Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/2

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 7/2 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị nắm giữ đối với BMP, giá mục tiêu 68.500 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

CTCP Nhựa Bình Minh (BMP – sàn HOSE) ghi nhận kết quả kinh doanh quý 4/2022 với lợi nhuận đạt 248,4 tỷ đồng (tăng 42% so với quý trước) và doanh thu đạt 1,415 tỷ đồng (giảm 6%). Lợi nhuận tích cực nhờ giá nhựa đầu vào giảm mạnh trong khi giá bán tiếp tục duy trì ở mức cao.

Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận của BMP đạt 696 tỷ đồng (tăng 225% so với năm trước), doanh thu đạt 5.808 tỷ đồng (tăng trưởng 28%) và sản lượng đạt 97,7 nghìn tấn (tăng trưởng 5,5%).

Giá PVC đã hồi phục về quanh mức trung bình giai đoạn 2018-2020 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức nền cao 2021/2022. Năm 2023, chúng tôi duy trì dự báo giá PVC hồi phục lên mức trung bình 1.050 USD/tấn, do kỳ vọng nhu cầu PVC cải thiện từ thị trường Trung Quốc. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức giá trung bình trong lịch sử và đảm bảo biên lợi nhuận vẫn ở mức tốt khi giá bán đầu ra đã tăng đáng kể so với giai đoạn trước.

Với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022, dòng tiền mạnh, công ty hiện chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản lớn, chúng tôi cho rằng BMP tiếp tục duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt năm 2022 ở mức cao trong khoảng 7.000 – 8.000 đồng/CP, tương ứng lợi suất cổ tức ở mức hơn 10%.

Năm 2023, trên quan điểm thận trọng, chúng tôi dự phóng lợi nhuận đạt 528,4 tỷ đồng (giảm 24,2% so với năm trước) và doanh thu 5.391 tỷ đồng (giảm 7%). Khuyến nghị nắm giữ đối với BMP, giá mục tiêu 68.500 đồng/CP.

Có khả năng điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận của VCB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB) công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh (TOI) đạt 68,0 nghìn tỷ đồng (tăng 20,1% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 29,9 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 36,4%), lần lượt hoàn thành 104,4% và 112,3% dự báo năm 2022 của chúng tôi.

Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng chủ yếu nhờ (1) thu nhập từ lãi (NII) tăng 25,6% , (2) lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 31,9% YoY và (3) chi phí dự phòng giảm 19,5%.

Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số quý 4/2022 đạt 9,9 nghìn tỷ đồng (tăng 63,7% so với quý trước và tăng 53,9% so với cùng kỳ) chủ yếu nhờ tăng trưởng NII tích cực và chi phí dự phòng giảm. Chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo lợi nhuận của chúng tôi cho VCB, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Tăng trưởng tín dụng năm 2022 đạt mức cao nhất kể từ năm 2017. VCB báo cáo tăng trưởng tín dụng năm 2022 đạt 18,8%, trong đó cho vay khách hàng tăng 19,2% và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giảm 8,1% so với năm trước. Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi năm 2022 thấp hơn ở mức 9,5%, nhưng tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) theo quy định vẫn duy trì ở mức an toàn là 78% vào cuối năm 2022 so với 79% vào cuối năm 2021 (theo ước tính của chúng tôi) nhờ các nguồn vốn liên ngân hàng cao.

Trên cơ sở hàng quý, tốc độ tăng trưởng tiền gửi nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng trong quý 4/2022 lần lượt là 3,9% và 1,3% so với quý trước, tương tự như xu hướng của phần lớn các ngân hàng đã công bố báo cáo lợi nhuận cho đến nay.

Tăng trưởng NII năm 2022 tích cực nhờ NIM tăng và tăng trưởng tín dụng cao. VCB báo cáo thu nhập từ lãi (NII) trong năm 2022 tăng 25,6% nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và NIM tăng 23 điểm cơ bản.

Trên cơ sở so với quý trước, NIM quý 4/2022 tăng 9 điểm cơ bản so với quý trước nhờ lợi suất IEA tăng 40 điểm cơ bản cao hơn mức tăng 30 điểm cơ bản trong chi phí huy động (COF). Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ CASA giảm 1 điểm % so với quý trước và 1,8 điểm % cùng kỳ năm trước đạt 33,9% trong quý 4/2022; tuy nhiên, chúng tôi cho rằng biên độ giảm này là không quá lớn.

Tin bài liên quan