Doanh nghiệp nào cũng có thể tổ chức sản xuất tuần hoàn, điều kiện cần là tư duy

0:00 / 0:00
0:00
Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nào cũng có thể tổ chức sản xuất tuần hoàn nếu bắt đầu bằng tư duy tuần hoàn và sự sáng tạo.

Thưa ông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức khởi động xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn Việt Nam. Là một trong những doanh nghiệp ứng dụng mô hình sản xuất tuần hoàn khá sớm, ông nhận tin này thế nào?

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Đây là điều chúng tôi chờ đợi!

Chúng tôi là những người đang nghiên cứu và ứng dụng thực hành các mô hình sản xuất tuần hoàn, xây dựng các trụ cột, nền tảng và phụ trợ để hình thành và phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Tôi cũng có mặt tại lễ khởi động, chứng kiến các kế hoạch, cam kết của Bộ trưởng, của các tổ chức quốc tế trong quá trình triển khai tới đây...

Và ông đang chờ đợi điều gì từ kế hoạch này?

Điều chúng tôi trăn trở lâu nay về kinh tế tuần hòa về những cách làm, cách tiệm cận và khái niệm mô hình kinh tế tuần hoàn, hay mô hình sản xuất tuần hoàn.

Chúng tôi bao gồm một hệ sinh thái đã tiệm cận và nghiên, cứu ứng dụng thực hành các mô hình sản xuất tuần hoàn trong nông nghiệp đã gần 10 năm nay và đã có được những kết quả bước đầu từ việc thiết kế quy trình tái chế, tái sử dụng, lấy công nghệ sinh học làm nền tảng xuyên suốt chuỗi sản xuất, chăn nuôi đại gia súc.

Có thể nói đến các trang trại chăn nuôi- thực chất là các khu liên hợp sản xuất tuần hoàn khép kín, tất cả phế thải của công đoạn sản xuất này là đầu vào cho công đoạn sản xuất khác, quy trình thiết kế tái chế, tái sử dụng được tuân thủ nghiêm ngặt, chất thải chăn nuôi và phế phụ phẩm khác đã trở thành hàng hóa thực sự và mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp.

Đó là một thể hiện cụ thể, rõ nét nhất của kinh tế tuần hoàn. Nhưng cũng từ các ví dụ cụ thể như vậy để thấy, nếu đứng riêng lẻ, không một doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có thể thực hiện được kinh tế tuần hoàn, vì đó là một hệ sinh thái, với sự tham gia của đông đảo tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng.

Điều này có nghĩa là chúng ta cần môi trường thể chế, chính sách để thúc đẩy sự tham gia của cả cộng đồng, có thể bắt đầu từ sản xuất tuần hoàn.

Trong Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nói rất cần huy huy động sáng kiến từ thực tế, để thể chế, cụ thể hóa các quy định thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sẽ có những lộ trình thay thế các nguyên, nhiên liệu không phù hợp... Các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi cũng sẽ được bàn tới. Ông có ý kiến gì cho những kế hoạch này?

Điều tôi muốn nhấn mạnh là kinh tế tuần hoàn có thể không phải là một mô hình kinh tế, mà nó là một nền kinh tế được hình thành từ các mô hình sản xuất tuần hoàn.

Với những yêu cầu cần thiết để phát triển một hệ sinh thái sản xuất tuần hoàn, chúng ta cần cho người dân, tổ chức sản xuất kinh tế cơ sở và doanh nghiệp hiểu rằng, tổ chức tốt mô hình sản xuất tuần hoàn theo khả năng và điều kiện sẵn có của mình với tư duy và thiết kế tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn, khép kín, không rác thải tức là góp phần quan trọng, tạo trụ cột cho nền kinh tế tuần hoàn, làm nền tảng để phát triển bền vững.

Vì vậy, mô hình sản xuất tuần hoàn rất đa dạng, rất phong phú và linh hoạt, các mô hình đi trước chỉ để tham khảo để vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế, không nhất thiết áp đặt máy móc, kể cả các mô hình sản xuất tuần hoàn của các nước phát triển...

Nhưng cũng không dễ để triển khai diện rộng nếu không có những hình mẫu cụ thể, nhất là khi việc chuyển đổi mô hình sản xuất đòi hỏi nguồn lực, chi phí không nhỏ?

Quan điểm của chúng tôi là sẽ không có một mẫu hình cụ thể, cứng nhắc nào trong sản xuất tuần hoàn. Nghĩa là tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi một ngành hàng, bao gồm từ nguồn lực, công nghệ và giải pháp..., doanh nghiệp có thể tùy cơ để tổ chức thực hiện.

Chìa khóa quan trọng nhất là tư duy tuần hoàn. Một nguyên tắc chung cho sản xuất tuần hoàn đó là bắt đầu từ tư duy tuần hoàn, thay thế tư duy tuyến tính vốn ăn sâu trong cộng đồng.

Nhưng đúng là để thay đổi, không dễ. Vì vậy, việc cần làm nên là đưa ra các mô hình sản xuất tuần hoàn mẫu, được thiết kế theo quy trình tái chế, tái sử dụng,để khai thác đa giá trị trong mỗi sản phẩm, nguyên liệu đầu vào trong cả quá trình sản xuất.

Các doanh nghiệp có thể tham khảo, học hỏi và dần xây dựng mô hình phù hợp cho riêng mình.

Tất nhiên, để có hiệu quả cao, toàn bộ chu trình sản xuất đều phải được vận dụng rất linh hoạt và sáng tạo các giải pháp, công nghệ và mô hình sản xuất tiên tiến, cùng với giải quyết tốt các bài toán chia sẻ lợi ích và cộng đồng trách nhiệm.

Điểm đáng mừng, theo tôi là các doanh nghiệp Việt Nam đang nhìn nhận sản xuất tuần hoàn không chỉ là đòi hỏi, là yêu cầu mà là điều tất yếu phải làm nếu muốn phát triển bền vững. Vì vậy, có thể mỗi doanh nghiệp sẽ có những bước đi phù hợp với điều kiện của mình, từng bước một...

Đây là điều chúng tôi đang thực hiện trong các doanh nghiệp hội viên của Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

Tin bài liên quan