Chuyên gia của Shinhan: Tỷ giá sẽ giảm dần về cuối năm 2023

Chuyên gia của Shinhan: Tỷ giá sẽ giảm dần về cuối năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo báo cáo Triển vọng 2023 về nền kinh tế và thị trường ngoại hối tại Việt Nam của Ngân hàng Shinhan, các chuyên gia dự báo tỷ giá USD/VND tăng trong nửa đầu năm và giảm dần về cuối năm 2023.

Năm 2023, USD/VND dự kiến tăng do các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị gia tăng.

Tuy nhiên, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất và nỗi lo lạm phát giảm bớt, USD/VND sẽ dần ổn định và có xu hướng giảm.

Với suy thoái kinh tế toàn cầu, khối lượng giao dịch giảm, rủi ro thị trường bất động sản gia tăng do các quy định chặt chẽ hơn và lãi suất tăng..., tỷ giá USD/VND vẫn có thể tăng, nhưng dự báo tỷ giá USD/VND tăng trong nửa đầu năm và giảm dần về cuối năm 2023.

Shinhan Bank cho biết, trước tình hình đồng USD mạnh lên, các quốc gia buộc phải liên tiếp can thiệp để bảo vệ đồng tiền nội địa, khiến dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm hơn 1.000 tỷ USD so với đầu năm.

Tình trạng cạn kiệt dự trữ ngoại hối ở các nước mới nổi, trừ các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông và các nước Nam Mỹ, ở mức nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Nếu sự sụt giảm nguồn dự trữ còn kéo dài, khả năng các đồng tiền của các nước mới nổi sẽ tiếp tục suy yếu và gây ra khủng hoảng dây chuyền.

Đối với Việt Nam, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt tiền tệ một cách quyết liệt đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế, gia tăng biến động trên thị trường tài chính, khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh và tỷ giá hối đoái tăng mạnh.

Tỷ giá ngoại hối USD/VND vào cuối tháng 10 đã chạm mức cao nhất kể từ năm 1993 do tác động bởi sức mạnh của đồng USD và sự mất giá của đồng Nhân dân tệ

Theo Shinhan Bank, những thách thức đối với thị trường ngoại hối Việt Nam trong năm 2023 bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu (tổng cầu giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm), các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt mạnh mẽ, lo ngại nợ xấu do các khoản nợ doanh nghiệp và hộ gia đình tăng, khó khăn về dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản.

Nhưng cũng có những yếu tố hỗ trợ thị trường ngoại hối trong nước như Fed giảm tốc độ tăng lãi suất giúp kìm hãm sự mạnh lên của đồng USD, Mỹ dẫn dắt việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, các chính sách của NHNN để hỗ trợ đồng nội tệ và môi trường hấp dẫn cho FDI.

Tỷ giá hối đoái sẽ chịu áp lực tăng giá do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và những bất ổn chính trị, nhưng việc Fed nới lỏng chính sách thắt chặt và nỗi lo ngại về lạm phát giảm đi sẽ giúp ổn định tỷ giá.

Vì thế, Shinhan Bank cho rằng, tỷ giá hối đoái còn tăng trong nửa đầu năm sau, nhưng sẽ giảm vào nửa cuối năm. Trung bình năm ở mức 23.590 VND/USD.

Tin bài liên quan