Dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân cần giải pháp căn cơ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), nhu cầu đầu tư, tích lũy và bảo vệ cho tài chính bản thân và gia đình của người dân rất lớn, nên dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân nở rộ, nhưng “vàng thau lẫn lộn”, cần có giải pháp căn cơ để phát triển đúng hướng.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường tư vấn tài chính tại Việt Nam?

Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam dự kiến đạt 50 triệu người vào năm 2050 (theo Ngân hàng Thế giới), kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, lớn hơn cả Đức và Anh. Tăng trưởng GDP cao và duy trì trong dài hạn ở mức 5 - 7%/năm, GDP trên đầu người đã tiệm cận mức 4.000 USD.

Các đặc điểm kể trên khiến nhu cầu đầu tư, tích lũy và bảo vệ cho tài chính bản thân và gia đình là rất lớn. Ở các quốc gia với mức GDP/đầu người từ 4.000 USD trở lên, dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân thường nở rộ và Việt Nam không là ngoại lệ.

TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA)

TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA)

Chưa kể, Chính phủ có định hướng đến năm 2030, 10% dân số đầu tư chứng khoán, thị trường trái phiếu đạt quy mô tương đương 58% GDP, 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Cùng với đó, chiến lược tài chính toàn diện của quốc gia mong muốn đến năm 2025 có 70% người trưởng thành có lịch sử tín dụng tại các tổ chức tín dụng. Rõ ràng, chúng ta đang thúc đẩy thị trường tài chính tăng trưởng mạnh mẽ và dịch vụ tư vấn tài chính phải phát triển như yếu tố tất yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Khái niệm quản lý tài chính cá nhân tại Việt Nam ngày càng được biết tới rộng rãi, nhưng thiếu dịch vụ tư vấn tài chính bài bản. Theo ông, đâu là hướng phát triển cần thiết của tư vấn tài chính cá nhân trong thời gian tới?

Nhiều năm qua, chúng ta đã huy động các nguồn lực xã hội (cả công và tư) tập trung vào giảng dạy và thực hành về tài chính vĩ mô, tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Nhưng cho đến nay, ở Việt Nam chưa có một chương trình hay tài liệu giáo khoa chính quy nào tập trung vào việc nâng cao dân trí tài chính cá nhân và tư vấn hoạch định tài chính cá nhân. Điều này tạo nên khoảng trống lớn đối với lĩnh vực tài chính, đồng thời là lý do chưa có những hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân bài bản.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trên thị trường tài chính với những nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân ngày càng tăng, từ góc nhìn của VFCA, tôi cho rằng, cần xuất phát từ nhận thức về vai trò của tài chính cá nhân, nâng cao dân trí tài chính của người dân và hoạch định tài chính cá nhân.

Khâu yếu nhất trên phòng tuyến bảo vệ mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường tài chính ở Việt Nam hiện nay chính là tình trạng dân trí tài chính thấp và hoạch định tài chính cá nhân tự phát.

Cần phải thấy rõ, khâu yếu nhất trên phòng tuyến bảo vệ mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường tài chính ở nước ta hiện nay chính là tình trạng dân trí tài chính thấp và hoạch định tài chính cá nhân tự phát. Theo đó, trước tiên cần nâng cao dân trí tài chính của người dân về vấn đề này.

Những người hiểu biết tài chính sẽ sử dụng nhiều sản phẩm tài chính hơn, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng của khu vực tài chính, đóng góp một cách hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế và giảm đói nghèo. Đây là giải pháp chiến lược để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường tài chính.

Đồng thời, cần sớm ban hành các văn bản pháp luật nâng cao dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân, về dịch vụ tư vấn tài chính để tạo môi trường pháp lý thống nhất, hoàn thiện, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia một cách hợp pháp.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan hữu quan cần ban hành, bổ sung và sửa đổi kịp thời các quy định, cơ chế chính sách có liên quan, lưu ý đến các yếu tố mới với sự xuất hiện của nhóm công ty Fintech.

Trên cơ sở Quyết định 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2030, cần xây dựng một chương trình chiến lược quốc gia tổng thể, dài hạn về giáo dục nâng cao dân trí tài chính nói chung và hoạch định tài chính cá nhân nói riêng.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cần áp dụng mô hình tư vấn độc lập. Mô hình tư vấn tài chính hiện tại ở Việt Nam đang hoạt động theo hướng người tư vấn tài chính làm việc tại chính các định chế tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán..., từ đó tiềm ẩn rủi ro xung đột lợi ích khi các tư vấn viên bán những sản phẩm mà khách hàng có thể không cần và làm phương hại đến lợi ích của khách hàng.

Mô hình tư vấn độc lập sẽ là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Ở thị trường Mỹ, 70% thị phần tư vấn tài chính thuộc về các công ty tư vấn độc lập và Việt Nam cũng nên đi theo xu hướng này.

Trong bối cảnh dịch vụ tư vấn tài chính “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, ông có khuyến nghị gì tới các cá nhân/doanh nghiệp muốn sử dụng dịch vụ tư vấn tài chính?

Điều quan trọng nhất nằm ở việc các dịch vụ cần đảm bảo yếu tố “đặt lợi ích khách hàng lên trên hết”. Đây là tiêu chuẩn của người làm nghề tư vấn tài chính tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Canada, Singapore…

Theo nguyên tắc ủy thác (Fiduciary Duty), người tư vấn tài chính luôn tư vấn sản phẩm phí rẻ nhất, tối ưu nhất về lợi ích với khách hàng. Điều này sẽ không thể thực hiện được nếu các tư vấn viên chỉ chăm chăm đi bán các sản phẩm của doanh nghiệp mình đang làm việc.

Do đó, người dân nên sử dụng và tìm các công ty tư vấn độc lập nhằm bảo vệ lợi ích của mình, hoặc nếu sử dụng dịch vụ tư vấn tại các công ty có tiềm ẩn xung đột lợi ích thì phải hỏi ngay các tư vấn viên rằng, cơ chế thu phí của họ như thế nào, họ có tiềm ẩn xung đột lợi ích với mình hay không.

Theo luật ở các thị trường phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, khi tư vấn tài chính thì người tư vấn phải cung cấp thông tin về xung đột lợi ích, thông tin một cách minh bạch, không gây hiểu nhầm về việc cung cấp các sản phẩm tài chính, buộc phải ghi âm lại các giai đoạn tư vấn tài chính để hậu kiểm. Những điều này sẽ bảo vệ giúp người dân không bị lừa đảo bởi các hình thức đa cấp biến tướng, hoặc không bị thao túng bởi chính nhân viên tư vấn không có tâm tại các định chế tài chính.

Về vấn đề kiểm tra chất lượng của nhà hoạch định tài chính, các khách hàng cần tìm hiểu về quá trình học tập và kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và tình hình công việc hiện tại, yêu cầu chuyên viên tư vấn cung cấp thỏa thuận chi tiết dưới dạng văn bản có chữ ký.

Tuy nhiên, khách hàng cần có kiến thức cơ bản về tài chính cũng như hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi sử dụng dịch vụ, xác định rõ mục tiêu tài chính của mình và hiểu rằng, những ý kiến tư vấn kể cả của chuyên gia cũng đều mang tính chất tham khảo. Khách hàng cần biết tổng hợp các ý kiến để tìm ra phương án hoạch định tài chính tối ưu cho mình.

Về phía VFCA, Hiệp hội triển khai các giải pháp nào phục vụ cho việc phát triển thị trường tư vấn tài chính cá nhân lành mạnh, bền vững?

Tháng 2/2023, dựa trên tiêu chuẩn FPSB - cơ quan cao nhất về tiêu chuẩn nghề tư vấn tài chính cá nhân trên thế giới, chúng tôi đã tiến hành dự thảo Bộ tiêu chuẩn của nghề tư vấn hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam. Bộ tiêu chuẩn này được các chuyên gia có chuyên môn Financial Planning chuẩn CFP của chúng tôi xây dựng và cùng với các chuyên gia hàng đầu khác trong ngành tài chính tại Việt Nam điều chỉnh, có những cân nhắc phù hợp với điều kiện cụ thể và các quy định về sản phẩm tài chính tại Việt Nam.

Bộ tiêu chuẩn gồm 4 tiêu chuẩn chính: đào tạo, năng lực, đạo đức và hành nghề, đã được Hiệp hội công bố và gửi đến các cơ quan nhà nước, các tổ chức có liên quan có trách nhiệm và am hiểu về lĩnh vực này để xin ý kiến, bao gồm Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng.

Bên cạnh các góp ý để tiếp tục hoàn thiện, các cơ quan quản lý và chuyên môn về cơ bản đều có đánh giá tích cực và nhất trí với việc cần xây dựng một bộ tiêu chuẩn chung để chuẩn mực hóa lại hoạt động tư vấn tài chính, rộng hơn là có chuẩn mực chung nhằm nâng cao tri thức tài chính toàn dân.

Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia kinh tế, tài chính để hoàn thiện bộ tiêu chuẩn Hoạch định tài chính cá nhân phù hợp với điều kiện phát triển tại Việt Nam.

Tin bài liên quan