COP27: Pháp và Thụy Sĩ kỳ vọng nhiều hơn ở thỏa thuận khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Năng lượng Pháp cho rằng Hội nghị COP27 tại Ai Cập đã đạt tiến triển rõ rệt trong vấn đề cung cấp vốn cho các nước dễ chịu tổn thương nhưng thỏa thuận khí hậu chưa đủ tham vọng.
Khí thải từ một nhà máy điện than. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Khí thải từ một nhà máy điện than. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Ngày 20/11, Pháp và Thụy Sĩ đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận khí hậu được thông qua tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã mở đường thiết lập quỹ cứu trợ mới dành cho những nước dễ chịu tổn thương nhất ứng phó với thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Cụ thể, Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher cho rằng Hội nghị COP27 tại Ai Cập đã đạt tiến triển rõ rệt trong vấn đề cung cấp vốn cho các nước dễ chịu tổn thương nhưng thỏa thuận khí hậu chưa đủ tham vọng.

Theo Bộ trưởng Pháp, chưa có tiến bộ trong việc tăng cường nỗ lực nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, cấm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Bộ trưởng Agnes Pannier-Runacher nêu rõ thỏa thuận đạt được tại COP27 có thể sẽ không đáp ứng những tham vọng của Pháp và Liên minh châu Âu (EU) nhưng vẫn duy trì một điều cốt yếu là mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, đồng thời kêu gọi các quốc gia tăng cường nỗ lực từ năm 2023. Paris đánh giá việc tái khẳng định mục tiêu này là điều rất quan trọng trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu và năng lượng hiện nay.

Trong khi đó, dù hoan nghênh thỏa thuận khí hậu đã nhất trí về việc thiết lập quỹ hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu nhưng Văn phòng Môi trường Liên bang Thụy Sĩ còn rất nhiều câu hỏi xung quanh quỹ này cần được các bên tìm lời giải như những nước nên tham gia đóng góp cho quỹ, cách phân bổ tiền hỗ trợ và đơn vị quản lý quỹ.

Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng lấy làm tiếc khi thỏa thuận không nêu rõ các nghĩa vụ mà những nước phát thải nhiều nhất phải thực hiện. Theo đó, các nước tham gia COP27 đã nhất trí một chương trình làm việc đến năm 2026 nhưng không nêu rõ nghĩa vụ hành động của những nước phát thải nhiều nhất.

Thụy Sĩ cũng cho rằng hội nghị cũng chưa thể thông qua những nghị quyết nhằm xóa bỏ than đá, giảm trợ cấp cho ngành khai thác dầu mỏ và khí đốt. Thụy Sĩ khẳng định sẽ nỗ lực làm việc để đảm bảo những vấn đề này sớm được làm rõ.

Tin bài liên quan