Ngân hàng Nhà nước có dấu hiệu siết lại chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát bằng cách rút bớt tiền mặt trong lưu thông.

Ngân hàng Nhà nước có dấu hiệu siết lại chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát bằng cách rút bớt tiền mặt trong lưu thông.

Đằng sau động thái hút ròng tiền của Ngân hàng Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc hút ròng một lượng lớn tiền mặt thông qua bán tín phiếu và ngoại tệ cho thấy cơ quan này đang tìm cách kiềm chế lạm phát. 

Ngân hàng Nhà nước vừa hút ròng một lượng lớn tiền mặt qua kênh tín phiếu (ngày 21, 22, 23/6, giá trị 50.000 tỷ đồng) và kênh bán ngoại tệ (ngày 23/6, giá trị 250.000 tỷ đồng). Ông có nhận xét gì về hoạt động này?

Việc mua bán tín phiếu hoặc trái phiếu chính phủ là nghiệp vụ mà các ngân hàng trung ương trên thế giới thường xuyên sử dụng để hút tiền mặt về hoặc đẩy tiền mặt vào lưu thông. Khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao thì ngân hàng trung ương sẽ hút tiền mặt về bằng cách bán tín phiếu, trái phiếu.

Ở Mỹ, việc ngân hàng trung ương bán ra trái phiếu, tín phiếu để hút tiền mặt về, làm giảm lượng tiền mặt trong lưu thông, được gọi là “siết chặt định lượng” (quantitative tightening, viết tắt là QT). Ngược lại, việc đẩy một lượng tiền mặt vào lưu thông bằng cách mua tín phiếu, trái phiếu được gọi là “nới lỏng định lượng” (quantitative easing, viết tắt là QE).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không sử dụng các thuật ngữ trên, nhưng việc bán ra một lượng lớn tín phiếu để hút tiền mặt về cho thấy cơ quan này đang có động thái siết chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát.

Như vậy, động thái hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước vừa qua là bình thường?

Ngân hàng Nhà nước vẫn thường xuyên sử dụng thị trường mở để mua bán trái phiếu chính phủ nhằm điều chỉnh lượng tiền mặt trong lưu thông. Tuy nhiên, thời điểm này, họ hút một lượng tiền mặt lớn như vậy cũng hơi bất thường, là dấu hiệu mạnh tay kiểm soát lạm phát.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 thì 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của Việt Nam tăng 2,44%, trong khi mục tiêu kiểm soát cả năm là dưới 4%. Liệu Ngân hàng Nhà nước có đang lo xa?

Tôi cho rằng, lạm phát có thể có độ trễ và sẽ thể hiện rõ nét hơn trong thời gian tới. Hiện tại, lạm phát đang thể hiện rõ nhất thông qua giá xăng dầu. Tôi nhớ thời điểm này năm ngoái, giá xăng chỉ hơn 20.000 đồng/lít (tại kỳ điều hành ngày 26/6/2021, giá xăng RON95-III là 20.916 đồng/lít - PV), trong khi bây giờ đã gần 33.000 đồng/lít (tại kỳ điều hành ngày 1/7/2022, giá xăng RON95-III là 32.760 đồng/lít - PV).

Đáng lưu ý, lạm phát của Việt Nam không chỉ đến từ lạm phát nội địa mà còn đến từ lạm phát nhập khẩu do chúng ta nhập khẩu nhiều hàng hoá từ các nước trên thế giới mà các nước này cũng đang lạm phát cao. Đơn cử, ở Mỹ, lạm phát mục tiêu là 2%/năm, nhưng lạm phát tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm 2021 lên tới 8,6%, là mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước hút tiền qua kênh tín phiếu và bán ngoại tệ, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng từ 0,4%/năm lên 0,54%/năm vào cuối phiên ngày 23/6. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là không tăng lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19, nhưng có ý kiến cho rằng, động thái hút tiền về có mục đích thăm dò thị trường trước khi tăng lãi suất. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ảnh tác giả

Lãi suất cho vay có thể tăng 1%/năm hoặc hơn, nhưng tất cả các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, hỗ trợ lãi suất vay vốn cần được thúc đẩy giải ngân.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Tôi không biết đây có phải là động thái thăm dò thị trường của Ngân hàng Nhà nước để tăng lãi suất hay không, nhưng tôi đồng ý rằng, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát lạm phát ở thời điểm này, bao gồm hút tiền mặt về và tăng lãi suất, mặc dù đây là một quyết sách khó khăn.

Thực tế, để kiềm chế lạm phát phải thực hiện hút tiền về. Khi tiền trong lưu thông (bao gồm tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng, tiền gửi của Kho bạc tại Ngân hàng Nhà nước) trở nên khan hiếm sẽ khiến các ngân hàng tăng cường vay mượn nhau với lãi suất cao hơn để đảm bảo lượng dự trữ bắt buộc và bảo đảm thanh khoản. Đồng thời, các ngân hàng tăng lãi suất huy động trên thị trường 1 (lãi suất huy động từ dân cư và doanh nghiệp - PV) để thu hút nguồn vốn huy động.

Tuy nhiên, khi dòng tiền đổ trở lại với ngân hàng thì sẽ giảm thanh khoản trên các thị trường khác, bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, tạo nên sự mất quân bình trên các thị trường này, cuối cùng sẽ tác động đến thị trường tài chính và hoạt động sản xuất - kinh doanh của cả nước. Tình trạng này có thể dẫn đến sự đình trệ của nền kinh tế. Cùng với đó, nếu những biện pháp thắt chặt tiền tệ vẫn không kiểm soát được lạm phát thì khả năng là nền kinh tế rơi vào tình trạng vừa đình trệ vừa lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước đang đối diện hai thử thách lớn, một mặt phải kiểm soát lạm phát trong bối cảnh rủi ro lạm phát xuất hiện cả trong nước lẫn lạm phát nhập khẩu, mặt khác phải điều hành chính sách tiền tệ để tránh cho nền kinh tế bị trì trệ. Đây không chỉ là áp lực của Việt Nam, mà là của cả thế giới.

Hiện tại, nhiều nước lo ngại về khả năng khó có thể kiểm soát được lạm phát một cách hiệu quả, trong khi các chính sách kiểm soát lạm phát đang tác động trở lại nền kinh tế, làm cho nền kinh tế đối diện nguy cơ đình lạm (stagflation, tức là vừa lạm phát, vừa đình trệ sản xuất - kinh doanh).

Trong bối cảnh lạm phát và nhu cầu tín dụng tăng, lãi suất huy động từ đầu năm 2022 đến nay được các ngân hàng tăng thêm 0,3 - 0,6%/năm, hiện phổ biến ở mức 5,7%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và có khả năng sẽ tiếp tục nhích lên nhằm thu hút người gửi tiền. Vậy lãi suất cho vay trong thời gian tới liệu có được các ngân hàng giữ nguyên?

Hiện nay, thanh khoản trên nhiều thị trường đang rất yếu. Thiếu vốn khiến không ít doanh nghiệp lao đao, người lao động cũng bị ảnh hưởng. Nhưng tại thời điểm này, không thể cùng lúc vừa kiềm chế lạm phát, vừa hạn chế tăng lãi suất.

Tại Mỹ, ngân hàng trung ương tăng lãi suất điều hành thêm 0,75%/năm trong tháng 6 vừa qua (lên biên độ mới 1,5 - 1,75%/năm) là một “đòn đau” đối với doanh nghiệp và người dân Mỹ, vì lãi suất mua nhà, mua xe, sử dụng thẻ tín dụng… đều tăng, nhưng tăng lãi suất là cách giúp quốc gia này kiểm soát lạm phát.

Các doanh nghiệp đang cần vốn để phục hồi sản xuất - kinh doanh. Theo ông, làm thế nào để kiềm chế lạm phát nhưng vẫn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch?

Trong bối cảnh hiện nay, nếu kiên định chính sách giảm lãi suất thì nguy cơ lạm phát bùng phát ở mức cao. Hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế không chỉ có chính sách tiền tệ. Tôi cho rằng, lãi suất cho vay có thể tăng 1%/năm hoặc hơn, nhưng tất cả các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp cần được thúc đẩy giải ngân, đồng thời áp dụng thêm các biện pháp khác. Hiện tại, các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế của chúng ta đang giải ngân rất chậm, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế.

Các biện pháp khác mà ông vừa nói là gì?

Trước hết, cần thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính. Ví dụ, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước trị giá 40.000 tỷ đồng cho 2 năm 2022 - 2023 đã có hướng dẫn triển khai của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 03/2022/TT-NHNN ban hành ngày 20/5/2022, nhưng doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Nhiều doanh nghiệp phải “xin xỏ” ngân hàng để được cho vay ưu đãi. Thủ tục hành chính vẫn nặng về “xin - cho”, chứ chưa có quy trình thực hiện khách quan.

Ngoài ra, việc để xảy ra nhiều sai phạm trên thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản thời gian qua cho thấy sự yếu kém về năng lực quản lý của cơ quan quản lý. Để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, rất cần nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ này.

Tin bài liên quan