Do dự đổ vốn vào xuất bản điện tử

0:00 / 0:00
0:00
Xuất bản điện tử đang tăng trưởng, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của thị trường. Nhiều nhà xuất bản do dự khi đổ vốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Do dự đổ vốn vào xuất bản điện tử

Tỷ trọng còn thấp

Kết thúc năm 2022, các nhà xuất bản nộp lưu chiểu là 38.029 ấn phẩm (tăng 15,42%) với gần 6 triệu bản (tăng 49,5%). Với 57 nhà xuất bản trên cả nước, tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 4.000 tỷ đồng (tăng 33,3%), trong đó 5 nhà xuất bản có doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng.

Xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 3.350 ấn phẩm (tăng 45,6% so với năm 2021) với ước tính 4 triệu lượt người dùng. Đến nay đã có 19/57 nhà xuất bản trong cả nước tham gia đăng ký xuất bản và phát hành ấn phẩm điện tử, tăng 72,7% so với năm 2021.

Nếu so với năm 2020 thì đây là một bước phát triển khá, bởi trong năm 2020, xuất bản phẩm điện tử mới đạt hơn 2.400 cuốn với khoảng 1,5 triệu lượt truy cập. Tuy nhiên, so với tiềm năng thị trường và so với xuất bản truyền thống thì vẫn còn chưa tương xứng. Đầu tư cho xuất bản phẩm điện tử chưa có sự bứt phá, chưa theo kịp xu hướng phát triển công nghệ. Các nhà xuất bản còn do dự.

“Xuất bản điện tử đã có một năm đột phá, song số đầu sách chưa nhiều, chưa phong phú cho bạn đọc lựa chọn. Hiện mới chỉ phát triển được thị trường sách nói, còn các thị trường khác như ebook, sách dạy nghề, hướng nghiệp gần như chưa có”, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết.

Tại Công ty Phương Nam, khi mua bản quyền sách giấy đều mua bản quyền để xuất bản sách điện tử đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Hiện các ấn phẩm điện tử của đơn vị này chiếm 30% đầu sách hiện có, nhưng sách giấy vẫn giữ vị trí quan trọng trong kinh doanh của đơn vị.

Bà Ngô Kim Thủy, Giám đốc kinh doanh sách quốc văn, Công ty Phương Nam chia sẻ, việc thực hiện các ấn phẩm điện tử tốn nhiều chi phí và doanh thu còn thấp. Tình trạng làm sách lậu, sao chép các nội dung không bản quyền khiến đơn vị xuất bản gặp khó hơn.

Còn theo ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Sách điện tử Waka, quy trình đưa sản phẩm sách điện tử tiếp cận bạn đọc đòi hỏi nhiều nỗ lực của đơn vị phát hành vì chuyển đổi số không chỉ là số hóa sách giấy, mà còn từ nhiều nguồn khác. Chuyển đổi số trong xuất bản không phải chỉ ở sáng tạo nội dung, mà còn ở khâu phân phối, quản trị chuỗi cung ứng. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều đơn vị kinh doanh sách điện tử hơn, nhưng tỷ trọng chưa cao vì bị hạn chế về chính sách.

Xu hướng không thể cưỡng lại

Trong năm 2023, ngành xuất bản đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số xuất bản, trong đó 50% nhà xuất bản đăng ký xuất bản điện tử. Tăng số lượng xuất bản điện tử lên chiếm khoảng 12% trên tổng đầu sách; tăng số bản sách điện tử được đọc lên 40-50 triệu bản.

Được biết, nhiều nhà xuất bản, doanh nghiệp sách cũng đã và đang có kế hoạch đầu tư, phát triển xuất bản số. Theo bà Nguyễn Minh, Tổng biên tập Thái Hà Books, đơn vị này đang hợp tác với các đơn vị phát hành sách số uy tín như Fonos, Voiz FM (WeWe) và Waka. Thái Hà cũng ưu tiên chọn những cuốn sách bán tốt, thuộc các tủ sách Newme, sách kinh tế, sách đạo Phật và sách dành cho cha mẹ để phát hành sách số.

“Chúng tôi kỳ vọng, năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của sách số và việc đầu tư phát triển thể loại sách này chắc chắn là một trong những mục tiêu lớn của Thái Hà Books”, bà Minh nói.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng cho hay, Kim Đồng đang hợp tác với 2 đơn vị để phát hành sách nói. Đồng thời, dự định ra mắt app đọc truyện tranh e-manga riêng, phục vụ cho độc giả hiện đại có thể đọc nhiều truyện trên một thiết bị điện thoại.

Để thúc đẩy sự phát triển của xuất bản điện tử, các doanh nghiệp, nhà xuất bản đề xuất, cần có sự hợp tác, chung tay của nhiều nhà xuất bản trong việc mua bản quyền, sử dụng chung nền tảng công nghệ.

“Việc kết nối với các nhà xuất bản có thể giúp giảm thiểu được những chi phí học hỏi trong quá trình sản xuất và xây dựng công nghệ với xuất bản phẩm số. Đây sẽ là lợi thế khi các doanh nghiệp, nhà xuất bản bắt tay vào làm việc chung với nhau”, bà Nguyễn Thị Tâm Hằng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Công nghệ Wewe phân tích.

Chia sẻ về phát triển xuất bản điện tử, bà Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đề nghị, các cơ quan chủ quản, các đơn vị xuất bản cần tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của mình như xây dựng phần mềm tạo lập và tích hợp dữ liệu, phần mềm biên tập, phần mềm duyệt bản thảo, thiết kế chế bản, in ấn và truyền thông, phần mềm xuất bản của sách điện tử đa phương tiện. Bên cạnh đó, phải đổi mới nguyên tắc đào tạo nhân sự nhằm đáp ứng được nhu cầu của các nhà xuất bản trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, các đơn vị xuất bản hiện tại đã rất nỗ lực, tuy nhiên cách tiếp cận người dùng vẫn còn truyền thống. Cần vượt qua rào cản về thanh toán, kết nối sản phẩm số của ngành với hệ sinh thái ngân hàng và hệ sinh thái viễn thông để tiếp cận được tệp khách hàng lớn hơn.

Theo Kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành giai đoạn 2021-2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2025, số lượng xuất bản phẩm điện tử (tính theo đầu sách) chiếm tỷ lệ 15% trong tổng số xuất bản phẩm xuất bản hàng năm.

90% nhà xuất bản thực hiện quy trình biên tập, đọc duyệt nội dung trên nền tảng công nghệ số. 100% đơn vị trong ngành hoàn thành việc kết nối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành; cung cấp, lưu trữ hệ thống dữ liệu báo cáo tổng hợp về hoạt động xuất bản trong nước, khu vực và quốc tế, chia sẻ liên thông với các đơn vị bên ngoài.

Tin bài liên quan