Bảo hiểm nằm viện, một trong những sản phẩm bảo hiểm mới trên thị trường.

Bảo hiểm nằm viện, một trong những sản phẩm bảo hiểm mới trên thị trường.

Doanh nghiệp phi nhân thọ tấn công mảng bảo hiểm chuyên biệt

(ĐTCK) Tuy có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng sản phẩm bảo hiểm tình yêu ra mắt thị trường mới đây được ví như "làn gió mới" cho phân khúc bảo hiểm chuyên biệt, mở ra cơ hội phát triển nhiều sản phẩm bảo hiểm mới lạ cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm gốc của bảo hiểm sức khỏe tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, bảo hiểm cháy nổ tăng 14%, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính tăng hơn 100%, bảo hiểm bảo lãnh tăng gần 40%...

Bên cạnh những sản phẩm ghi nhận sự tăng trưởng, cũng có những sản phẩm tăng trưởng phí bảo hiểm gốc sụt giảm như bảo hiểm hàng không giảm 16%, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh giảm 21%, bảo hiểm nông nghiệp giảm 6%, bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh giảm 17%...

Trong bối cảnh nhiều sản phẩm bảo hiểm truyền thống còn gặp khó khăn thì phân khúc bảo hiểm bán lẻ nói chung và bảo hiểm chuyên biệt cho thị trường ngách nói riêng, chẳng hạn như sản phẩm bảo hiểm tình yêu của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đưa ra mới đây, sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tập trung khai thác.

Tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, tuy số phí bảo hiểm thu được tính đến thời điểm này của bảo hiểm tình yêu - sản phẩm dành riêng cho kênh bán hàng online, còn khiêm tốn (mới đạt gần 300 triệu đồng tiền phí bảo hiểm), nhưng con số 30.000 lượt người quan tâm, tìm hiểu thông tin về sản phẩm trong 1 tháng cho thấy sức hút của sản phẩm này là không nhỏ.

“Đầu tư đa dạng hóa sản phẩm chuyên biệt cho kênh online là một trong những chiến lược phát triển của PTI nhằm đón đầu cơ hội từ sự bùng nổ của cách mạng 4.0 và insurtech (công nghệ - bảo hiểm)”, đại diện PTI nói và cho biêt, thời gian qua, ngoài bảo hiểm tình yêu, PTI cũng đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm mới như bảo hiểm tại nạn kèm dịch vụ tư vấn y tế chuyên khoa thứ hai, bảo hiểm theo chuyến đi, bảo hiểm nằm viện…

Ở một phân khúc khác, mới đây, Bảo hiểm BIDV (BIC), Chi nhánh BIDV Vũng Tàu - Côn Đảo và Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK Holdings) đã phối hợp và cho ra mắt gói sản phẩm BigK (BigKilowatt) - giải pháp điện mặt trời áp mái đi kèm bảo hiểm sản lượng điện và hỗ trợ dịch vụ tài chính.

Theo thỏa thuận được ký kết giữa các bên, BIC sẽ cung cấp gói bảo hiểm sản lượng điện và BIDV Vũng Tàu - Côn Đảo sẽ cung cấp, hỗ trợ dịch vụ tài chính cho khách hàng sử dụng BigK của Công ty SolarGATES (thành viên thuộc SolarBK Holdings). 

Cụ thể, khi mua sản phẩm BigK, khách hàng sẽ được cung cấp thêm gói bảo hiểm sản lượng điện từ BIC, mức được bảo hiểm sẽ bằng 75% tổng sản lượng dự kiến của hệ thống, trong thời gian 5 năm.

Cùng với đó, khách hàng còn được hỗ trợ các gói vay ưu đãi từ 12-36 tháng. Đáng chú ý, SolarBK Holdings sẽ hỗ trợ lãi suất 12 tháng đầu tiên cho các khách hàng mua sản phẩm tính đến 31/10/2018.

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, điện mặt trời được một tổ chức thứ 3 độc lập đứng ra bảo hiểm sản lượng điện và một ngân hàng đồng ý cung cấp dịch vụ tài chính.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 22.297 tỷ đồng, tăng 12,97% so với cùng kỳ năm 2017.

Được biết, sau 2 tháng kể từ khi được giới thiệu, với giá thành hợp lý, vừa túi tiền của người tiêu dùng đi kèm các bảo chứng chất lượng chuẩn quốc tế, BigK đã triển khai và lắp đặt với tổng công suất gần 180 kWp.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 22.297 tỷ đồng, tăng 12,97% so với cùng kỳ năm 2017.

Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (7.147 tỷ đồng, tỷ trọng 32,05%), tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe (6.548 tỷ đồng, tỷ trọng 29,37%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (3.109 tỷ đồng, tỷ trọng 13,94%), bảo hiểm cháy nổ (1.969 tỷ đồng, tỷ trọng 8,83%), bảo hiểm hàng hoá vận chuyển (1.260 tỷ đồng, tỷ trọng 5,65%)…

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một số doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, sẽ tập trung phát triển những dòng sản phẩm mới trong thời gian tới, đặc biệt là dòng sản phẩm cho kênh bán online, bên cạnh những phân khúc thị trường cũ.

“Các doanh nghiệp đang và sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu sản phẩm insurtech mới để sớm tạo lợi thế cạnh tranh khi công nghệ thông tin ngày một phát triển. Do đó, thị trường sẽ còn đón nhận thêm nhiều sản phẩm mới lạ và hấp dẫn”, một lãnh đạo doanh nghiệp nói.

Tin bài liên quan