Chuyện đại gia bất động sản góp vốn tại ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Đại gia” bất động sản hay các ngành nghề khác tham gia tái cơ cấu ngân hàng, lãnh đạo ngân hàng được nhìn nhận là yếu tố tích cực, dù một số trường hợp trong quá khứ cho thấy nguy cơ rủi ro.
KienLongBank vừa có sự thay đổi cơ cấu cổ đông.

KienLongBank vừa có sự thay đổi cơ cấu cổ đông.

Câu chuyện tại NCB và KienLongBank

Cuối tháng 7 vừa qua, bà Bùi Thị Thanh Hương được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Khi thông tin bà Hương được bầu làm Chủ tịch NCB qua đại hội cổ đông bất thường được công bố, nhà đầu tư chứng khoán đã liên hệ với cú sang tay 117 triệu cổ phiếu trong tháng 7 có, tương đương 28,5% cổ phần NCB qua giao dịch thoả thuận để đoán ai là người nhận chuyển nhượng khối lượng cổ phiếu này. Giá cổ phiếu của NCB (mã chứng khoán NVB) đã có 4 phiên tăng rất mạnh, từ 19.000 đồng/CP lên 26.900 đồng/CP.

Tất nhiên, đó chỉ là suy luận. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được hồ sơ liên quan tới cổ đông lớn tại NCB”. Nhưng vị này cũng thừa nhận rằng, trong trường hợp chuyển nhượng theo hình thức các lô nhỏ để tỷ lệ sở hữu dưới 5%, một cổ đông không phải công bố thông tin và không phải xin chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng, một cá nhân chỉ được sở hữu tối đa không vượt quá 5% vốn điều lệ tại một ngân hàng, một tổ chức sở hữu không vượt quá 15% vốn điều lệ của một ngân hàng, cổ đông và người có liên quan tới cổ đông đó không sở hữu cổ phần vượt 20% vốn điều lệ của ngân hàng.

Một câu chuyện gần giống như trên đó là tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank). Trong 6 phiên giao dịch từ ngày 29/10 - 10/11/2020, hơn 87 triệu cổ phiếu KLB của KienLongBank, tương đương 27% vốn điều lệ Ngân hàng được trao tay qua các giao dịch thoả thuận.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của KienLongBank tổ chức tháng 5/2021, Hội đồng quản trị đã bầu bà Trần Thị Thu Hằng giữ chức Chủ tịch nhiệm kỳ 2018 - 2022 kể từ ngày 26/5/2021. Bà Hằng trước đó giữ cương vị Tổng giám đốc điều hành Sunshine Group và Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunshine International Property Technology (SIPT).

Tân Chủ tịch Hội đồng quản trị NCB và KienLongBank đều không phải là người xa lạ với hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, những người trong ngành đánh giá: “Đây không phải là cuộc trở về, mà là nhân sự được giao nhiệm vụ mới”.

Quan trọng là ban điều hành mạnh

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, biết nhiều câu chuyện hậu trường ngành ngân hàng nhận xét, phía sau các “bóng hồng” thường là những hình bóng khác và hầu như ai cũng đoán biết đó là ai. Nhưng cho dù là ông chủ thật với quyền lực thật đi chăng nữa, vận hành một ngân hàng rất khó, vận hành một ngân hàng yếu, tái cơ cấu lại là một câu chuyện rất khác.

Phía sau các “bóng hồng” thường là những hình bóng khác và hầu như ai cũng đoán biết đó là ai.

“Trong lĩnh vực bất động sản, anh có thể là vua, nhưng trong lĩnh vực ngân hàng, dù có giỏi giang đến mấy cũng cần phải có thời gian để trải nghiệm, nói cách khác là đủ giờ bay, hoặc phải tuyển được Ban điều hành cực giỏi để thực hiện ý tưởng của mình”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Nhìn lại hệ thống ngân hàng Việt Nam, sự hiện diện của các đại gia như Hồ Hùng Anh, Ngô Chí Dũng, Đặng Khắc Vỹ…, đều là những người sừng sỏi, lão luyện trong thương trường, đã gây dựng nên các định chế tài chính lớn như Techcombank, VPBank, VIB. Để có những ngân hàng “xịn” ngày hôm nay, một trong những khác biệt lớn của các đại gia này là họ có những tổng giám đốc “tay dao tay thớt”, dày dạn kinh nghiệm và những người được cử vào Ban điều hành là những chiến binh thật sự để thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị.

“Một ông chủ thật và giỏi không tập trung quyền lực để điều hành, mà đưa ra ý tưởng và những chiến binh mạnh sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ”, vị chuyên gia trên nói.

Đây là điều không khó hiểu khi các ông chủ thật khi tham gia vào ngân hàng hay thực sự muốn thâu tóm ngân hàng sẽ thay đổi tổng giám đốc, ban điều hành để nắm quyền, để ngân hàng hoạt động theo mong muốn.

Một đại gia bất động sản chia sẻ: “Bỏ tiền vào ngân hàng là đầu tư dài hạn, phải đợi khi ngân hàng tốt lên mới hưởng lợi. Mua ngân hàng về, không tăng được khách hàng, không tăng được CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn), cho vay lại chính bản thân mình, hay rút tiền cho mục đích riêng…, tôi không nghĩ sẽ còn làm được những việc này vì thứ nhất là đi tù sớm bởi các quy định chặt chẽ của ngành ngân hàng, đó là chưa kể các bài học kinh nghiệm của quá khứ vẫn còn và thứ hai, đây là sự phát triển không bền vững”.

Trước đây, nhiều đại gia bất động sản đầu tư vào ngành ngân hàng, trong đó có những trường hợp để lại không ít hệ lụy, điển hình là vụ án Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (còn gọi là đại án Phạm Công Danh - Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh kinh doanh đa ngành như vật liệu, thiết bị xây dựng, du lịch, nhà hàng, khách sạn, bất động sản).

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh lập hồ sơ khống để thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking nhằm rút 63,2 tỷ đồng của VNCB; ký các hợp đồng khống để thuê mặt bằng tại đường Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh, sau đó lấy 581 tỷ đồng từ VNCB trả cho các hợp đồng khống này để trả lãi cho các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và một số khoản nợ khác.

Sau đó, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và bán 900 trái phiếu (trị giá 900 tỷ đồng) cho 3 công ty từ nguồn tiền của VNCB rồi chuyển tiền cho Danh sử dụng. Ngoài ra, ông Danh còn rút 5.490 tỷ đồng từ tiền gửi của khách hàng vào VNCB mà không có chữ ký của khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, gây thiệt hại cho VNCB.

Vì cần tiền trả nợ, Phạm Công Danh đã ký các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống để rút 4.700 tỷ đồng của VNCB. Chỉ trong 2 năm (từ 2012 đến 2014), tổng số tiền mà ông Danh gây thiệt hại cho VNCB đến thời điểm khởi tố vụ án ngày 29/7/2014 là hơn 9.000 tỷ đồng.

Hiện tại, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận xét, có vẻ tư duy của các đại gia bất động sản đã có nhiều thay đổi khi tham gia ngân hàng so với trước đây. Không đáng ngại khi các đại gia lĩnh vực bất động sản cũng như các ngành nghề khác tham gia tái cơ cấu các ngân hàng, thậm chí đây còn là điều tốt cho hệ thống. Dẫu vậy, các đại gia cần ghi nhận những bài học cũ, chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt để làm cho tốt; nếu không, chính họ có thể sẽ chán và rơi vào bế tắc.

Câu chuyện khác đang được chia sẻ trên thị trường là một đại gia trong lĩnh vực ô tô được giới thiệu và đầu tư vào Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Người này được cho là người đại diện/được uỷ quyền bởi một nhóm cổ đông mới đầu tư vào Eximbank, nắm giữ gần 13% vốn điều lệ Ngân hàng, vì nhận định ngân hàng là lĩnh vực “ngon”, nhưng đã không lường được nhiều sự việc phức tạp.

Tin bài liên quan