Cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực ở Mỹ vẫn chưa kết thúc

Cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực ở Mỹ vẫn chưa kết thúc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase đã đưa ra một quyết định táo bạo vào thứ Hai (1/5) khi mua lại First Republic Bank và cho rằng động thái này đã kết thúc giai đoạn đầu của tình trạng hỗn loạn nhấn chìm các ngân hàng.

Tuy nhiên một ngày sau đó, dự đoán trên đã có vẻ lung lay khi cổ phiếu của các ngân hàng khu vực của Mỹ đã lao dốc giống như những ngày đen tối của tháng 3.

Nghiên cứu học thuật mới nhất đã làm sáng tỏ những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng sau chiến dịch thắt chặt tiền tệ lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng, một năm tăng lãi suất đã dẫn đến khoản lỗ chưa thực hiện của các ngân hàng ước tính lên tới 1.840 tỷ USD, với rắc rối trong bất động sản thương mại chỉ làm tăng thêm nỗi đau. Những ngân hàng cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tiền gửi biến mất khi những người tiết kiệm thất vọng rời đi để tìm kiếm các giải pháp thay thế có lợi suất cao hơn.

Vì vậy, các nhà đầu tư đang trở thành nạn nhân của những lo ngại mới về sự mất cân đối giữa tài sản và nợ và tiền gửi không được bảo hiểm trong toàn hệ thống ngân hàng.

Philipp Schnabl, giáo sư tại Đại học New York cho biết khi đề cập tới việc người gửi tiết kiệm rút tiền: “Đột nhiên một ngân hàng tăng lãi suất, nhanh hơn và cao hơn. Mọi người sẽ thức dậy với câu hỏi là họ có thể nhìn thấy thứ gì đó trên Twitter, đọc về nó và có thể thay đổi hành vi của họ không?”.

Chỉ số ngân hàng lớn KBW Bank Index đã giảm 4,5% vào thứ Ba (2/5) xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020, trong khi giao dịch cổ phiếu của ngân hàng PacWest Bancorp và Western Alliance Bancorp có thời điểm bị tạm dừng.

Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm cũng giảm hơn nữa khi các nhà đầu tư đổ xô tìm đến các nơi trú ẩn an toàn và dữ liệu việc làm cho thấy thị trường lao động đang yếu đi.

Chỉ số KBW Bank Index

Chỉ số KBW Bank Index

Những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng là vấn đề đau đầu đối với cuộc họp của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này, khi họ cân nhắc những lo ngại về ổn định tài chính trước lạm phát vẫn còn dai dẳng. Trong khi các cơ quan quản lý đang cân nhắc mở rộng bảo hiểm tiền gửi, vẫn chưa có thay đổi nào được công bố, đây cũng là một lý do khiến thị trường lao dốc vào thứ Ba (2/5).

Trong khi đó, những người gửi tiền đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế có lợi suất cao hơn bên ngoài các dịch vụ của ngân hàng. Theo Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), lãi suất trung bình trên toàn quốc đối với tài khoản tiết kiệm là 0,39% áp dụng cho những tài khoản có số dư trên 100.000 USD. Trong khi đó, lãi suất quỹ liên bang là khoảng 5%.

Cho đến hai tháng trước, beta tiền gửi - đo lường mức độ nhạy cảm của lãi suất tiền gửi đối với những thay đổi của lãi suất thị trường - đã thấp hơn so với các chu kỳ lãi suất trước đó và vào khoảng 0,2. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng có thể chuyển cho người tiết kiệm chỉ bằng 20% mức thay đổi lãi suất chính sách. Mức beta trung bình trong các giai đoạn lãi suất tăng trong lịch sử là khoảng 0,4.

Đó là lý do tại sao việc tăng lãi suất không hoàn toàn là tin xấu đối với các ngân hàng. Ngay cả khi tài sản dài hạn trượt dốc, chúng vẫn có thể tạo ra lợi nhuận lớn nhờ tiền gửi ổn định và rẻ. Trên thực tế, theo tính toán của các giáo sư, dựa trên beta tiền gửi là 0,2, sự gia tăng giá trị từ việc tăng lãi suất tiền gửi gần như tương đương với tổn thất tài sản trong chu kỳ này.

Nhưng bệ đỡ đó đã bị xói mòn nhanh chóng khi beta tiền gửi bắt đầu tăng lên và khi những người gửi tiền không được bảo hiểm hoảng sợ và rút tiền mặt của họ. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng, thời đại của các ứng dụng ngân hàng số sẽ khiến việc rút tiền trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết, làm tăng khả năng xảy ra tình trạng hỗn loạn.

“Có vẻ như beta tiền gửi có thể tăng lên khá nhiều và thậm chí có thể tăng gấp đôi nhưng vẫn chỉ thực sự quay trở lại mức lịch sử của chúng. Câu hỏi về phương tiện truyền thông xã hội và fintech là liệu họ có thể vượt qua điều đó hay không”, giáo sư Alexi Savov tại Đại học New York cho biết.

Tiền gửi ngân hàng của Mỹ đã giảm với tốc độ hàng năm nhanh nhất kể từ năm 1981 trong 3 tháng cuối năm 2022 và giảm gần một mức tương tự trong quý trước đó. Mặc dù beta tiền gửi có thể vẫn ở mức thấp trong lịch sử, nhưng các nhà nghiên cứu của Fed lưu ý rằng chúng gần đây đã tăng nhanh hơn nhiều so với các chu kỳ tăng lãi suất trước đó.

Gia tăng rủi ro, các ngân hàng hiện đang gánh khoản lỗ chưa thực hiện khoảng 1.840 tỷ USD sau khi lãi suất tăng làm giảm giá trị các khoản nợ mà họ nắm giữ. Trong nghiên cứu vào tháng trước, các giáo sư ước tính rằng tỷ lệ vỡ nợ 10% đối với các khoản vay bất động sản thương mại - tương tự như những gì đã thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính - sẽ khiến các ngân hàng thiệt hại thêm 80 tỷ USD, kéo theo một số ngân hàng dễ bị rút tiền gửi bởi những món tiền không có bảo hiểm.

Giáo sư Erica Jiang tại Đại học Nam California, Gregor Matvos tại Đại học Northwestern, Tomasz Piskorski tại Đại học Columbia và Amit Seru tại Stanford cho biết: “Mặc dù con số đó có vẻ tương đối nhỏ, nhưng đó là một nguồn áp lực khác sau một năm thắt chặt tiền tệ đã làm xói mòn vùng đệm vốn của các ngân hàng. Việc tiếp xúc với các văn phòng gần đây đã được xem xét kỹ lưỡng do lo ngại việc chuyển đổi lâu dài sang làm việc từ xa kết hợp với việc tăng lãi suất sẽ gây ra tình trạng vỡ nợ trên diện rộng”.

“Ngay cả khi lãi suất lên tới 2,5% và lạm phát giảm xuống một cách thần kỳ, vấn đề này vẫn tồn tại. Tôi sẽ không nói rằng tất cả chúng ta đã ra khỏi rủi ro”, giáo sư Amit Seru tại Stanford cho biết.

Trong khi đó, dữ liệu hàng tuần mới nhất của Fed cho thấy sự gia tăng trong cả hoạt động cho vay và tiền gửi của ngân hàng - ủng hộ quan điểm đây chưa phải là một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Nhưng có dấu hiệu bắt đầu thắt chặt các điều kiện tín dụng. Các khoản vay khẩn cấp cho các ngân hàng đã tăng vào tuần trước trong tuần thứ hai liên tiếp và một cuộc khảo sát của Fed cho thấy các ngân hàng đã củng cố các tiêu chuẩn cho vay. Các vụ phá sản đang gia tăng và báo cáo quý I cho thấy các ngân hàng đã tăng dự phòng cho các khoản cho vay tiêu dùng khó đòi lên mức chưa từng thấy kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19.

“Có rất nhiều dấu hiệu cho chúng ta biết hệ thống ngân hàng Mỹ đang gặp khó khăn. Chúng tôi có thể muốn nhắm mắt lại và giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, nhưng các dấu hiệu đã có sẵn”, giáo sư Tomasz Piskorski tại Đại học Columbia cho biết.

Tin bài liên quan