Đạo luật MiCA trở thành nền tảng quan trọng cho cuộc cách mạng quản lý tiền số tại châu Âu

Đạo luật MiCA trở thành nền tảng quan trọng cho cuộc cách mạng quản lý tiền số tại châu Âu

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Từ nỗi lo sẽ hủy diệt thị trường tiền số tại châu Âu, bộ quy định MiCA đang chứng minh được tầm quan trọng và trở thành "phao cứu sinh" cho cả nhà đầu tư lẫn các sàn giao dịch tại đây.

Theo đó, Markets in Crypto-Assets (MiCA) là bộ quy định đầu tiên và toàn diện nhất của Liên minh châu Âu về tiền số và tài sản mã hóa. Sau khi chính thức hoạt động được gần 200 ngày, MiCA tạo ra những thay đổi sâu sắc mà ít ai có thể dự đoán trước.

Nếu như trước đây, thị trường tiền số không có luật lệ rõ ràng, mỗi quốc gia một kiểu quy định khác nhau, nhà đầu tư và các công ty phải tự mò mẫm trong bóng tối pháp lý thì sự ra đời của MiCA giống như một "bộ luật thống nhất" cho toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU, tạo ra một thị trường chung với quy tắc chơi minh bạch.

Lần đầu được công bố, quy định này đã nhận phải phản ứng khá tiêu cực đến từ cộng đồng tiền số tại châu Âu. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lo ngại rằng gánh nặng tuân thủ quá lớn sẽ làm tăng chi phí vận hành, đặc biệt khó khăn cho các startup và công ty nhỏ. Họ cũng lo sợ yêu cầu KYC/AML nghiêm ngặt sẽ khiến người dùng phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, mất đi tính ẩn danh - một trong những đặc trưng cốt lõi của thị trường. Hơn nữa, rào cản gia nhập cao do chi phí xin giấy phép và duy trì tuân thủ có thể khiến nhiều công ty rời bỏ thị trường châu Âu.

Mazurka Chen, Giám đốc điều hành Bybit EU, thừa nhận tại cuộc họp báo ngày 10/7 rằng "MiCA là luật tương đối mới, không có sách hướng dẫn cụ thể về cách tuân thủ, điều này tạo ra sự không chắc chắn trong quá trình đăng ký."

"Bộ lọc" doanh nghiệp tiền số

Sau gần 200 ngày triển khai, thực tế đã chứng minh những lo ngại ban đầu là không có cơ sở. Thay vì "phá hủy" thị trường tiền số châu Âu, MiCA đang trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững và thu hút đầu tư.

Điều bất ngờ nhất là việc các sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới đều "xếp hàng" xin giấy phép MiCA. Coinbase, sàn giao dịch lớn nhất Mỹ, đã nhận giấy phép MiCA ngày 20/6/2024. Một tuần sau đó, OKX (sàn giao dịch lớn thứ 2 thế giới) và Bybit (sàn giao dịch phái sinh hàng đầu) cũng nhận được giấy phép trong cùng thời điểm.

Theo phân tích của Dante Disparte và Patrick Hansen từ Circle (công ty phát hành USDC), MiCA đang tạo ra hiệu ứng tích cực. Những sàn giao dịch không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để tuân thủ MiCA sẽ phải rời khỏi thị trường, trong khi những "ông lớn" có đủ nguồn lực sẽ chiếm lĩnh thị phần, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn.

Erald Ghoos, CEO OKX châu Âu, nhận định rằng việc tuân thủ quy định sẽ tách biệt những người chơi thị trường nghiêm túc khỏi các tác nhân không có giấy phép và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh dựa trên niềm tin.

Trước khi MiCA được áp dụng, các công ty crypto luôn bị coi là "công dân hạng hai" trong hệ thống tài chính. Georg Harer, Giám đốc tuân thủ toàn cầu tại Bybit EU, giải thích rằng các công ty được quy định bởi MiCA có cùng tiêu chuẩn Chống rửa tiền (AML) như các ngân hàng lớn, vì vậy không còn lý do gì để các tổ chức tài chính từ chối hợp tác.

Điều này có nghĩa là các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền số giờ đây có thể dễ dàng mở tài khoản ngân hàng cho hoạt động kinh doanh, được ngân hàng chấp nhận như đối tác bình đẳng và giảm thiểu rủi ro bị "debank" (ngân hàng đóng tài khoản đột ngột).

MiCA kết hợp với MiFID (Markets in Financial Instruments Directive) cho phép các sàn giao dịch mở rộng dịch vụ ra cả tài sản truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa. Đây là bước tiến quan trọng giúp các sàn tiền số trở thành "siêu thị tài chính" đa dạng.

Đối với các nhà phát hành stablecoin, MiCA tạo ra cơ hội độc quyền đặc biệt. Các stablecoin không tuân thủ MiCA sẽ bị cấm hoạt động tại EU, tạo ra "khoảng trống thị trường" khổng lồ cho những sản phẩm tuân thủ. Circle, với kinh nghiệm phát hành USDC, nhận định rằng MiCA đại diện cho cơ hội phát triển một thị trường tài sản crypto độc đáo của châu Âu.

Lợi ích với nhà đầu tư

Ben Zhou, CEO Bybit, chia sẻ rằng, với giấy phép MiCA, công ty có thể tiếp nhận khách hàng trực tiếp, và họ có thể nạp/rút tiền rất dễ dàng từ ngân hàng của chính mình. Trước đây, việc chuyển tiền từ ngân hàng sang các sàn giao dịch tiền số thường phải qua nhiều trung gian, mất phí và thời gian. Giờ đây, với MiCA, quá trình này trở nên đơn giản như chuyển tiền thông thường.

Zhou cũng tiết lộ rằng bây giờ các family office, quỹ đầu tư và tổ chức giao dịch có thể tham gia với họ, trong khi trước đây những tổ chức này lo ngại về vấn đề pháp lý. Điều này có nghĩa là dòng vốn tổ chức lớn sẽ đổ vào thị trường crypto châu Âu, thanh khoản thị trường tăng mạnh, và giá cả trở nên ổn định hơn với ít biến động hơn.

Georg Harer nhấn mạnh lợi ích quan trọng nhất của MiCA là việc bảo vệ nghiêm ngặt tài sản và quỹ của khách hàng. Ông nhắc lại vụ việc FTX báo cáo có hàng tỷ USD tài sản khách hàng, nhưng cuối cùng hóa ra là dối trá. Với MiCA, điều này được quy định rất nghiêm ngặt thông qua việc tách biệt hoàn toàn tài sản khách hàng khỏi tài sản công ty, kiểm toán định kỳ bởi tổ chức độc lập, báo cáo minh bạch về tình hình tài chính, và yêu cầu quỹ bảo hiểm bắt buộc cho các rủi ro.

Ben Zhou quan sát rằng rất nhiều cơ quan quản lý đang chờ đợi MiCA và có thể thấy khung pháp lý mới đang được nhân rộng trên khắp thế giới. Singapore đang cập nhật Payment Services Act dựa trên kinh nghiệm MiCA, trong khi Anh do Brexit đã mất quyền áp dụng MiCA nên đang xây dựng bộ khung quy định riêng. Nhật Bản đang cân nhắc cập nhật luật quản lý tiền số hiện tại và Hàn Quốc cũng nghiên cứu mô hình cấp phép tương tự.

Tin bài liên quan