Tín dụng xanh” và “ngân hàng xanh” là lĩnh vực đang được các ngân hàng chú trọng hiện nay.

Tín dụng xanh” và “ngân hàng xanh” là lĩnh vực đang được các ngân hàng chú trọng hiện nay.

Chuyển đổi số - chìa khóa phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyển đổi số và kinh doanh bền vững đang trở thành con đường phát triển chính cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đại.

Chúng ta đang sống trong thập kỷ mà khoa học công nghệ đã đem đến sự thay đổi rõ rệt vào từng ngõ ngách của đời sống. Đây cũng là thập kỷ mà biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Bối cảnh này đặt ra thách thức quan trọng đối với các doanh nghiệp là sự định hình và định hướng chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững, toàn diện và linh hoạt trong tương lai. Người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn và các nhà đầu tư theo định hướng tích cực đang thôi thúc các doanh nghiệp phải đẩy mạnh giải quyết vấn đề về kinh doanh - xã hội - quản trị nội bộ một cách cụ thể và minh bạch.

ESG là gì?

ESG là một bộ tiêu chuẩn dùng để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. ESG là thuật ngữ viết tắt của Environmental, Social & (Corporate) Governance, tạm dịch là Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp.

Trải qua gần 2 thập kỷ, ESG đã tiến hóa từ một hệ thống báo cáo chuyên biệt cho các nhà đầu tư tài chính, trở thành một thuật ngữ chung để chỉ cách mà các doanh nghiệp hoặc thương hiệu cân nhắc về các tác động của những yếu tố trên lên sản phẩm và nhân sự của họ.

ESG tập trung vào 3 yếu tố chính, bao gồm: Môi trường (E) - xem xét các khía cạnh về thay đổi khí hậu, năng lượng, phát thải carbon, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phúc lợi động vật…; Xã hội (S) - xem xét doanh nghiệp trong các mối quan hệ kinh doanh và nhu cầu, mong đợi của các bên liên quan như quan hệ cộng đồng, đối tác, nhà cung cấp, khách hàng…, cùng các khía cạnh về điều kiện làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp của người lao động; Quản trị doanh nghiệp (G) - tiêu chí đánh giá về phương pháp kế toán, tính minh bạch và quyền lợi biểu quyết của cổ đông trong các vấn đề quan trọng, quản lý xung đột lợi ích…

Mối tương quan giữa ESG và chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Chuyển đổi số toàn diện không chỉ cho phép mọi công việc của một doanh nghiệp được diễn ra nhanh và hiệu quả hơn, mà còn có thể thay đổi nhận thức về cách doanh nghiệp giải quyết vấn đề. Điều này cũng đúng với ESG, việc chú trọng vào yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp trở nên hấp dẫn và phát triển mạnh mẽ hơn.

Ảnh tác giả

Các tổ chức tài chính đóng vai trò tiên phong trong việc thực thi ESG sẽ tạo ra sự thúc đẩy mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp nói chung trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.

Nguyễn Thùy Dương

Ngày nay, chuyển đổi số và kinh doanh bền vững đang trở thành con đường phát triển chính cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đại. Việc chuyển đổi số sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra được các quyết định đầu tư bền vững, xây dựng và phát triển bộ dữ liệu ESG một cách bài bản và việc công bố thông tin về ESG của doanh nghiệp mang lại kết quả vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh trong dài hạn.

Những lợi ích của việc thực hiện tốt ESG bao gồm giảm chi phí vốn, giảm thiểu rủi ro kinh doanh, tăng cường vị thế cổ đông, tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn dài hạn, nâng cao hiệu quả hoạt động và danh tiếng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xu hướng này cũng đang phát triển và xuất hiện nhiều hơn trong chiến lược của các ngân hàng nói riêng, lĩnh vực tài chính nói chung.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính đề cập đến việc ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng di động, blockchain và Internet vạn vật (IoT)… trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính, đưa ra quyết định tài chính và đầu tư. Còn tài chính bền vững đề cập đến quá trình ra quyết định đầu tư, trong đó các yếu tố ESG được đánh giá cẩn trọng với định hướng gia tăng đầu tư dài hạn vào các dự án và các hoạt động kinh tế bền vững.

Khi doanh nghiệp tích hợp được 2 mảng này với nhau đồng nghĩa với việc họ đang ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững: Tận dụng lợi thế của các công nghệ mới nổi để thu thập và phân tích dữ liệu nhằm đưa ra được những quyết định tài chính và đầu tư, từ đó đảm bảo vừa đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, vừa lồng ghép được mục tiêu xã hội và môi trường.

Ngoài việc cung cấp cơ sở và tạo tiền đề cho các quyết định đầu tư, công nghệ cũng có thể giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về ý nghĩa của môi trường và xã hội thông của các quyết định tiêu dùng hay đầu tư, qua đó khuyến khích họ lựa chọn tài nguyên bền vững hơn.

Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn và có thái độ mua sắm rõ ràng hơn đối với các sản phẩm, dịch vụ “xanh”.

Trong tương lai, nếu công nghệ được phát triển và sự khác biệt về tính năng của dịch vụ/sản phẩm không quá khác biệt giữa các nhà cung cấp thì các thương hiệu “xanh” sẽ dễ dàng nhận được cảm tình và lựa chọn của người tiêu dùng. Do vậy, các doanh nghiệp cũng nên xem việc đầu tư vào sản xuất “xanh” như là một chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh trong dài hạn.

Thông qua các ứng dụng Fintech, các tổ chức tài chính cung cấp cho người tiêu dùng “bản đồ” chi tiêu hàng ngày và hỗ trợ họ trong việc lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, thân thiện với môi trường.

Theo nghiên cứu của Ernst & Young (EY), tại châu Âu, hơn 50% người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều hơn cho các sản phẩm bền vững, hay tại Mỹ - nơi mà phần đông người tiêu dùng thuộc thế hệ Millenials, 66% trong số này cho biết họ sẵn sàng chi tiền cho một nhãn hàng được chứng nhận phát triển bền vững; 75% cho rằng doanh nghiệp cần phải đem lại giá trị cho cộng đồng, thay vì chỉ chạy theo lợi nhuận.

Đặc biệt hơn, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 và sự tàn phá kinh tế khủng khiếp của nó, xu hướng phát triển bền vững càng được đẩy mạnh. Do đó, các nhà đầu tư ngày nay cũng trở nên ưa chuộng xu hướng đầu tư dựa trên việc đánh giá các tiêu chí ESG, thay vì các chỉ tiêu tài chính truyền thống.

Bloomberg Intelligence đưa ra nhận định, tài sản ESG toàn cầu có thể vượt qua 41.000 tỷ USD trong năm 2022 và đạt 50.000 tỷ USD vào năm 2025. Phần lớn sự tăng trưởng này diễn ra ở Mỹ với mức tăng 40% trong 2 năm qua.

Viện Tài chính quốc tế (IIF) cũng chỉ ra rằng, 80% các chỉ số chứng khoán của các quỹ tuân thủ tiêu chí ESG vượt qua các chỉ số tương tự của các quỹ không tuân thủ tiêu chí ESG trong các đợt bán tháo do ảnh hưởng của Covid-19.

Điều này cho thấy được tầm quan trọng mang tính sống còn của chỉ số ESG trong việc đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư toàn cầu. Trong năm 2021, trên toàn thế giới có hơn 620 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành - phân khúc lớn nhất trong thị trường tài chính bền vững, trong đó có sự đóng góp chủ yếu từ các nước ASEAN như Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Việt Nam: Tiềm năng chuyển đổi ESG trong công cuộc số hóa

Ở Việt Nam, Chính phủ đã khởi xướng các cải cách thể chế và chính sách, trong đó có việc xây dựng chiến lược quốc gia về hạn chế tác động và thích ứng biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, nền kinh tế carbon thấp, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội.

Các thương hiệu “xanh” sẽ dễ dàng nhận được cảm tình và lựa chọn của người tiêu dùng.

Các thương hiệu “xanh” sẽ dễ dàng nhận được cảm tình và lựa chọn của người tiêu dùng.

Theo tinh thần này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng và ban hành Thông tư 155/TT-BTC, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin về mục tiêu phát triển bền vững và báo cáo tác động liên quan đến môi trường xã hội.

Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi dưới tác động của công nghệ kỹ thuật số, việc chuyển đổi số trong kinh tế, xã hội, quản trị, môi trường là điều tất yếu để phát triển bền vững một cách toàn diện.

Tuy nhiên, khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có khoảng 80% doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đúng về chuyển đổi số. Thuật ngữ ESG vẫn còn khá mới mẻ và lạ lẫm đối với các doanh nghiệp Việt.

Mặc dù vậy, đã có những doanh nghiệp đi trước và chứng minh được sự thành công ngoài mong đợi khi đầu tư vào ESG, một trong số đó là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với việc tích hợp các tiêu chuẩn ESG vào xây dựng mục tiêu chiến lược cho sự phát triển của doanh nghiệp như đầu tư các trang trại theo nhiều hệ tiêu chuẩn cao của quốc tế như Organic châu Âu, Global G.A.P, hay việc áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại kết hợp với năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, Biomass, CNG… tại hệ thống trang trại, nhà máy, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu. Nhờ đó, từ năm 2017, Vinamilk liên tiếp được đánh giá thuộc Top 20 cổ phiếu xanh VNSI với tổng điểm ESG đánh giá đạt 90%.

Tương tự, hướng đến mục tiêu tác động môi trường bằng 0, Heineken Việt Nam đã đạt mục tiêu không còn rác thải chôn lấp tại toàn bộ 6 nhà máy, 100% chất thải và phụ phẩm tại các nhà máy bia của Công ty hiện được tái chế và tái sử dụng, 52% năng lượng dùng để tạo ra các sản phẩm bia là năng lượng tái tạo…

Mặt khác, các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) đang và sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo giúp định hình công cuộc số hóa của hoạt động ngân hàng trong thập kỷ tới.

Để thúc đẩy mạnh mẽ Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các chỉ thị và quyết định để thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững quốc gia: Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quyết định 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh với mục tiêu tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội đối với hệ thống ngân hàng và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường.

Vào tháng 4/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) giới thiệu cuốn cẩm nang về “Hướng dẫn cách phát hành cho trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” nhằm huy động vốn của khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội.

Tháng 8/2022, Công ty Tư vấn EY đã tiến hành khảo sát đối với 13 ngân hàng tại Việt Nam và kết quả khảo sát cho thấy, hơn 50% có các danh mục đầu tư về phát triển bền vững (ESG) và dự kiến sẽ tăng mức độ đầu tư các khoản này vào năm 2023. Qua đó, huy động vốn bằng “trái phiếu xanh” được xem là sản phẩm tiềm năng và được các ngân hàng quan tâm nhiều nhất (chiếm 40%).

HDBank là một trong những ngân hàng thực hiện chuyển đổi số toàn diện và thực hiện loạt ký kết hợp tác quan trọng với các định chế tài chính lớn và uy tín trên thế giới như IFC, DEG, Leapfrog Investments… nhằm thúc đẩy hơn nữa các chương trình chống biến đổi khí hậu, tài trợ các dự án đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG.

Tại Báo cáo thường niên năm 2021, MBBank công bố triển khai có hiệu quả việc phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh; tăng tỷ trọng tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Hệ thống văn phòng điện tử M-Office là một minh chứng tiêu biểu cho việc sử dụng ESG để thiết kế hệ thống chuyển đổi số của ngân hàng này nhằm tối giản quy trình và giảm thiểu, loại bỏ sự lãng phí giấy tờ…

Không chỉ ngân hàng, việc chuyển đổi ESG cũng được triển khai mạnh mẽ tại các công ty tài chính. Trong báo cáo phát triển bền vững của Home Credit (2021) đã áp dụng những nguyên tắc ESG trong quản trị chiến lược và sản phẩm của họ. Đồng thời, công ty tài chính này đang phối hợp với Ngân hàng Quốc gia Đức (Deutshe Bank) để xây dựng một cơ sở cho vay ESG, với những KPI liên quan tới tài chính toàn diện, trao quyền kỹ thuật số và bảo vệ dữ liệu trên nền tảng Power BI.

Các tổ chức tín dụng có vai trò quan trọng dẫn dắt nền kinh tế khi cung cấp, điều phối nguồn vốn dựa trên quy trình thẩm định rủi ro chặt chẽ. Chính vì vậy, trong quá trình chuyển đổi số của chính họ, các tổ chức tài chính đóng vai trò tiên phong trong việc thực thi ESG sẽ tạo ra sự thúc đẩy mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp nói chung trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.

Tóm lại, hiệu quả mang lại thông qua chuyển đổi số theo định hướng bền vững của các doanh nghiệp toàn cầu cho thấy vai trò to lớn của việc đầu tư vào ESG trong việc tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng như thu hút vốn đầu tư. Điều đó có nghĩa là trong bối cảnh hiện nay, muốn tồn tại và vươn ra “biển lớn”, các doanh nghiệp Việt cần phải nghiêm túc nhìn nhận và nghiên cứu việc ứng dụng chuyển đối số vào thực hành tài chính bền vững.

Tin bài liên quan