Doanh thu đạt kỷ lục, Apple dẫn dắt phố Wall bay cao

Doanh thu đạt kỷ lục, Apple dẫn dắt phố Wall bay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tăng vọt trong phiên ngày thứ Sáu (28/1), được thúc đẩy nhờ kết quả kinh doanh mạnh mẽ từ Apple.

Cổ phiếu Apple tăng gần 7% và là phiên tăng tốt nhất trong một năm rưỡi qua, sau khi công bố doanh thu quý vừa qua tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, lên mức kỷ lục mới 123,9 tỷ USD. Trước đó, các nhà phân tích dự đoán con số này vào khoảng 119,1 tỷ USD. Lợi nhuận ròng của Apple đạt 34,6 tỷ USD, cũng vượt dự báo và cao hơn nhiều so với mức 28,7 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Các cổ phiếu công nghệ lớn khác Microsoft, Amazon, Meta and Alphabet (Facebook) đều nhảy vọt sau khi đã lao dốc hồi đầu tuần, cung cấp hỗ trợ cho các chỉ số trên thị trường.

Khép lại tuần qua, Dow Jones tăng 1,3% và S&P 500 nhích 0,8%, chấm dứt chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp. Còn Nasdaq Composite gần như đi ngang.

Dù vậy, chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 9% từ đầu năm tới nay, trong khi Nasdaq thiên về công nghệ đã rơi vào vùng điều chỉnh sau khi giảm gần 15% so với mức đỉnh gần nhất.

Thị trường đỏ lửa trong tuần này sau khi Fed báo hiệu có khả năng sẽ tăng lãi suất vào tháng 3, trước khi thu hẹp bảng cân đối kế toán vào cuối năm.

Chad Morganlander, Giám đốc danh mục đầu tư tại Washington Crossing, cho biết: “Sự hội tụ của chính sách tiền tệ và tài khóa, vốn dĩ hòa nhã và phong phú trong lịch sử, giờ đây đang đổi hướng và thị trường chứng khoán cũng như các thị trường rủi ro khác đang dần đối mặt với thực tế khắc nghiệt đó”.

Sự sụt giảm đã khiến định giá của S&P 500 suy yếu mạnh, với P/E vào cuối năm 2021 rơi vào khoảng 22 lần, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 19,5 lần, chỉ cao hơn đôi chút so với trung bình 5 năm qua là 18,5 lần.

Sự sụt giảm của thị trường chưa đủ mạnh đối với các chiến lược gia của Barclays, khi đầu tuần này đã lưu ý rằng vẫn còn "quá sớm để mua vào".

Mặt khác, sức mạnh của kết quả kinh doanh quý IV tiếp tục là động lực cho S&P 500, với tổng lợi nhuận dự kiến các công ty trong chỉ số sẽ tăng 8,4% trong năm nay.

Kết thúc phiên 28/1, chỉ số Dow Jones tăng 564,69 điểm (+1,65%), lên 34.725,47 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 105,34 điểm (+2,43%), lên 4.431,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 417,79 điểm (+3,13%), lên 13.770,57 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, với chỉ số STOXX 600 giảm trong tuần thứ tư liên tiếp, khi cổ phiếu ô tô và công nghệ bị bán ồ ạt do lo ngại lãi suất cao hơn và tình hình xung quanh Ukraine.

Chỉ số STOXX 600 giảm 1%, sau khi đã mất tới 2% trong ngày trước đó. Chỉ số này đã mất 1,8% trong tuần này, đánh dấu tuần tệ nhất trong hơn hai tháng.

Lợi suất trái phiếu khu vực đồng Euro đã tăng sau thông điệp diều hâu xuất hiện từ cuộc họp chính sách của Fed vào đầu tuần này.

Nhà phân tích tài chính Danni Hewson của AJ Bell cho biết: “Có rất nhiều điều để khiến các nhà đầu tư lo lắng vào lúc này và hôm nay có vẻ là ngày mà thị trường châu Âu đang thực sự thức tỉnh về lập trường diều hâu ngày càng tăng của Fed”.

Phiên này, ngành công nghệ dẫn đầu đà giảm, lùi 1,7% và có tháng tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Nhóm cổ phiếu ô tô giảm 1,8%, trong đó, Volvo giảm 3,5% sau khi nhà sản xuất xe tải Thụy Điển báo cáo thu nhập lõi quý IV thấp hơn dự báo và đề xuất giảm cổ tức.

Kết thúc phiên 28/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 88,24 điểm (-1,17%), xuống 7.466,07 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 205,32 điểm (-1,32%), xuống 15.318,95 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 57,92 điểm (-0,82%), xuống 6.965,88 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi phục mạnh từ mức đáy 14 tuần, được thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh mạnh mẽ từ Apple.

Chứng khoán Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, ngay cả sau khi các tờ báo và quỹ nhà nước cố gắng xoa dịu tâm lý của nhà đầu tư sau đợt bán tháo trước đó, do lo ngại về việc Mỹ thắt chặt chính sách.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2021, trong bối cảnh nhà đầu tư toàn cầu lo lắng do hành động thắt chặt tiền tệ của Fed.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng khá mạnh, nhưng có tuần giảm mạnh kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.

Kết thúc phiên 28/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 547,04 điểm (+2,09%), lên 26.717,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 32,81 điểm (-0,97%), xuống 3.361,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 256,92 điểm (-1,08%), xuống 23.550,08 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 48,85 điểm (+1,87%), lên 2.663,34 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu tiếp tục trượt dốc, khi dòng tiền lại ồ ạt chảy vào chứng khoán, khi phố Wall đêm qua có phiên nhảy vọt.

Kết thúc phiên 28/1, giá vàng giao ngay giảm 5,5 USD xuống 1.791,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 3 USD xuống 1.790,1 USD/ounce.

Giá dầu thô đã vượt qua ngưỡng 90 USD/thùng, mức cao nhất trong hơn 7 năm qua do rủi ro địa chính trị quanh Ukraine vẫn chưa có lối thoát. Cùng với đó, khan hiếm nguồn cung và dự trữ tiếp tục cạn kiệt tại nhiều nơi cũng góp thêm phần thúc đẩy giá dầu leo cao.

Kết thúc phiên 28/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,21 USD (+0,24%), lên 86,82 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,69 USD (+0,77%), lên 90,03 USD/thùng.

Tin bài liên quan