Cổ phiếu FPT giao dịch bùng nổ, lập đỉnh mới về giá trong 1 năm

Cổ phiếu FPT giao dịch bùng nổ, lập đỉnh mới về giá trong 1 năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng cổ phiếu lớn công nghệ FPT giao dịch bùng nổ và lập đỉnh, thị trường đã có pha quay xe ngoạn mục và ghi nhận phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp với thanh khoản vượt mức 20.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường chung có phần chững lại sau chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp do tâm lý nhà đầu tư giao dịch thận trọng, thì cổ phiếu FPT đã khởi sắc ngay từ khi mở cửa và trở thành mã dẫn dắt giúp nhóm cổ phiếu công nghệ có mức tăng vượt trội nhất trên thị trường.

Tuy nhiên, tạm dừng phiên giao dịch sáng, cổ phiếu FPT đã không giữ được vùng giá cao nhất trong phiên khi chỉ số chung của thị trường và nhiều cổ phiếu lớn bé khác trên sàn thu hẹp biên độ tăng, thậm chí đảo chiều giảm điểm trước áp lực bán gia tăng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu tiếp tục tăng mạnh đã giúp FPT lấy lại mức giá cao nhất trong ngày khi đóng cửa tăng 3,3% lên mức 78.300 đồng/CP, đây cũng là vùng giá cao nhất của cổ phiếu trong hơn 1 năm qua (tính theo giá cổ phiếu cổ phiếu đã điều chỉnh do chia tách).

Bên cạnh đà tăng mạnh về giá, cổ phiếu FPT cũng ghi nhận phiên giao dịch bùng nổ với thanh khoản cao nhất trong năm 2023, đạt hơn 2,8 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng hơn 130% so với mức thanh khoản trung bình 10 phiên giao dịch gần đây.

Ngoài FPT, một số mã lớn khác cũng đã tìm đến mức giá cao nhất trong ngày như VJC tăng 3,2% lên mức 97.900 đồng/CP, HPG tăng 1,7% lên 27.500 đồng/CP…, đã giúp thị trường có pha quay xe ngoạn mục trong 30 phút giao dịch cuối phiên, khi tâm lý tiêu cực đang bao trùm thị trường. Chỉ số VN-Index đã đảo chiều bật hồi hơn 12 điểm và đóng cửa tăng gần 3 điểm, xác lập vùng đỉnh mới trong 10 tháng và tiến gần hơn với mốc 1.170 điểm.

Đáng chú ý, với sự đóng góp lớn của các mã bluechip, thanh khoản thị trường cũng tăng vọt, vượt mức 20.000 tỷ đồng chỉ tính riêng trên sàn HOSE, điều này giúp nhà đầu tư kỳ vọng xu hướng tăng của thị trường có thể còn kéo dài.

Đóng cửa, sàn HOSE khá cân bằng với 220 mã tăng và 192 mã giảm, VN-Index tăng 2,98 điểm (+0,26%), lên 1.168,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.042,75 triệu đơn vị, giá trị 20.878,27 tỷ đồng, tăng 29,26% về khối lượng và 25,14% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 69 triệu đơn vị, giá trị 1.555,8 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn tích cực với điểm nhấn thuộc về cặp đôi VND và VIX. Trong đó, lực cầu tăng mạnh mẽ đã giúp VIX đóng cửa tăng kịch trần cùng thanh khoản lên tới 41,77 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,23 triệu đơn vị; còn VND giữ mức tăng 3,1% và đóng cửa tại mức giá 18.500 đồng/CP với thanh khoản vẫn sôi động nhất ngành, đạt 43,13 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã khác trong ngành như SSI, HCM, CTS cùng tìm lại sắc xanh, BSI và FTS cùng tăng hơn 2%...

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn phân hóa và giảm nhẹ với các mã chủ yếu tăng giảm trên dưới 1%. Đáng chú ý là cổ phiếu STB, áp lực bán bất ngờ tăng mạnh trong phiên chiều khiến cổ phiếu này có thời điểm nằm sàn, tuy nhiên lực cầu đã nhập cuộc mạnh mẽ và tiếp sức giúp đà giảm thu hẹp đáng kể. Kết phiên, STB giảm 3,3% xuống mức 29.000 đồng/CP, là cổ phiếu giảm mạnh nhất dòng bank, nhưng thanh khoản vượt trội lên tới gần 74,75 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, các mã NVL, DXG, DIG, CII vẫn giữ sức nóng với thanh khoản một vài chục triệu đơn vị. Điểm sáng là HDC tăng kịch trần, NLG tăng sát trần… và đều giao dịch sôi động.

Nhóm cổ phiếu thép khởi sắc hơn với HSG và HPG cùng tăng hơn 1% và đều khớp trên 17 triệu đơn vị; NKG tăng 3,8% lên mức cao nhất ngày 19.350 đồng/CP và khớp 14,52 triệu đơn vị; trong khi POM giữ vững mức giá trần.

Trên sàn HNX, nhận tín hiệu xanh từ sàn HOSE, thị trường cũng đảo chiều hồi phục sắc xanh vào cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 79 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 0,22 điểm (+0,09%), lên 230,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 105,55 triệu đơn vị, giá trị 1.579,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,92 triệu đơn vị, giá trị 56,5 tỷ đồng.

Cùng diễn biến tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, SHS đã tìm lại sắc xanh dù còn khá thận trọng khi tăng nhẹ 0,7%, đóng cửa tại mức giá 14.600 đồng/CP, thanh khoản vẫn sôi động nhất khi có tới hơn 21,52 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, cặp đôi bất động sản CEO và IDC vẫn giảm nhẹ, với thanh khoản lần lượt đạt 7,74 triệu đơn vị và 2,68 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu nhỏ đáng chú ý như TTH đóng cửa tăng trần, TVC tăng 6,6%, DL1 và MST đều tăng hơn 3%, cùng có khối lượng khớp lệnh một vài triệu đơn vị.

Trong khi ở bộ 3 nhà apec, cổ phiếu APS đứng giá tham chiếu và khớp 2,69 triệu đơn vị, IDJ giảm 1,8% và khớp 5,63 triệu đơn vị, API giảm 3,2% và khớp 1,95 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng tìm lại sắc xanh thành công.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,09%), lên 86,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 83,5 triệu đơn vị, giá trị 869,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,45 triệu đơn vị, giá trị 45,77 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR trở lại vị trí dẫn đầu về thanh khoản với 8,64 triệu đơn vị khớp lệnh nhưng đóng cửa vẫn giảm 1,6% xuống 18.200 đồng/CP.

Trong khi đó, C4G giữ mức tăng 2,1% và đóng cửa tại mức giá 14.600 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua BSR với 6,24 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Cũng như thị trường niêm yết, nhiều cổ phiếu nhỏ trên UPCoM có diễn biến tích cực như KSH, ACM, DCS, GTT, VKC đều tăng trần và khớp hơn 1-2 triệu đơn vị, PVX tăng 3,2% và khớp 3,4 triệu đơn vị, SBS tăng 1,2% và khớp 5,95 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng điểm, với VN30F2307 tăng 7,1 điểm, tương đương +0,6% lên 1.162,1 điểm, khớp 180.895 đơn vị, khối lượng mở gần 62.600 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CSTB2307 sôi động nhất khi khớp 2,98 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 21,9% xuống 500 đồng/cq. Tiếp theo là CMBB2215 khớp 2,38 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5% lên 2.540 đồng/cq.

Tin bài liên quan