Kỳ vọng hút thêm dòng tiền, VN-Index sẽ đạt 1.200 - 1.250 điểm năm 2023

Kỳ vọng hút thêm dòng tiền, VN-Index sẽ đạt 1.200 - 1.250 điểm năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Xuân Bách, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bị suy giảm thì dòng tiền, lãi suất và mức định giá thấp sẽ là các yếu tố chi phối chính đến diễn biến thị trường trong năm 2023.

Những diễn biến thị trường từ đầu năm tới nay phần nào cho thấy 2023 sẽ là năm không dễ chịu với nhà đầu tư chứng khoán. Theo ông, đâu là những yếu tố tác động mạnh nhất tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới?

Nhiều rủi ro vẫn tồn tại đối với thị trường chứng khoán trong năm 2023, có thể kể đến như kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chính sách tiền tệ vẫn chưa theo chiều hướng nới lỏng khiến lợi nhuận của các ngân hàng nói riêng và các doanh nghiệp niêm yết nói chung bị giảm tăng trưởng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần thêm thời gian để cơ cấu lại, một số doanh nghiệp có khó khăn về dòng tiền cũng sẽ ảnh hưởng không tích cực tới thị trường cổ phiếu. Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tới sự phân bổ tài sản, chi phí vốn của nhà đầu tư, mức định giá của doanh nghiệp cũng sẽ bị điều chỉnh giảm.

Tuy còn tiềm ẩn rủi ro và thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ ngắn hạn nhưng chúng tôi cũng nhìn thấy các yếu tố sẽ hỗ trợ tích cực tới triển vọng thị trường năm 2023, như áp lực đồng USD tăng giá giảm bớt, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá, mặt bằng lãi suất trong nước và tiến tới có dư địa để xem xét về room tín dụng cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các yếu tố dài hạn khác như mức định giá rẻ, các yếu tố tạo kỳ vọng trong trung - dài hạn như việc nâng hạng thị trường, Trung Quốc đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại các hoạt động của nền kinh tế, xung đột Nga và Ukraine sớm kết thúc, và kỳ vọng sẽ có những chính sách hỗ trợ của Chính phủ ngay đầu năm 2023 để tháo gỡ những khó khăn hiện tại của nền kinh tế.

Tóm lại, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bị suy giảm thì dòng tiền, lãi suất và mức định giá thấp sẽ là các yếu tố chi phối chính đến diễn biến thị trường trong năm 2023.

Ông Trần Xuân Bách - Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK Bảo Việt

Ông Trần Xuân Bách - Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK Bảo Việt

Ông có nhận định gì về diễn biến dòng tiền hiện tại trên thị trường, bao gồm dòng tiền của nhóm nhà đầu tư cá nhân và các quỹ đầu tư?

Dòng tiền nội và dòng tiền ngoại sẽ ổn định trở lại trong năm 2023. Tăng trưởng M2 thấp cho thấy tiền trong nền kinh tế đang gặp khó khăn, cùng với mặt bằng lãi suất cao đã tác động tiêu cực đến thị trường tài chính. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, thanh khoản của thị trường tài chính sẽ được cải thiện trong thời gian tới, đặc biệt ở thời điểm nửa cuối năm 2023 khi chính sách tiền tệ của Việt Nam có thể được nới lỏng hơn và Chính phủ có thể đưa ra các gói giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Dòng vốn ngoại vào thị trường qua kênh ETF được kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm sáng trong năm 2023. Luật Chứng khoán mới đã có hiệu lực, Hệ thống công nghệ thông tin mới của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) được đưa vào vận hành, thành lập Tổng công ty Thanh toán bù trừ chứng khoán Việt Nam sẽ giúp triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE trong năm 2023 trở nên thực tế hơn. Đây là cơ sở để kỳ vọng hút thêm dòng tiền ngoại vào thị trường Việt Nam trong tương lai.

Trong bối cảnh này, ông dự báo kịch bản nào cho VN-Index năm 2023?

Với những rủi ro đã được nhận diện trong bối cảnh dòng tiền ổn định, mặt bằng lãi suất có thể giảm nhẹ và mức định giá thấp, chúng tôi kỳ vọng triển vọng thị trường 2023 sẽ tích cực hơn so với năm 2022. BVSC dự báo VN-Index sẽ đạt 1.200 - 1.250 điểm tương ứng mức định giá P/E khoảng 12,5 – 13,5 lần trong năm 2023.

Tin bài liên quan