Tháng 5/2023, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng dao động trong biên độ hẹp

Tháng 5/2023, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng dao động trong biên độ hẹp

Đà ổn định tỷ giá sẽ kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ là chỉ dẫn chính cho xu hướng tỷ giá USD/VND và không loại trừ kịch bản cơ quan này sẽ giảm dần giá mua nếu các yếu tố hỗ trợ được duy trì.

Đà ổn định tỷ giá được kéo dài

Diễn biến trên thị trường ngoại hối tháng 5/2025 cho thấy, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng duy trì sự ổn định về cơ bản và dao động trong biên độ hẹp quanh tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước, khi các yếu tố tác động kỳ vọng chưa có nhiều thay đổi lớn. Trên thị trường quốc tế, sức mạnh của đồng USD được nhận định tiếp tục bị hạn chế. Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,25%/năm ngay trong phiên họp đầu tháng 5, lên mức 5 - 5,25%/năm. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng, rất có thể đây sẽ là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed trước khi duy trì đi ngang và tiến tới cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Trong biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) nhận xét, hoạt động kinh tế mở rộng nhanh trong quý đầu năm 2023, số việc làm tiếp tục tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, lạm phát vẫn ở mức cao nên FOMC duy trì mục tiêu toàn dụng nhân công và tỷ lệ lạm phát ở mức 2%. Để đạt được các mục tiêu này, FOMC quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%/năm và để đưa ra các quyết định tiếp theo, FOMC sẽ tính tới sự tích lũy trong thắt chặt chính sách tiền tệ và độ trễ mà chính sách tiền tệ tác động lên nền kinh tế.

Sau khi biên bản trên được công bố, công cụ của CME dự báo, 70% khả năng Fed giữ lãi suất chính sách đi ngang ở mức hiện tại và 30% khả năng tăng lãi suất chính sách thêm 0,25%/năm, nghĩa là có sự thay đổi so với tỷ lệ 80%/20% trước đó.

Trong diễn biến có liên quan, ngày 23/5/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 950/QĐ-NHNN về việc giảm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Đồng thời, cơ quan này ban hành Quyết định 951/QĐ-NHNN giảm mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,5%/năm xuống 5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Nhận định về lần hạ lãi suất thứ 3 liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước ảnh hưởng thế nào đến mặt bằng tỷ giá giữa VND và USD trong thời gian tới, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho rằng, có thể đi ngược xu thế thế giới, nhưng diễn biến hiện nay cho thấy có một số dấu hiệu tích cực như Fed hoặc một vài ngân hàng trung ương khác có thể tạm dừng điều chỉnh thang lãi suất. Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuẩn bị và nền kinh tế có thực lực để kiểm soát được tình hình.

“Nhiều ngân hàng đã chủ động được vấn đề ngoại hối, nhưng trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn thì việc hạ lãi suất là cần thiết”, ông Hưng nói.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nêu quan điểm, VND nổi bật là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á. Bất chấp những thay đổi đáng kể trong kỳ vọng tăng lãi suất của Fed, lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như tình trạng rối loạn của hệ thống ngân hàng Mỹ, VND giao dịch trong biên độ hẹp 0,8%, quanh mức 23.600 VND/USD. Tín hiệu lạc quan khác chính là Ngân hàng Nhà nước cắt giảm 100 điểm cơ bản (1%/năm) đối với lãi suất tái chiết khấu vào ngày 16/3/2023, sự phục hồi của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp trong những tháng tới, kết hợp với lạm phát giảm sẽ giúp giữ ổn định cho VND.

“Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng, cặp USD/VND sẽ dao động cùng quỹ đạo như tỷ giá đồng USD so với các đồng tiền châu Á khác, có thể tăng nhẹ trong quý II/2023 trước khi giảm xuống trong quý III/2023. Chúng tôi dự báo, tỷ giá USD/VND ở mức 23.800 trong quý IV năm nay và 23.600 trong quý đầu năm sau”, ông Quang chia sẻ.

Tín hiệu đầu tiên cho xu hướng mới của tỷ giá

Cân đối cung cầu ngoại tệ dự kiến tiếp tục trong trạng thái thặng dư khoảng 1 tỷ USD trong tháng 5/2023.

Một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định, cân đối cung cầu ngoại tệ dự kiến tiếp tục trong trạng thái thặng dư khoảng 1 tỷ USD trong tháng 5/2023. Sự cải thiện của cân đối cung cầu ngoại tệ là động lực quan trọng để hỗ trợ tỷ giá trong nước và giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm nguồn lực cải thiện dự trữ ngoại hối trong thời gian tới.

Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Bình Minh, CFA, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và sản phẩm lãi suất, Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam cho biết, cặp USD/VND trên thị trường liên ngân hàng chứng kiến nhiều biến động trong giai đoạn nửa cuối năm 2022 và quý I/2023. Sau khi tăng mạnh trong tháng 9 - 10 năm ngoái, cặp tỷ giá đã giảm ngược lại khá mạnh trước khi ổn định trở lại quanh mức giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước là 23.450 vào cuối quý I/2023. Bước sang đầu quý II/2023, tỷ giá USD/VND có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại cùng với đà tăng của đồng USD trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Minh, với dự báo đồng USD vẫn trong xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, cặp tỷ giá USD/VND có khả năng sẽ hạ nhiệt trở lại trong phần còn lại của năm nay. Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi cho xu hướng giảm giá của cặp tỷ giá có thể kể tới như sự hồi phục của thương mại trong nửa sau của năm; nguồn cung ngoại tệ tiếp tục ổn định đến từ giải ngân FDI, dòng vốn FII vào thị trường chứng khoán, cũng như ngoại tệ đến từ kiều hối và dịch vụ du lịch khi nhóm ngành này cho thấy những dấu hiệu hồi phục khá tích cực sau đại dịch Covid-19.

Quan sát từ dữ liệu trong quá khứ, ông Minh nhận thấy, sau những giai đoạn dự trữ ngoại hối bị sụt giảm đáng kể như từ quý II/2008 đến quý I/2011, từ quý III/2015 đến quý I/2016, thì tỷ giá thường ổn định một thời gian quanh giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước khi mua ngoại tệ trở lại để tăng dự trữ. Tương tự, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra một lượng ngoại tệ đáng kể, tương đương gần 21 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá và chỉ bắt đầu mua ngoại tệ trở lại với khối lượng gần 6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay.

Do đó, nhóm Nghiên cứu HSBC dự báo, giá mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ là chỉ dẫn chính cho xu hướng tỷ giá USD/VND và cũng không loại trừ kịch bản cơ quan này giảm dần giá mua nếu các yếu tố hỗ trợ được duy trì. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước vừa hạ giá mua vào 50 đồng, từ 23.450 đồng/USD xuống 23.400 đồng/USD, có thể là tín hiệu đầu tiên cho một xu hướng mới của tỷ giá.

“Tuy nhiên, ở phía ngược lại, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn bất ổn và có nhiều kịch bản cho xu hướng chính sách tiếp theo của Fed, chúng tôi bày tỏ quan điểm thận trọng đối với xu hướng nói chung của đồng USD so với các ngoại tệ khác trên thị trường quốc tế và từ đó cũng có thể ảnh hưởng tới diễn biến tỷ giá trong nước trong thời gian sắp tới”, ông Vũ Bình Minh chia sẻ.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước dự kiến điều tiết thị trường ngoại hối theo hướng ổn định giá trị đồng nội tệ, chống đô la hóa nền kinh tế, kết hợp cân đối hài hòa giữa hai biến số tỷ giá và lãi suất.

Tin bài liên quan