Dấu ấn ngành Công thương 2022: Xuất khẩu 371,5 tỷ USD, xuất siêu 11 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Xuất nhập khẩu năm nay đã lần đầu vượt 700 tỷ USD, đạt 732 tỷ USD đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, xuất siêu 11 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quóc Khánh, xuất nhập khẩu năm 2022 đã vượt 730 tỷ USD, xuất siêu 11 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quóc Khánh, xuất nhập khẩu năm 2022 đã vượt 730 tỷ USD, xuất siêu 11 tỷ USD.

Dấu ấn xuất nhập khẩu 732 tỷ USD

Số liệu vừa công bố của Bộ Công thương công bố tại hội nghị tổng kết 2022 chiều 26/12 cho thấy, năm 2022, xuất nhập khẩu tiếp tục lập kỷ lục mới.

Vượt qua những tác động bất lợi đối với nền kinh tế Việt Nam, khi lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường, xung đột Nga-Ukraine chưa chấm dứt, giá nguyên nhiên liệu tăng mạnh nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn cán đích 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu tăng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, năm 2022, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương, chuỗi cung ứng trong và ngoài nước đã được nối lại và đa dạng hóa.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của công nghiệp, với mức tăng khoảng 9,5%, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng GDP của cả nước và đóng góp hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch ghi nhận cả năm là 360,5 tỷ USD, tăng 8,5% so với 2021, kiểm soát tốt các mặt hàng hạn chế nhập khẩu. Nhờ đó, cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với giá trị khoảng 11 tỷ USD, góp phần ổn định tỷ giá, dự trữ ngoại hối, đảm bảo các cân đối lớn...

Các FTA đang được khai thác hiệu quả, trong đó tận dụng EVFTA và UKVFTA đã tạo điều kiện để xuất khẩu sang EU và Vương quốc Anh đều tăng trên 45%. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP); Ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP..., qua đó, tạo điều kiện để thực thi hiệu quả của Hiệp định, giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu lớn, ổn định cho doanh nghiệp Việt Nam.

Dù đạt được những kết quả ấn tượng về xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường từ các FTA, song Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế. Cụ thể, tốc độ tăng sản xuất công nghiệp chậm lại từ quý IV, các doanh nghiệp sản xuất đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ở những ngành hàng xuất khẩu lớn, chi phí vốn tăng cao...

Ngoài ra, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI (FDI đang chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu), tốc độ đa dạng hoá thị trường còn chậm, điển hình là rau quả.

Tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Nguyễn Minh Vũ cho rằng, hoạt động sản xuất đã dần bắt nhịp được xu thế chung về chuyển đổi số và chuyển dần sang sản xuất xanh, từ đó giúp tăng cường động lực cho phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng lưu ý tình hình năm 2023 sẽ khó hon, khi nhiều nền kinh tế trên thế giới được dự báo lạm phát cao; kinh tế thế giới nhiều khả năng suy thoái kỹ thuật... kéo theo tiêu dùng toàn cầu giảm. Nhiều thị trường lớn đều tăng tiêu chuẩn với hàng hóa nhập khẩu, điển hình như Trung Quốc, còn với EU là yêu cầu về sản phẩm xanh, áp thuế carbon..., từ đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao tính tuân thủ, đồng thời tranh thủ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Với dấu ấn xuất khẩu khoảng 54 tỷ USD trong năm 2022, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao gần 4 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thanh Nam cho rằng, kết quả xuất khẩu của ngành nông nghiệp có sự "chia lửa" từ ngành Công thương. Năm 2023, trước những dự báo khó khăn về thị trường, 2 Bộ sẽ tiếp tục phối hợp để đàm phán để đảm bảo hài hòa lợi ích cho các sản phẩm xuất nhập khẩu.

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2023 ở mức 6,5%, ngành Công thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 8-9 %; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 8-9%.

Để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ trong năm 2023, ngành Công thương tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, cơ cấu lại ngành dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính để triển khai các dự án sản xuất.

Toàn ngành tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

Tin bài liên quan