Nhu cầu tiêu thụ thịt đã cải thiện mạnh sau giai đoạn giãn cách xã hội.

Nhu cầu tiêu thụ thịt đã cải thiện mạnh sau giai đoạn giãn cách xã hội.

Doanh nghiệp chăn nuôi giảm áp lực giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp chăn nuôi đang giảm bớt áp lực kinh doanh khi giá thịt lợn hơi trong xu hướng phục hồi, còn giá thức ăn chăn nuôi có phần hạ nhiệt. 

Giá bán phục hồi từ đáy

Số liệu từ Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, 10 tháng đầu năm 2021, từ cuối tháng 10 đến nay, giá lợn hơi phục hồi từng ngày sau giai đoạn suy giảm mạnh.

Việc nới lỏng giãn cách xã hội từ đầu tháng 10 giúp nhu cầu tiêu thụ thịt cải thiện tích cực. Trong khi đó, tổng đàn heo cả nước giảm mạnh xuống mức 25,7 triệu con vì người dân ngại tái đàn do thua lỗ và tiềm tàng nguy cơ dịch tả heo châu Phi tái bùng phát.

Ngoài ra, giá thịt lợn tại thị trường Trung Quốc hồi phục tích cực lên mức khoảng 60.000 - 64.000 đồng/kg nên một số thương lái nước này đẩy mạnh hoạt động thu mua thịt heo để kiếm lợi nhuận ở các tỉnh khu vực phía Bắc.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, dự kiến thời gian tới, giá heo hơi tiếp tục phục hồi nhưng sẽ không có biến động lớn do lượng tiêu thụ vẫn còn thấp so với mức bình quân trước khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát. Ngoài ra, dịp Tết Nguyên đán là thời điểm được kỳ vọng giá heo hơi tăng nhờ nhu cầu của người dân cao.

Đại diện Cục Chăn nuôi dự báo, giá heo hơi sẽ khôi phục mức 60.000 - 70.000 đồng/kg trong thời gian tới, nhưng khó chạm đỉnh 100.000 đồng/kg vì tổng đàn trong nước vẫn duy trì ở mức 28 triệu con, đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người dân từ nay đến đầu năm 2022.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, giá thịt heo có thể sẽ quay lại mức 65.000 - 70.000 đồng/kg và giữ mức cao đến ít nhất quý I/2022 do nhu cầu kinh tế hồi phục và cận kề Tết, trong khi nguồn cung thịt heo sẽ không dư thừa trong 6 tháng tới do lo ngại dịch tả châu Phi và tổng đàn lợn đã giảm, Trung Quốc sẽ duy trì mua dự trữ để hỗ trợ giá thịt heo ít nhất đến hết 2021.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh thời gian qua, trong khi giá thịt giảm mạnh đã gây khó khăn lớn cho người chăn nuôi trong thời gian qua. Tuy nhiên, với giá thịt lợn hơi đang tăng từng ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, hộ chăn nuôi tăng đàn, tái đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo quy luật thời điểm cuối năm, các công ty chế biến tăng cường thu mua heo để chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ lễ tết. Điều này kéo theo nhu cầu heo tăng mạnh và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn bắt đầu tăng giá.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong năm 2022, Trung Quốc sẽ không khuyến khích các hộ nuôi vừa và nhỏ, nhập khẩu thịt heo của nước này được dự báo sẽ tăng vào năm 2022 khi nguồn cung thịt giảm. Nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc dự kiến đạt gần 4,8 triệu tấn trong năm 2022, tăng gần 6%, sau khi giảm vào năm 2021. Đây là cơ sở cho giá thịt lợn tại thị trường Việt Nam tiếp tục neo ở mức cao.

Áp lực chi phí thức ăn chăn nuôi giảm bớt

Quý III/2021 là một quý khó khăn cho doanh nghiệp chăn nuôi trong nước khi giá bán các loại thịt giảm, trong khi đó chi phí thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao.

Nguyên nhân khiến thức ăn chăn tăng giá mạnh là do hàng năm ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu 70 - 85% nguyên liệu từ nước ngoài do ngành nông nghiệp trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.

Các mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi chủ yếu là ngô, đậu tương, lúa mì… Giá ngô, đậu tương, lúa mì trên thị trường thế giới tăng 20 - 30%, đồng thời cước phí vận chuyển cũng tăng đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi trong nước lên cao.

Cuối tháng 11, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP đã điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mì từ 3% xuống 0%, giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%. Bộ Tài chính cũng đề xuất đưa mặt hàng này vào nhóm bình ổn giá, từ đó giúp người chăn nuôi hạn chế rủi ro thua lỗ.

Giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt nhẹ khi việc giảm thuế đối với mặt hàng ngô và lúa mỳ chính thức được thông qua. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi khó có khả năng giảm sâu, dự báo vẫn neo cao so với giai đoạn 2018 - 2019 do giá cước vận tải tăng mạnh đã đẩy giá nguyên liệu nhập khẩu tăng theo và tình trạng này chưa thể sớm được khắc phục.

Mặt khác, việc giữ được đàn heo hơi kèm theo chi phí chăn nuôi rẻ được xem là lợi thế của các doanh nghiệp lớn trong việc “đón sóng” giá tăng vào cuối năm. Giá thức ăn chăn nuôi hiện chiếm 60 - 70% chi phí nuôi heo. Với những lợi thế về chăn nuôi khép kín, chi phí sản xuất của doanh nghiệp lớn sẽ tiết giảm hơn.

Kỳ vọng lợi nhuận khởi sắc

Sau 3 quý đầu năm ảm đạm, với việc giá bán hồi phục và áp lực chi phí giảm bớt, quý IV được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp chăn nuôi vực dậy.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam có khả năng sẽ vươn lên vị trí thứ hai châu Á về tiêu thụ thịt heo vào cuối năm 2021.

Sản lượng thịt heo dự kiến tăng lên 4 triệu tấn vào năm 2025 và đạt mức 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với tốc độ tăng trưởng bình quân năm 3,1% trong giai đoạn 2021 - 2030.

9 tháng đầu năm 2021, lãi ròng của Dabaco giảm 36,9%, chủ yếu do dịch bệnh đã làm chi phí chuỗi cung ứng gia tăng. Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định, lợi nhuận và doanh thu của Dabaco sẽ cải thiện trong quý cuối năm.

Công ty này dự báo, năm 2022, doanh thu thuần và lãi ròng của Dabaco đạt lần lượt 11.801 tỷ đồng và 1.231 tỷ đồng, tăng 12,9% và 22,4% so với năm 2021 nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện, mảng bán thành phẩm khởi sắc nhờ gia tăng về sản lượng và phục hồi về giá bán.

Dabaco dự kiến sẽ phát triển mạnh đàn lợn giai đoạn tới với mục tiêu tăng 25% số lượng tổng đàn lợn (16.500 con giống bố mẹ) trong 2 năm tới. 4 dự án nâng công suất đàn lợn sẽ lần lượt đi vào hoạt động nửa cuối 2022 và nửa đầu 2023.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2/2019 và đã lan rộng ra 63 tỉnh, thành phố đã làm tỷ lệ tiêu hủy do dịch bệnh lên đến hơn 2%. Vắc-xin dịch tả lợn châu Phi do Dabaco nhận chuyển giao từ Mỹ đã có những kết quả ban đầu tích cực, sinh kháng thể tỷ lệ cao đạt 80% sau 21 ngày tiêm.

Đây là bước thử nghiệm quan trọng để chuẩn bị cho quá trình sản xuất trong thời gian tới.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) xác định chăn nuôi heo là ngành chủ lực của Công ty trong thời gian tới sau khi giúp Công ty chuyển từ lỗ ngàn tỷ đồng sang có lãi.

Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG, dự kiến đến cuối năm 2021, Công ty sẽ hoàn thiện toàn bộ hệ thống chuồng trại để sẵn sàng cho năm 2022 triển khai nuôi 15.000 heo nái sinh sản và 300.000 heo thịt xuất chuồng mỗi năm.

“Công ty đã xuất 3.500 con heo nửa tháng 11, giá xuất trung bình của nửa đầu tháng 11 khoảng 43.000 đồng/kg. Doanh thu tháng 10 là 45 tỷ đồng, nửa tháng 11 là 17 tỷ đồng” , ông Đức cho biết.

Cùng với đà phục hồi của giá bán, giá cổ phiếu chăn nuôi cũng dậy sóng. Cổ phiếu DBC ghi nhận tăng 36% kể từ đầu tháng 10 đến nay, có thời điểm đạt đỉnh 79.500 đồng/cổ phiếu.

Cái tên đáng chú ý khác là HAG khi cổ phiếu này ghi nhận tăng 52% chỉ trong vòng một tháng qua.

Các mã cũng ghi nhận sóng tăng trong gần 2 tháng nay như VLC tăng 18%, MLS tăng 11%, MML tăng 12%...

Tin bài liên quan