Hiện vẫn chưa có dữ liệu thống kê phục vụ cho tính phí bảo hiểm, quản trị rủi ro với từng nhóm khách hàng

Hiện vẫn chưa có dữ liệu thống kê phục vụ cho tính phí bảo hiểm, quản trị rủi ro với từng nhóm khách hàng

Đổi mới bảo hiểm, vẫn còn rào cản

(ĐTCK) Trong những năm qua, hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã từng bước được hoàn thiện. Năm 2010, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; trong đó, bổ sung quy định về bán bảo hiểm qua biên giới và thành lập chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam; bổ sung nghiệp vụ bảo hiểm liên kết chung và liên kết đơn vị của bảo hiểm nhân thọ; bổ sung quy định về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành một loạt các văn bản khác điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm như Thông tư 151/2012 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới; Thông tư 232/2012 hướng dẫn chế độ kế toán DN bảo hiểm phi nhân thọ; Thông tư 115/2013 hướng dẫn về bảo hiểm hưu trí tự nguyện và quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện; Nghị định số 98/2013 quy định về xử phạt hành chính.

Hiện Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị ban hành Thông tư hướng dẫn bảo hiểm liên kết (bancassurance). Nhờ vậy, thị trường bảo hiểm đã có những bước tiến lớn, cung cấp đa dạng hơn sản phẩm phòng ngừa rủi ro cho khách hàng.

 

4 rào cản của thị trường bảo hiểm

Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm vẫn tồn tại nhiều vấn đề và đây đang là những rào cản, thách thức cho sự phát triển của thị trường này.

Thứ nhất, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh diễn ra khá phổ biến. Việc mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm hay hạ phí bảo hiểm xuống dưới mức an toàn ở một số DN bảo hiểm đã dẫn tới tình trạng chậm trễ, dây dưa bồi thường hoặc không có khả năng thanh toán tiền bồi thường cho khách hàng.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động tài chính rất nhạy cảm, có đầu tư tài chính từ dự phòng phí, dự phòng bồi thường. Nếu mất khả năng thanh toán, khách hàng đòi lại phí bảo hiểm sẽ gây rối cho thị trường tài chính tiền tệ.

Thứ hai, thị trường chưa có dữ liệu thống kê phục vụ cho tính phí bảo hiểm, quản trị rủi ro với từng nhóm khách hàng và đối tượng được bảo hiểm để hạn chế tổn thất.

Thứ ba, tình trạng tranh chấp, lôi kéo nhân sự có chuyên môn kỹ thuật, trình độ quản trị điều hành DN bảo hiểm vẫn chưa có biện pháp xử lý. Nhiều DN bảo hiểm bị đối thủ lôi kéo đội ngũ nhân sự cấp cao bị mất đi thế mạnh cạnh tranh, ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động kinh doanh.

Thứ tư, trục lợi bảo hiểm ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp, trong khi pháp luật lại chưa có chế tài xử lý đối với hành vi trục lợi này. Nếu DN bảo hiểm phát hiện được hành vi trục lợi thì chỉ có thể từ chối bồi thường.

Để hạn chế tình trạng này, đảm bảo an toàn hoạt động cho DN bảo hiểm, cần phải có hình thức xử lý nghiêm minh mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa.Ngoài ra thói quen đòi tiền hoa hồng khi mua bảo hiểm của các DN có vốn nhà nước, tổ chức xã hội sử dụng ngân sách nhà nước mua bảo hiểm làm cho gia tăng chi phí khai thác, tạo ra hành vi tham nhũng vẫn chưa ngăn chặn được.

 

Đổi mới hoạt động của DNBH, cách nào?

Để phát triển bền vững, các DN bảo hiểm cần lấy khách hàng là trung tâm, mọi hoạt động đều phải hướng về khách hàng.

Gần đây, đã có nhiều DN bảo hiểm tách khai thác, giám định, bồi thường thành những bộ phận riêng biệt như mô hình tổ chức tiên tiến nước ngoài, nhưng mô hình này chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Nước ngoài bán bảo hiểm phi nhân thọ chủ yếu qua đại lý và môi giới không thay đổi điều kiện, điều khoản, biểu phí bảo hiểm.

Cách làm này sẽ làm cho bộ phận giám định bồi thường giải quyết công việc một cách máy móc, vô cảm, xa rời khách hàng và dẫn đến bộ phận khai thác không tái tục được hợp đồng.

Chừng nào cán bộ nhân viên trực tiếp bán bảo hiểm cho khách hàng còn chiếm tỷ trọng doanh thu lớn thì chừng đó còn cần phải quản lý trách nhiệm từ khai thác, giám định bồi thường đến tái tục hợp đồng, sao cho hiệu quả có lãi, phòng chống trục lợi bảo hiểm.

Các chính sách chăm sóc khách hàng, giảm phí bảo hiểm khi tái tục hợp đồng nhiều năm liên tục, thưởng cho khách hàng nhiều năm không để xảy ra tổn thất, trợ cấp một phần kinh phí cho khách hàng làm công tác đề phòng hạn chế tổn thất, hỗ trợ nhân đạo khi khách hàng bị thiệt hại không thuộc phạm vi bảo hiểm là cần thiết, để xây dựng lực lượng khách hàng truyền thống của DN bảo hiểm.

Bên cạnh đó, DN bảo hiểm cần tăng năng lực cạnh tranh bằng sự khác biệt về sản phẩm. Văn hóa DN phải gắn liền với hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính, đảm bảo an toàn và lợi nhuận ngày càng cao cho DN. Tái cơ cấu tài chính, đầu tư tài chính, mạng lưới phân phối, mô hình quản trị điều hành, mô hình và phạm vi hoạt động phân cấp quản lý của chi nhánh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngoài ra, cần xây dựng và công khai minh bạch quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm, quy trình khai thác giám định bồi thường, chế độ chăm sóc khách hàng, tiếp nhận và xử lý thông tin của khách hàng, hồ sơ thủ tục yêu cầu bồi thường, phòng chống trục lợi bảo hiểm, kiểm soát và kiểm toán nội bộ để tránh sự chồng chéo nhiệm vụ, trách nhiệm của nhân viên trong công ty hoặc gây nhũng nhiễu, phiền phức cho khách hàng.

>> Phạt 100 triệu nếu DN bảo hiểm đi vay đầu tư chứng khoán

>>Bảo hiểm nhà ở, ai “bảo hiểm” cho DN bảo hiểm?

>>Tái cấu trúc DN bảo hiểm, khơi nguồn từ nội tại