Đánh thuế luỹ tiến để chặn đầu cơ nhà đất

(ĐTCK-online) Trong tuần qua, một trong những câu chuyện thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT và giới chuyên gia là quyết tâm của Chính phủ sớm áp thuế luỹ tiến đối với những trường hợp sở hữu nhiều bất động sản (BĐS) để hạn chế đầu cơ.

Qua 3 đợt sốt nhà đất trong 2 thập kỷ trở lại đây, phương án trên không phải là ý tưởng quá mới mẻ nhưng động thái của các nhà quản lý lần này cho thấy, toa thuốc mới sẽ được áp dụng. Nếu được thực thi và đi vào cuộc sống, thuế luỹ tiến nhà đất sẽ giúp thị trường BĐS phát triển ổn định hơn và hướng dòng vốn không nhỏ chảy vào những lĩnh vực cần thiết cho quá trình phát triển kinh tế.

Giá nhà đất cuối năm 2007, đầu năm 2008 luôn là chủ đề bàn luận rôm rả, xen không ít những lời xuýt xoa tiếc rẻ của một số người khá giả, mà bỏ lỡ cơ hội mua đi bán lại một vài căn. Khỏi nói những khu đất, căn hộ ở vị trí đẹp tại những thành phố lớn, nhất là Hà Nội, TP. HCM tăng giá vùn vụt, ngay những mảnh đất ở khu vực xa trung tâm, những quận mới như Hoàng Mai, Long Biên, những huyện như Từ Liêm, Thanh Trì của Hà Nội, giá đất cũng tăng gần gấp rưỡi, có nơi gấp đôi. Thông tin tỉnh Hà Tây sẽ sáp nhập phần lớn diện tích về Hà Nội khiến giới đầu cơ đổ về đây săn đất, tại khu Ba La giá đất giãn dân tăng từng ngày, nếu như hôm trước là 4 triệu đồng/m2 thì hôm sau đã thêm 500.000 đồng, và tiếp tục tăng như vậy vào những hôm sau nữa, rất nhiều trường hợp than vãn về tình trạng lật kèo của chủ đất khi đã nhận đặt cọc của người trước mà vớ được khách sau “sộp” hơn. Ở mức độ cao cấp hơn, các nhà tư vấn về BĐS đua nhau đưa ra dự báo giá thuê văn phòng, biệt thự, căn hộ sang trọng sẽ tiếp tục leo thang. Hơn một năm trước đây, giá thuê mỗi m2 văn phòng hạng A khoảng 40 USD/tháng, có DN lắc đầu kêu đắt, nay với giá tiền đó đừng mơ, có nơi 100 USD/m2 người ta nghe vẫn thấy quá bình thường. Chi phí thuê văn phòng, mặt bằng sản xuất kinh doanh ngày một đắt đỏ, khiến môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang phần nào giảm sức hấp dẫn và không khỏi quan ngại với nhà đầu tư.

Không ít ý kiến cho rằng, giá nhà đất tăng do nhu cầu đang rất lớn và có nhiều yếu tố khách quan đẩy thị trường lên như: tăng trưởng kinh tế, nguồn tiền lưu thông dồi dào… Tuy nhiên, điều bất cứ nhà quản lý nào cũng phải thừa nhận là thị trường trong khoảng thời gian nửa cuối năm qua vận hành theo cơ chế đầu cơ hơn là cơ chế cung cầu. Giống như TTCK, tâm lý đám đông đang thống trị thị trường BĐS và đẩy giá tăng vùn vụt. Thay vì đầu tư chứng khoán, nhiều người rút vốn đổ xô vào thị trường địa ốc với mục đích đầu cơ, khiến cho thị trường liên tục tăng giá. Người mới, người cũ cùng chen nhau mua nhà đất khiến cho giá tăng là điều dễ hiểu. Những khu đô thị xa xôi như Việt Hưng, vốn chẳng mấy người mặn mà mua để ở, nay được chân gỗ “hét” chênh giá gốc tới 200 triệu đồng/căn. Vậy hiện tượng “đàn cừu” trên thị trường địa ốc hiện nay liệu có thể bị chặn đứng bởi một sắc thuế mới và đợt tăng giá đột ngột này sẽ chậm hoặc dừng hẳn khi hoạt động đầu cơ không còn sinh lời? Câu trả lời hoàn toàn trong tay nhà quản lý.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính sớm nghiên cứu điều chỉnh mức thuế sử dụng đất, đánh thuế lũy tiến đối với trường hợp sở hữu nhiều BĐS, có nhà đất nhưng không đưa vào khai thác, sử dụng hoặc mua đi bán lại nhiều lần trong thời gian ngắn để hạn chế đầu cơ, tăng nguồn thu cho ngân sách. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm nghiên cứu, ban hành hạn mức sở hữu nhà ở. Bộ Tài nguyên Môi trường nghiên cứu, ban hành hạn mức sử dụng đất để làm cơ sở xác định thuế nhà, đất ngay sau khi Pháp lệnh Thuế nhà, đất được sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, Bộ Xây dựng tổ chức hệ thống thông tin về thị trường BĐS một cách công khai, minh bạch để các nhà đầu tư, người dân có nhu cầu dễ dàng tiếp nhận thông tin về thị trường. Những dự thảo văn bản luật này phải hoàn thiện và trình Chính phủ ngay trong quý I/2008. Được biết, ba bộ Tài Chính, Xây dựng và Tài nguyên Môi trường đã vào cuộc để sớm có phương án trình Chính phủ. Bộ Tài chính đang dự thảo văn bản pháp lệnh sửa đổi, theo đó sẽ sửa đổi căn cứ tính thuế sử dụng đất theo khung giá đất do từng địa phương quy định hàng năm, thay vì tính cào bằng như hiện tại, ngoài ra áp biểu thuế luỹ tiến theo hạn mức nhà đất được công bố công khai.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, người từng ủng hộ giải pháp hạn chế đầu cơ BĐS bằng sắc thuế cho rằng, Nhà nước phải nhanh chóng quy định thuế đánh vào loại tài sản đặc biệt “nhà đất” và quy định hạn mức sở hữu nhà đất để tính thuế. Nếu trong mức trung bình của xã hội thì thuế rất tượng trưng, nhưng nếu trên mức trung bình thì cứ theo nguyên tắc: người càng sở hữu nhiều thì thuế càng cao. Áp thuế luỹ tiến với cả DN thì tình trạng lãng phí đất vàng tại Hà Nội, TP. HCM như hiện nay cũng được hạn chế bởi DN không khẩn trương triển khai dự án sẽ phải nộp thuế nhiều, quy định “sau 12 tháng, DN chưa triển khai dự án sẽ bị thu hồi” như hiện nay sẽ bị người ta viện đủ cớ để thoái thác giữ đất đầu cơ.