Hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 200 thị trường trên toàn cầu

Hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 200 thị trường trên toàn cầu

Đòn bẩy đưa hàng Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, ký kết và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa hàng hóa sản xuất trong nước tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xuất khẩu còn dư địa tăng trưởng nhờ hệ thống FTA

Trong 7 tháng đầu năm 2023, dù chịu những “cơn gió ngược” về kinh tế, thương mại toàn cầu, nhưng quy mô xuất nhập khẩu gần chạm 375 tỷ USD, thặng dư thương mại vọt lên 15,23 tỷ USD.

Đòn bẩy đưa hàng hóa Việt Nam chinh phục hơn 200 thị trường toàn cầu chính là việc nhanh nhạy hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi các FTA, chuẩn hóa hoạt động sản xuất, nâng chất lượng hàng xuất khẩu, từ đó đa dạng thị trường, chinh phục được nhiều thị trường khó tính.

Có 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã được Việt Nam ký kết; đàm phán, ký kết và thực thi 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu.

Việt Nam hiện có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 4 đối tác chiến lược toàn diện, 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện); có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khung khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương. Từ đó, thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh và cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư.

Minh chứng là, 2022 là năm thứ bảy, Việt Nam xuất siêu với mức thặng dư gần 12 tỷ USD; 7 tháng đầu năm 2023 tiếp tục ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 15,23 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), một FTA thế hệ mới với 27 nước EU thực thi từ tháng 8/2020, đã mang lại nhiều lợi ích về cắt giảm thuế quan cho các doanh nghiệp. Trong khảo sát gần nhất, có tới hơn một nửa số doanh nghiệp tham gia cho biết được hưởng lợi từ EVFTA.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) khẳng định, các FTA mà Việt Nam tham gia đã mở cánh cửa cho doanh nghiệp tăng xuất khẩu, tận dụng lợi thế về thuế quan. Các FTA thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đàm phán, chốt đơn hàng đi các thị trường khó tính.

“Làm ăn với các thị trường lớn, tiêu chuẩn cao, doanh nghiệp phải tự nâng mình lên. Ngoài chất lượng luôn phải đảm bảo, thì nhà cung cấp cũng phải đảm bảo cả số lượng và sự liên tục, không ngắt quãng”, ông Khuê đúc kết.

Nhưng, hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều FTA cũng lộ ra nhiều vấn đề còn hạn chế cần sớm khắc phục đối với các ngành hàng xuất khẩu. Đó là giảm bớt tỷ lệ hàng hóa gia công cho nước ngoài, giảm xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm; khẩn trương xây dựng nhiều thương hiệu riêng tại thị trường nước ngoài; tăng tính chủ động về nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất…

Đơn hàng dần trở lại

Nhu cầu hàng hóa của thế giới giảm đang ảnh hưởng đến xuất khẩu. Trong 7 tháng qua, xuất khẩu giảm 10,6% so với cùng kỳ, nhưng sự suy giảm này không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà trên toàn cầu. Các cường quốc xuất khẩu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ đều đối mặt với suy giảm thương mại.

Triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong khu vực châu Á vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, khi thương mại toàn cầu ấm trở lại, kéo đơn hàng đến với Việt Nam. Lực hút đơn hàng về Việt Nam còn có sự bổ trợ đáng kể của hệ thống 16 FTA đang thực thi.

Các lĩnh vực phục hồi nhanh sẽ là điện tử, hàng hóa liên quan tới máy móc, thiết bị, đồ gỗ, dệt may, giày dép, máy tính, thủy sản...

Dù thị trường đang ảm đạm, nhưng hoạt động xúc tiến xuất khẩu, tìm kiếm đơn hàng vẫn được các doanh nghiệp thực hiện. Ngành dệt may sau chặng đường 7 tháng đối mặt với xuất khẩu giảm 15,1% (tương đương 3,35 tỷ USD), giày dép cũng giảm 17,1%, nhưng một đoàn doanh nghiệp lớn thuộc 2 ngành này vừa có chuyến tham dự Hội chợ Sourcing at Magic lần thứ 16 tại Mỹ để cập nhật xu hướng nhập khẩu và tìm khách hàng.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ cho hay: “Dù tổng cầu hàng hóa tại Mỹ giảm, nhưng theo thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC), trong 5 tháng 2023, Việt Nam vẫn là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với thặng dư thương mại đạt xấp xỉ 40 tỷ USD (chỉ sau Trung Quốc và Mexico).

Việt Nam hiện đứng thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) trong danh sách các nước xuất khẩu dệt may, da giày sang Mỹ. Mỹ giảm nhập hàng từ cả 2 thị trường và tốc độ suy giảm xuất khẩu của Việt Nam tương tự với các nước xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp.

“Tín hiệu mừng là những đơn hàng mới trong nửa cuối năm 2023 cho thấy các sản phẩm Made in Vietnam vẫn được các nhà nhập khẩu Mỹ lựa chọn đặt hàng”, ông Hưng thông tin.

Mặt hàng giày dép - từng xuất sang Mỹ hơn 9,6 tỷ USD vào năm ngoái và suy giảm xuất khẩu trong 7 tháng năm 2023 - đang dần đón nhận những dấu hiệu ấm lên của thị trường.

Nhận định tình hình thị trường cũng như dự báo triển vọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết: “Lượng hàng tồn kho tại Mỹ đã sụt giảm, tạo điều kiện cho các chuỗi phân phối bổ sung đơn hàng mới và Việt Nam tiếp tục được các tập đoàn, đối tác lớn như Nike, Sketcher… lựa chọn đặt hàng”.

Nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đa quốc gia khẳng định, Việt Nam vẫn là một thị trường trọng điểm và tiếp tục kế hoạch mở rộng đầu tư tại đây. Trong đó, việc hội nhập sâu rộng với nhiều nền kinh tế toàn cầu, ký kết nhiều FTA là một trong những sức hút kéo đầu tư của họ vào thị trường Việt Nam để đón lõng xuất khẩu.

Tin bài liên quan