Thu nhập bị ảnh hưởng khiến người dân hạn chế mua sắm dịp cuối năm. Ảnh: Dũng Minh

Thu nhập bị ảnh hưởng khiến người dân hạn chế mua sắm dịp cuối năm. Ảnh: Dũng Minh

Đìu hiu tín dụng tiêu dùng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Người dân hạn chế chi tiêu do thu nhập bị ảnh hưởng, nên tín dụng tiêu dùng cuối năm nay cũng đìu hiu hơn so với mọi năm.

Người dân không dám vay, dù lãi suất tiêu dùng giảm

Chị Tâm An (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho hay, gia đình chị có nhu cầu sắm sửa cuối năm và muốn vay tiêu dùng để đổi máy giặt, tủ lạnh mới, song do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thu nhập năm nay giảm nên chị không dám vay, cho dù lãi suất vay tiêu dùng hiện đã giảm so đầu năm.

Thực tế, lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân tại các ngân hàng, công ty tài chính có chiều hướng giảm theo xu hướng giảm chung của mặt bằng lãi suất từ đầu năm đến nay. Đơn cử, khách hàng vay mua nhà tại Techcombank được hưởng lãi suất cho gói vay cố định 12 tháng đầu tiên từ 7,59%/năm, kỳ hạn 24 tháng ở mức khoảng 8,6%/năm. Sau thời gian cố định, lãi vay dao động từ 9,3-11%/năm.

Nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, Agribank, VIB, TPBank, Shinhan Bank… cũng đã tung ra các gói cho vay ưu đãi để kích cầu tín dụng tiêu dùng cuối năm. Lý do bởi không chỉ còn nhiều dư địa, mà cho vay tiêu dùng còn giúp các ngân hàng cải thiện lãi biên ròng (NIM) vốn sút giảm khá nghiêm trọng từ đầu năm.

Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc khối bán lẻ, Shinhan Việt Nam cho biết, cuối năm là thời điểm thích hợp để vay tiêu dùng bởi thường có nhiều chương trình cho vay hấp dẫn, hơn nữa lãi suất cho vay cũng đang ở mức thấp so với nhiều năm trở lại đây.

Theo ông Vũ, người có nhu cầu vay không nên chờ lãi suất giảm thêm bởi từ nay đến hết năm lãi suất vay tiêu dùng khó có thể giảm sâu hơn, nếu có cũng chỉ ở số ít ngân hàng và mức giảm sẽ không nhiều. Nguyên nhân là do vào thời điểm này, nhiều ngân hàng đã gần như hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm. Đồng thời, nhu cầu tín dụng cuối năm đã cải thiện hơn nên các ngân hàng không cần đẩy mạnh kích cầu thông qua giá, trái lại cần giữ một mức dư địa giá cần thiết để chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh cho năm 2021.

Bản thân các ngân hàng cũng rất thận trọng khi cho vay tiêu dùng và chủ yếu tập trung vào phân khúc cho vay mua nhà, mua xe vì đây là sản phẩm cho vay có biên lợi nhuận cao, lại an toàn vì có tài sản đảm bảo chính là tài sản vay

Phân tích kỹ hơn về vay tiêu dùng, ông Vũ cho biết, thông thường các mức lãi suất mới chỉ áp dụng đối với các khoản vay mới (phát sinh kể từ ngày có hiệu lực của biểu lãi suất mới). Điều này là bình thường trong nghiệp vụ kế toán vì các khoản vay cũ phụ thuộc vào các mức lãi suất huy động cũ. Vì thế, ngân hàng vẫn phải trả lãi suất cao đối với các hợp đồng tiền gửi vẫn còn trong hạn, cho dù lãi suất đã giảm trên thực tế. Với các trường hợp này, các ngân hàng sẽ tạo điều kiện để khách hàng dùng các nguồn tiền khác tất toán các khoản vay cũ và thực hiện khoản vay mới. Thậm chí, nhiều trường hợp khách hàng chuyển sang vay tại ngân hàng khác để tận dụng các mức lãi suất mới với ưu đãi từ 6- 36 tháng lãi suất cố định thấp hơn đáng kể so với mức thả nổi.

“Giá cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng không do Ngân hàng Nhà nước điều phối, mà được hình thành từ cung cầu tín dụng trên thị trường. Năm nay, như chúng ta đã biết, do tác động của dịch Covid-19 nên cầu về tín dụng giảm, trong khi cung tiền không đổi, thậm chí thanh khoản của các ngân hàng còn dư thừa so với trước, nên việc giá cho vay giảm đã phản ánh đúng quy luật thị trường”, ông Vũ nói và cho biết thêm, tại Shinhan Việt Nam hiện nay, lãi suất cho vay tín chấp là 10-18%/năm; vay mua nhà, xe… từ 6,5%/năm đến hơn 8%/năm.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit cho hay, lãi suất của FE Credit và các công ty tài chính khác đã giảm trong vài năm qua, nhưng vẫn tương đối cao hơn so với các ngân hàng. Lý do bởi mức độ rủi ro trong cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cao hơn so với các ngân hàng. Hơn nữa, các công ty tài chính không được phép huy động vốn trực tiếp từ người dân như ngân hàng, mà phải đi vay trên thị trường nên có chi phí vốn cao hơn so với ngân hàng.

Cầu tín dụng tiêu dùng khó tăng mạnh

FiinGroup đưa ra nhận định, tín dụng tiêu dùng có cơ hội “hồi sinh” trong những tháng cuối năm, khi nền kinh tế ổn định hơn nhờ đại dịch tiếp tục được kiểm soát tốt và người tiêu dùng bắt đầu sắm sửa dịp cuối năm, bên cạnh nguồn cung cũng đã đa dạng hơn với sự góp mặt của nhiều “tay chơi” mới như Mcredit, Easy Credit, Lotte Finance…

Tuy nhiên, khả năng trả nợ của khách hàng cũng bị tác động do ảnh hưởng của Covid-19 đến thu nhập. Trước tình huống này, các ngân hàng, công ty tài chính duy trì quan điểm thận trọng trong việc lựa chọn khách hàng và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp tín dụng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cầu tín dụng tiêu dùng khó tăng mạnh.

Ông Nguyễn Thành Phúc cho hay, tại FE Credit, hoạt động cho vay tiếp tục được quản lý chặt chẽ trong giai đoạn dịch bệnh, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt nhằm đảm bảo khả năng tăng trưởng trở lại trong quý IV/2020 và năm 2021. Lý do bởi từ khi dịch bùng phát, cách thức mua sắm của người dân đã thay đổi khi các mặt hàng thiết yếu được mua qua kênh thương mại điện tử không ngừng gia tăng.

“Cầu vốn của người dân có thể tăng lên, nhưng khả năng trả nợ cũng giảm sút vì ảnh hưởng của Covid-19 nên việc thận trọng hơn trong lựa chọn khách hàng và cho vay là cần thiết”, ông Phúc nói.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, bản thân các ngân hàng cũng rất thận trọng khi cho vay tiêu dùng và chủ yếu tập trung vào phân khúc cho vay mua nhà, mua xe vì đây là sản phẩm cho vay có biên lợi nhuận cao, lại an toàn vì có tài sản đảm bảo chính là tài sản vay.

Thực tế cho thấy, việc hoạt động kinh doanh chính giảm sút đã phần nào tác động tới kết quả kinh doanh của nhiều công ty tài chính.

Đơn cử, báo cáo tài chính quý III/2020 của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) ghi nhận lãi trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 191 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ 2019, cho dù đã vượt 6% kế hoạch cả năm (kế hoạch đã điều chỉnh).

Đáng chú ý, EVN Finance đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro trong kỳ, lên tới 260 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế giảm.

Tại FE Credit, lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2020 đạt xấp xỉ 3.200 tỷ đồng, giảm so với con số gần 3.500 tỷ đồng của cùng kì năm trước. Nợ xấu tính đến 30/9/202 tăng lên mức 6,9%. Đồng thời, tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu bình quân 9 tháng đầu năm nay đạt 34%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Theo giới phân tích, nợ xấu trong phân khúc tài chính tiêu dùng cá nhân tăng là điều khó tránh trong bối cảnh hiện nay, khi các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp các khoản vay tín chấp và thẻ tín dụng cho phân khúc khách hàng đại chúng vốn có thu nhập thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.

Trong một báo cáo công bố mới đây, hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm Moody's lo ngại về cú sốc kinh tế do Covid-19 có thể gây tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Theo Moody's, các công ty FE Credit, Home Credit và SHB Finance đều có nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp nhắm vào phân khúc khách hàng thu nhập thấp - là những người dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế. Hơn nữa, thất nghiệp có nguy cơ gia tăng sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của nhóm khách hàng phân khúc này do nguồn thu nhập bị hạn chế, thiếu ổn định…

Tin bài liên quan