Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 31/8 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu VCB, giá mục tiêu là 98.000 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Quý II/2022, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB – sàn HOSE) ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 12.797 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 5.942 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 49,9% so với mức nền thấp của quý II/2021, động lực chính đến từ tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao đạt 18% và NIM duy trì ở mức 3,34%.

Tỷ lệ nợ xấu quý II/2022 đạt 0,61%, giảm 21 bps so với quý trước và giảm 14 bps so với cùng kỳ năm ngoái. VCB tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng nợ xấu trong quý II/2022 với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 506%.

6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 14,4% so với thời điểm đầu năm, VCB đã sử dụng gần hết mức tăng trưởng tín dụng 15% được Ngân hàng Nhà nước cấp cho vào đầu năm.

Chúng tôi kỳ vọng VCB sẽ được Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao, và xem xét nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 15% lên 18%, nhờ chất lượng tài sản tốt cùng với việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp (chỉ chiếm 1% tổng tín dụng).

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VCB. Giá mục tiêu là 98.000 đồng/CP, cao hơn 19,2% so với giá tại ngày 29/08/2022.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu PVD

CTCK SSI (SSI)

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD – sàn HOSE) không đạt như kỳ vọng. Thay vào đó, công ty công bố lỗ 149 tỷ đồng, do giá thuê ngày và hiệu suất hoạt động của giàn khoan JU (giàn khoan tự nâng) thấp hơn dự kiến. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng sẽ có sự cải thiện tích cực so với tình hình năm 2021 và xu hướng cải thiện này sẽ tiếp tục duy trì trong nửa cuối năm 2022.

Thị trường khoan dầu trong khu vực đang ấm lên nhanh chóng kể từ lần báo cáo gần nhất của chúng tôi. Nhu cầu lớn từ Saudi Aramco đã giúp hiệu suất sử dụng và giá thuê ngày của giàn khoan trong khu vực tăng lên, đặc biệt là khi chúng tôi xem xét các hợp đồng dự kiến bắt đầu vào năm 2023.

Kết hợp phương pháp định giá DCF và hệ số P/B, cùng với việc hạ dự báo kết quả kinh doanh năm 2022 và mốc thời gian triển khai Lô B được đẩy lùi sang năm 2024, chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm (từ 29.500 đồng/cổ phiếu) xuống 23.800 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi lặp lại khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu PVD. Cổ phiếu đang giao dịch ở mức P/B năm 2023 là 0,9 lần và P/E dự phóng năm 2023 là 21 lần.

Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu có thể được hưởng lợi từ tâm lý tích cực của thị trường với sự phục hồi của giá dầu Brent từ mức đáy hình thành gần đây, do giá cổ phiếu PVD thường có mối tương quan chặt chẽ với giá dầu trong ngắn hạn. Kỳ vọng lợi nhuận khả quan từ nửa cuối năm 2022 và giá thuê ngày cao hơn là những yếu tố hỗ trợ tích cực khác cho giá cổ phiếu.

Khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu NTP, giá mục tiêu 55.000 đồng/CP

CTCK Agribank (AGR)

CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP – sàn HNX) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các loại ống nhựa (PVC, HDPE và PPR) dùng trong xây dựng với công suất 150.000 tấn ống nhựa/năm.

NTP ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý II/2022 với doanh thu 1.769 tỷ đồng (tăng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế 177 tỷ đồng (tăng 26,5%).

Qua đó, 6 tháng đầu năm 2022 NTP ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 2.892 tỷ đồng (tăng 20,8% so với cùng kỳ) và 327 tỷ đồng (tăng 20,9%). Tăng trưởng tích cực của NTP đến từ việc giá nguyên vật liệu đầu vào đặc biệt là hạt nhựa PVC giảm mạnh giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Đối với NTP, doanh thu từ sản phẩm ống và phụ tùng PVC chiếm tỷ trọng lớn nhất với 68%, tiếp đến là sản phẩm ống và phụ tùng HDPE chiếm 18% và sản phẩm ống PPR chiếm khoảng 14%.

Từ đầu năm 2022 tới nay giá hạt nhựa PVC đã trở nên ổn định hơn và thậm chí còn suy giảm trong thời gian gần đây xuống còn khoảng 960 USD/tấn, giảm từ mức trung bình 1.400 USD/tấn trong những tháng đầu năm và giảm từ mức đỉnh 1.850 USD/tấn vào tháng 10 năm ngoái. Điều này giúp NTP có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp sau khi giảm mạnh xuống còn 24% trong năm 2021 so với mức 31% của năm 2020. Trong quý II/2022, biên lợi nhuận gộp đã cải thiện lên lại mức 29,4% và tiếp tục được kỳ vọng cải thiện trong các quý sau đó.

NTP là một trong các doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC. Hiện SCIC đang sở hữu 37,11% cổ phần NTP. Agriseco Research kỳ vọng NTP có thể được thoái vốn với giá cao hơn giá hiện tại. Hiện nay, NTP đang sở hữu 1 khu đất có tổng diện tích khoảng 9,3 ha tại An Đà, Hải Phòng đã có quy hoạch xây chung cư; giá thị trường của mảnh đất này cao gấp nhiều lần so với giá trị sổ sách.

NTP có cơ cấu tài chính lành mạnh khi hầu như không có nợ vay dài hạn, nợ vay của NTP chủ yếu là ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động trong khi dòng tiền kinh doanh ổn định. Doanh nghiệp luôn duy trì tỷ lệ trả cổ tức cao và đều đặn hàng năm. Chúng tôi dự báo tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt các năm tới của NTP có thể tiếp tục duy trì khi doanh nghiệp chưa có kế hoạch đầu tư nào mới với công suất vẫn được đảm bảo.

Chúng tôi đánh giá khả quan và khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu NTP với giá mục tiêu là 55.000 đồng/CP (upside 29%), cắt lỗ khi giá đóng cửa dưới vùng 40.000 đồng/CP.

Tin bài liên quan