc phục trong thời gian tới, như tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ còn nhiều, vấn đề sắp xếp DNNN hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, hay việc nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, hàm lượng khoa học kỹ thuật, sức cạnh tranh của DNNN.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, có những DNNN trước khi cổ phần hóa có 5 phòng chức năng, nhưng sau cổ phần hóa tăng lên 15 phòng do cổ phần hóa không thực chất, vốn nhà nước vẫn còn nhiều.

Lãnh đạo các bộ như Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Đề án cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện cần làm rõ các quy định về xác định giá trị DNNN để tránh làm mất vốn nhà nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với các bộ về việc Đề án cần đặt ra các mục tiêu định lượng cụ thể hơn như cổ phần hóa bao nhiêu DNNN, số lượng vốn nhà nước bán ra, tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp tới năm 2020 dự kiến còn bao nhiêu phần trăm, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu...

Về hành lang pháp luật, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ rà soát lại hệ thống các quy định về chức năng quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, các quy định liên quan tới cổ phần hóa, phương thức định giá DNNN, quản trị doanh nghiệp, giám sát nguồn lực đầu tư của DNNN… để tiếp tục sửa đổi, bổ sung.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Đề án làm rõ các giải pháp huy động nguồn lực thị trường tham gia tái cơ cấu DNNN; phân công, phân quyền rõ ràng cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, các bộ, địa phương trong quyết định các vấn đề liên quan tới tái cơ cấu DNNN, nhất là các vấn đề liên quan tới lao động dôi dư, đất đai.

Thị trường sẽ phản ứng tích cực

Đó là nhận định của giới phân tích trong cuộc khảo sát do Bloonberg thực hiện mới đây. Marc Djandji, Giám đốc Môi giới khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho hay, Chính phủ đã và đang tích cực thúc đẩy các công ty lên niêm yết và đây sẽ là chủ đề được quan tâm chính trong năm 2017. Ông Djandji đề xuất đầu tư vào các ngành: tiêu dùng, vật liệu xây dựng, du lịch và vận tải.

Trong năm 2017, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam dự báo sẽ có nhiều thay đổi. Trước hết là sự xuất hiện của nhiều cổ phiếu mới trên sàn. Những doanh nghiệp phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) mới và IPO trong nhiều năm qua sẽ lên sàn.

Trên thực tế, những doanh nghiệp có kế hoạch sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết/đăng ký giao dịch, thanh khoản của cổ phiếu lập tức nhảy vọt và doanh nghiệp càng lớn, kinh doanh hiệu quả càng được “săn” mua ráo riết.

Chẳng hạn, cổ phiếu VEAM đang được giao dịch ở mức 22.000 đồng/CP, cao hơn xấp xỉ 8.000 đồng/CP so với mức giá IPO bình quân đạt được vào tháng 9/2016. Hay cổ phiếu Petrolimex được giao dịch ở mức 37.000 đồng/CP, gấp 2,5 lần so với giá IPO cuối năm 2011. Cổ phiếu Tổng công ty Dược, Sasco… được giao dịch sôi động chưa từng thấy.

Tuy nhiên, với những cổ phiếu đã tăng giá mạnh, giới đầu tư tạm “kiềm chế” nhiệt để dành nguồn lực chờ các đợt IPO và thoái vốn nhà nước của các doanh nghiệp diễn ra trong thời gian tới.

Nhìn nhận về thị trường sau Tết Đinh Dậu, nhiều chuyên gia phân tích từ các quỹ đầu tư lớn và các công ty chứng khoán nhận định, sẽ có nhiều biến động lớn, độ “nóng” cao hơn, dòng tiền chảy mạnh hơn. Kinh tế năm 2017 sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5 - 6,7%, lạm phát được kiểm soát trong khoảng 4 - 5% cho phép Chính phủ kiểm soát được lãi suất, duy trì mức lãi suất thấp, hỗ trợ TTCK.

Kinh tế Việt Nam đang ổn định, hồi phục, tăng trưởng và dự báo trong 3 năm tới sẽ đạt đỉnh ngắn hạn, TTCK thông thường sẽ đạt đỉnh trước 1 năm, nên cơ hội đầu tư năm 2017 là hiện hữu.          

Tin bài liên quan