Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Đầu tư công trung hạn: Rót vốn vào đâu?

Lần đầu tiên, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 5 năm (2016-2020) tại phiên họp ngày 10/11.     

“Đây là vấn đề rất khó vì nhu cầu vốn đầu tư rất lớn để thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm, phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, khả năng ngân sách rất hạn hẹp, khả năng huy động các nguồn lực trong xã hội rất khó khăn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm đầu tư công từ trước đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vẫn tồn tại 2 quan điểm mâu thuẫn nhau. Đó là, cần phải tập trung đầu tư cho một số ngành, lĩnh vực và địa phương có tính động lực, đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa, nhằm thúc đẩy phát triển nhanh hơn, đóng góp ngân sách cao hơn. Ngược lại, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cũng cần phải có sự quan tâm để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển với những địa phương đi trước.

“Cả hai nhu cầu này đều chính đáng, nhưng khả năng cân đối lại rất hạn hẹp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ vì sao vẫn có tình trạng đầu tư có lúc, có nơi còn dàn trải.

"Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 được đầu tư trên nguyên tắc tập trung, tránh dàn trải, tránh lãng phí, công khai, minh bạch, tiêu chí phân bổ rõ ràng là tập trung vốn cho các công trình, dự án trọng điểm cấp bách, sẽ khắc phục được những hạn chế hiện nay"

- Đại biểu Quốc hội
Nguyễn Thị Kim Bé.

Với việc thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Kim Bé kỳ vọng sẽ khắc phục được các hạn chế trong đầu tư công từ trước đến nay, đó là dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp, nợ đọng xây dựng cơ bản. Đây là vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội các khóa trước đã lên tiếng kiến nghị khắc phục.

“Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 được đầu tư trên nguyên tắc tập trung, tránh dàn trải, tránh lãng phí, công khai, minh bạch, tiêu chí phân bổ rõ ràng là tập trung vốn cho các công trình, dự án trọng điểm cấp bách, sẽ khắc phục được những hạn chế hiện nay”, bà Bé kỳ vọng và cho rằng, kế hoạch đầu tư này sẽ giúp cho các cơ quan, địa phương, tổ chức thực hiện chủ động hơn, hạn chế cơ chế xin - cho và không chồng chéo giữa các nguồn lực đầu tư cho xã hội.

Tổng nguồn vốn dành cho đầu tư công giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng (gồm cả 200.000 tỷ đồng vốn dự phòng), trong đó lĩnh vực giao thông được sử dụng 50%, theo một số đại biểu Quốc hội là quá “ưu ái” cho lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Văn Cảnh, ưu tiên vốn cho lĩnh vực giao thông giai đoạn này là hợp lý vì nhiệm vụ của lĩnh vực giao thông là… đi trước mở đường.

“Dù chúng ta đầu tư cho giao thông tới 1 triệu tỷ đồng, nhưng mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, như vậy chưa thể nói vốn đầu tư cho giao thông là quá nhiều”, ông Cảnh phát biểu và nói thêm rằng, nhờ vốn Nhà nước và vốn toàn xã hội tập trung cho lĩnh vực giao thông trong thời gian qua, nên đã có nhiều dự án giao thông đem lại hiệu quả phát triển kinh tế của nhiều tỉnh, thành phố, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp, làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của nhiều vùng trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đánh giá, do tính chất hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước trong cả giai đoạn 2016 - 2020, nên kế hoạch đầu tư công trung hạn được Chính phủ chuẩn bị rất công phu và đồng bộ với các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…

“Đặc biệt, kể từ khi Luật Đầu tư công có hiệu lực (ngày 1/1/2015) đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, nghị định, chỉ thị hướng dẫn và điều chỉnh lựa chọn từng công trình ưu tiên, đầu tư gắn với thẩm định, cân đối nguồn, khắc phục đầu tư tràn lan, kém hiệu quả trước đây. Đầu tư công trung hạn sẽ từng bước thay đổi tư duy đầu tư theo nhiệm kỳ, khắc phục cơ bản những hạn chế, yếu kém trong đầu tư công hiện nay”, ông Sơn tin tưởng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quan điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn một mặt nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Mặt khác, đầu tư công cũng thực hiện các mục tiêu xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ miền núi, đồng bào dân tộc các vùng kinh tế khó khăn, đầu tư cơ sở hạ tầng các lĩnh vực, đặc biệt là phải bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vừa được Quốc hội thông qua đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội trên tinh thần, kế hoạch đầu tư công được xây dựng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và gắn với chiến lược nợ công, phù hợp với kế hoạch tài chính 5 năm. Kế hoạch cũng phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, chú trọng thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.

Tin bài liên quan