Chuyển đổi số và lựa chọn chiến lược

Chuyển đổi số và lựa chọn chiến lược

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chưa bao giờ làn sóng chuyển đổi số tại các tổ chức tín dụng lại mạnh mẽ như hiện nay, dù mức độ và sự lựa chọn đầu tư ở mỗi tổ chức có sự khác biệt.

Bản thân các tổ chức tín dụng (TCTD) truyền thống tại Việt Nam để cạnh tranh, tồn tại và thích ứng trước sự thay đổi của kinh tế - xã hội, đáp ứng với xu hướng và xu thế mới trên toàn cầu, cũng đã tích cực đẩy mạnh đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có 94% TCTD trong nước đang tiến hành chuyển đổi số, trong đó, có khoảng 59% TCTD đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế, 42% tổ chức tín dụng coi ngân hàng số là chiến lược kinh doanh.

Hầu hết các TCTD tại Việt Nam đều gặp rất nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số, trong đó, các hệ thống ngân hàng lõi (core banking system) truyền thống với các hạn chế tự nhiên là một trong các rào cản lớn nhất cho tiến trình chuyển đổi số.

Theo định nghĩa, hệ thống ngân hàng lõi bao gồm các phân hệ nghiệp vụ cơ bản cho vay, nhận tiền gởi, thanh toán... đi kèm với công nghệ back-end liên quan đến các hoạt động này. Gần như 100% các TCTD tại Việt Nam hiện đang sử dụng hệ thống ngân hàng lõi truyền thống đã được triển khai từ nhiều thập kỷ trước. Hệ thống này đã phát triển, cập nhật trong nhiều năm và trở thành công nghệ lỗi thời, không còn được hỗ trợ tốt, không có lượng lớn kỹ sư công nghệ thông tin (IT) có thể phát triển các tính năng mới.

Vì vậy, khả năng phát triển các sản phẩm dịch vụ mới bị hạn chế bởi công nghệ và chi phí cồng kềnh. Kết quả là người tiêu dùng không có được dịch vụ hoặc các sản phẩm dịch vụ ngân hàng ở mức độ mong muốn. Hệ thống này còn gây ra vấn đề chính những nhân sự tại ngân hàng, chẳng hạn, dữ liệu không đầy đủ và không được tổ chức hợp lý khiến người ra quyết định không có được những hiểu biết quan trọng trong thời gian thực về khách hàng.

Đối diện với bài toán công nghệ hết sức phức tạp nói trên, các TCTD phải áp dụng các chiến lược chuyển đổi số khác nhau về hình thức và quy mô, có thể chia thành 3 lựa chọn như sau:

Số hóa về phần giao tiếp tương tác với khách hàng (front-end)

Ông Hồ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính VietCredit.

Ông Hồ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính VietCredit.

Phần lớn TCTD đã triển khai số hóa kênh giao tiếp với khách hàng là các ứng dụng trên điện thoại di động, website, kênh phân phối để thay đổi mới toàn bộ phương thức tương tác và giao dịch. Đến nay, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng cơ bản như mở tài khoản thanh toán, thực hiện dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, đăng ký mở thẻ tín dụng, gởi tiền, rút tiền,… trên các ứng dụng di động, website, Video Teller Machine mà không cần trực tiếp đến quầy giao dịch truyền thống.

Đối với các TCTD trên cuộc đua chuyển đổi số, đây là cấp độ dễ làm nhất, chi phí ít tốn kém nhất và có thắng lợi ngắn hạn (quick win), nhưng chắc chắn đây không phải là đích đến của chặng đường chuyển đổi số với hầu hết các TCTD. Số hóa về kênh giao tiếp chỉ là cấp độ phù hợp đối với các TCTD phải đối mặt với những hạn chế về ngân sách hoặc cơ cấu tổ chức, văn hóa doanh nghiệp khiến việc chuyển đổi số sâu rộng trở nên khó khăn hơn.

Sau khi TCTD thành công ở cấp độ “số hóa kênh giao tiếp”, khách hàng có thể thấy TCTD của họ trở nên kỹ thuật số hơn, nhưng đằng sau hậu trường, TCTD vẫn bị hạn chế về những gì họ có thể cung cấp. Nếu không tích hợp hệ thống back-end và không có thay đổi cơ bản nào đối với mô hình vận hành, trải nghiệm của khách hàng sẽ không khác biệt đáng kể so với những gì khách hàng đã có trước đây, chẳng hạn khách hàng sẽ không nhận nhận được kết quả phê duyệt cấp thẻ tín dụng tức thời mà phải chờ như trước đây, sau 1-4 ngày, thậm chí có thể là 7-10 ngày.

Nâng cấp, cập nhật một số cấu phần các hệ thống lõi, cơ sở hạ tầng lõi

Nhiều TCTD đã cơ bản hoàn thành việc số hóa các kênh tương tác giao tiếp với khách hàng, do vậy đã và đang bắt đầu bước tiếp theo là thay thế một số hệ thống vận hành lõi bằng các hệ thống có công nghệ mới hiện đại hơn. Một số TCTD chọn hướng “cơi nới” và tích hợp hệ thống vận hành lõi, cơ sở hạ tầng truyền thống với các bộ phận middle-end/back-end và với cả đối tác bên ngoài có công nghệ hiện đại mà TCTD chưa có.

Chuyển đổi số theo cách tiếp cận này sẽ giúp các tổ chức tín dụng mang tới trải nghiệm khách hàng vượt trội hơn so với lựa chọn “số hóa về phần giao tiếp tương tác với khách hàng” đã đề cập ở trên, đồng thời cũng giúp TCTD kiểm định một cách nhanh chóng về tính hiệu quả, lợi nhuận của các mô hình kinh doanh mới với chi phí đầu tư vừa phải.

Ví dụ điển hình cho cách tiếp cận này là nhiều TCTD đã và đang thay thế các hệ thống lõi cài đặt trên môi trường server truyền thống (on-promise) sang các hệ thống lõi hiện đại hơn với kiến trúc microservice chạy trên môi trường điện toán đám mây (Cloud-Based) có khả năng tích hợp, khả năng tùy biến cao hơn, linh hoạt hơn. Dữ liệu khách hàng cũng sẽ được xử lý, lưu trữ, và khai thác theo thời gian thực để phục vụ các quyết định của quản lý điều hành.

Nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống kế thừa cốt lõi và các lớp ứng dụng cho phép các TCTD cập nhật các tính năng kỹ thuật số mới nhất và các khả năng đề xuất sản phẩm dịch vụ mà khách hàng hiện đang tìm kiếm. Cách đi này mở khóa cho các mô hình phân phối mới, mở ra cánh cửa để có khả năng tương thích tốt hơn - cả về công nghệ và môi trường nhân lực IT ngày nay.

Chuyển đổi mới hệ thống ngân hàng lõi kỹ thuật số

Cả hai cách tiếp cận chuyển đổi số nói trên đều có một hạn chế lớn là không giúp cho TCTD có khả năng (time to market) nhanh chóng cung cấp sản phẩm và dịch vụ được may đo chi tiết và phù hợp đến cho từng phân khúc khách hàng khác nhau, cũng như đáp ứng kịp thời các thị hiếu, yêu cầu trải nghiệm thay đổi từng ngày của khách hàng.

Do đó, một số rất ít TCTD tại Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư và thử nghiệm một hệ thống ngân hàng gốc kỹ thuật số (số hóa và tích hợp hoàn toàn từ front-end đến back-end), chạy song song với hệ thống ngân hàng lõi truyền thống. Bên cạnh đó, các TCTD này còn mạnh dạn hợp tác với các bên thứ ba để thử nghiệm và tích hợp các công nghệ cần thiết mà bản thân các TCTD không thể phát triển bằng nguồn lực nội bộ do chi phí cao và thời gian bỏ ra cần nhiều.

Cách làm này sẽ giúp các TCTD tránh được các rủi ro vận hành, rủi ro gián đoạn kinh doanh trong quá trình thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới trên các tập khách hàng mới chưa từng có cơ hội khai thác trước đó.

Ba nấc chuyển đổi như trên phác họa con đường con đường số hóa hoạt động của các TCTD hiện nay. Nhưng để tăng khả năng thành công mà thước đo chính là sự cải thiện quy mô thị phần, mức độ cải thiện vượt bậc về lợi nhuận, thì bước đi đầu tiên và quan trọng bậc nhất là cần tinh chỉnh chiến lược dài hạn của mỗi TCTD và xác định điểm cuối trước khi bắt đầu. Chỉ khi đó, mỗi TCTD mới có thể quyết định chiến lược chuyển đổi số nào phù hợp mình.

Hai câu hỏi sau đây mà mỗi TCTD phải tự trả lời trước khi bắt tay vào chuyển đổi số.

1. TCTD đang nhắm đến những phân khúc người tiêu dùng nào?

2. Các khả năng cốt lõi của TCTD là gì và làm thế nào một chiến lược chuyển đổi số có thể củng cố, nâng tầm hệ thống?

Cuối cùng, khi các TCTD đã xem xét các tùy chọn, hãy cân nhắc sự đánh đổi và xung đột tiềm ẩn liên quan đến từng mô hình, trong đó đặc biệt lưu ý các yếu tố như chiến lược và văn hóa tổ chức, công nghệ hiện có, áp lực chi phí và khẩu vị rủi ro.

Năm 2021 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó có nhiều mục tiêu cơ bản sau đây cần đạt được cho đến năm 2025:

- Ít nhất 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số;

- Ít nhất 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử;

- Ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng internet);

- Ít nhất 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%;

- Ít nhất 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động;

- Ít nhất 70% hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường số.

Tin bài liên quan