Đà Nẵng: Chuyển giao công nghệ, bảo đảm nhu cầu hoa Tết 2018

Không chỉ nghiên cứu, tạo ra những loại giống mới, TP. Đà Nẵng còn từng bước chuyển giao kỹ thuật trồng hoa, giúp bà con nông dân tiếp cận với phương pháp sản xuất mới, chủ động được nguồn cung, có nguồn thu nhập cao và bền vững hơn.
Nhờ được chuyển giao giống và kỹ thuật trồng, những vườn hoa Tết tại Đà Nẵng phát triển tốt, không sâu bệnh. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Nhờ được chuyển giao giống và kỹ thuật trồng, những vườn hoa Tết tại Đà Nẵng phát triển tốt, không sâu bệnh. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH), Sở KH&CN TP. Đà Nẵng cho biết, trước thực trạng hầu hết các hộ trồng hoa trên địa bàn đều phải nhập cây giống từ các địa phương xa, gặp phải một số khó khăn như khác biệt về khí hậu, chất lượng cây giống bị ảnh hưởng do quá trình vận chuyển, tốn thời gian, chi phí… Trung tâm CNSH Thành phố đã nghiên cứu, chuyển giao thành công nhiều loại giống hoa để cung cấp cho bà con nông dân.

Trung tâm đã tập trung hoàn thiện các dự án hoa chậu, hoa thảm, dự án hoa thương phẩm; ứng dụng quy trình sản xuất giống, các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Sản xuất giống trong điều kiện nhà lưới, nhà màn chống côn trùng, ứng dụng các vật liệu mới, kỹ thuật tưới nước phun sương, nhỏ giọt, kỹ thuật bảo quản lạnh, bảo quản mát giống và hoa thương phẩm… từng bước giúp người trồng hoa trên địa bàn Thành phố chủ động hơn về nguồn cây giống.

Bên cạnh nghiên cứu các giống hoa, trung tâm còn nghiên cứu các bã thải nấm của các HTX, xử lý trở thành phân vi sinh hữu cơ, cung cấp cho người dân trồng trọt hướng tới công nghệ xanh, sạch, bảo vệ môi trường.

Ông Tường Thế Hợi (phường Hoa Thọ Tây, TP. Đà Nẵng) với 20 năm trồng hoa phục vụ thị trường Tết cho biết, thời tiết năm nay mưa nhiều, thời gian hoa được chiếu sáng ít, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ dưới sự hướng dẫn, tư vấn của các cán bộ kỹ thuật Trung tâm CNSH, hoa Tết năm nay đạt chất lượng còn cao hơn những năm trước.

“Năm nay gia đình tôi trồng gần 3.000 chậu cúc, hiện đều phát triển tốt, không sâu bệnh. Chúng tôi đã bán hết cho thương lái với 610.000 đồng/cặp; trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu”, ông Hợi vui mừng thông báo.

Chị Nguyễn Thu Trang, người dân trồng hoa ở xã Hòa Liên, một trong những vựa hoa Tết lớn nhất Đà Nẵng cũng cho rằng, bên cạnh yếu tố thời tiết thì nguồn giống, kỹ thuật trồng hoa cũng là một yếu tố mang tính quyết định.

“Những năm trước do phải nhập giống ở các địa phương xa, nhiều lúc gặp điều kiện khí hậu không tương thích nên hoa không đạt chất lượng cao như mong đợi. Năm nay nhờ Thành phố chuyển giao giống và hướng dẫn phương pháp trồng cúc, các loại cây hoa bụi, hoa ly nên chất lượng bảo đảm, hiệu quả cao hơn. Chắc chắn vụ hoa Tết nay sẽ bội thu”, chị Trang chia sẻ.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm CNSH cho biết, bên cạnh việc nghiên cứu giống, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng cho người dân, năm nay Trung tâm cũng sẽ cung cấp cho thị trường hoa Tết hơn 5.000 giò lan trồng trong nhà kính. Đến thời điểm này hoa đang đồng loạt ra ngồng dài, có nụ đẹp.

Lan hồ điệp chỉ ra một năm một lần, thế nên để hoa đồng loạt nở trong dịp Tết, thì từ 16/8, các cán bộ kỹ thuật phải đưa vào xử lý phân hoá mầm hoa, bằng phương pháp sốc nhiệt sẽ làm nứt đều mầm hoa, sau đó bổ sung thêm các chất điều hòa sinh trưởng, điều chỉnh độ ẩm hợp lý hoa mới sinh trưởng tốt, nở đẹp đúng dịp Tết để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Năm 2018, Trung tâm sẽ thử nghiệm cho ra đời các loại giống hoa quý hiếm như lan rừng, đào chuông và các loại nấm dược liệu quý như linh chi, vân chi….

Tin bài liên quan