Đồng đô la mạnh thúc đẩy lo ngại về nợ gia tăng ở châu Á

Đồng đô la mạnh thúc đẩy lo ngại về nợ gia tăng ở châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự sụt giảm mạnh của các đồng tiền châu Á đã làm dấy lên lo ngại trong các thị trường tài chính toàn cầu về gánh nặng nợ ngày càng gia tăng giữa các chính phủ khu vực và những doanh nghiệp đi vay.

Các quốc gia châu Á đang tăng lãi suất chính sách với tốc độ chậm hơn so với Mỹ. Điều này kết hợp với cán cân thương mại xấu đi đã khiến một số đồng tiền châu Á sụt giảm từ 10% trở lên so với đồng đô la kể từ cuối tháng 3.

Kể từ cuối tháng 3, đồng won của Hàn Quốc đã giảm 17% so với đồng bạc xanh. Đồng peso của Philippines giảm 12%. Đồng rupee của Ấn Độ giảm 10%, chìm xuống dưới mức trong cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997.

Một số đồng tiền châu Á sụt giảm so với đồng đô la

Một số đồng tiền châu Á sụt giảm so với đồng đô la

Các chính phủ và doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi thường đi vay bằng đồng đô la hoặc các đồng ngoại tệ khác. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng nợ ở Hàn Quốc, Ấn Độ và Thái Lan chiếm 70% bằng ngoại tệ. Trong khi ở Philippines, tỷ lệ này là 97%.

Nợ bằng ngoại tệ được ưu tiên hơn so với nợ bằng nội tệ vì lãi suất thường thấp hơn. Ngoài ra, nợ bằng ngoại tệ có cơ hội thu hút các nhà đầu tư tốt hơn do rủi ro ngoại hối giảm.

Các khoản tiền huy động được bằng cách phát hành trái phiếu thường được chuyển đổi thành nội tệ. Nhưng khi đến thời điểm trả nợ, đồng nội tệ cần được chuyển đổi sang đồng đô la hoặc các đồng ngoại tệ khác. Nếu đồng nội tệ yếu đi, chính phủ hoặc công ty cần phải trả nhiều hơn bằng đồng nội tệ để thanh toán nợ.

Trong bối cảnh lo ngại các nghĩa vụ nợ sẽ tăng lên, chi phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) đã tăng, những tỷ lệ này đóng vai trò là thước đo cho mối quan tâm về việc không trả được nợ.

Chi phí cho các giao dịch hoán đổi rủi ro tín dụng kỳ hạn 5 năm đối với trái phiếu chính phủ đã bắt đầu tăng lên. Tỷ lệ này ở Philippines và Indonesia lần lượt là 1,3% và 1,4%, tăng hơn gấp đôi so với cuối tháng 3 và đạt mức cao chưa từng có trong hai năm rưỡi.

Chi phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng đối với trái phiếu chính phủ Hàn Quốc đã chạm mức 0,7%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2017.

Giá hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng cũng đang tăng lên đối với các khoản trái phiếu doanh nghiệp. Mức chênh lệch đối với chỉ số hoán đổi rủi ro tín dụng bao gồm 40 công ty lớn của châu Á ngoài Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong 11 năm là 2,3%.

Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết: “Các nhà đầu tư đang đề phòng mức độ tín dụng xấu đi do đồng tiền mất giá”.

Thị trường cổ phiếu cũng có diễn biến mờ nhạt ở châu Á. Chỉ số MSCI Châu Á và Nhật Bản giảm 28% so với cuối năm 2021, so với mức giảm 18% của chỉ số MSCI thế giới.

Khi những xu hướng sụt giảm của cổ phiếu đi đôi với gánh nặng thanh toán nợ, các công ty sẽ có ít khả năng tiếp cận hơn với các nguồn vốn để đầu tư vào tăng trưởng.

Đối với các nhà đầu tư quốc tế giao dịch tài sản bằng đồng đô la, giá trị tiền tệ châu Á giảm tương đương với giảm lợi nhuận tính theo đô la.

Kota Hirayama tại SMBC Nikko Securities cho biết: “Nếu một đồng tiền được dự đoán giảm giá, các nhà đầu tư quốc tế sẽ ít sẵn sàng đầu tư vào chứng khoán châu Á hơn do lo ngại về khả năng thua lỗ tỷ giá”.

Bởi vì châu Á là trung tâm sản xuất toàn cầu, các đồng tiền yếu hơn thường dẫn đến xuất khẩu tăng và lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện, nhưng việc tăng lãi suất trên toàn thế giới đã mở ra những lo ngại về một cuộc suy thoái sẽ làm giảm hiệu quả kinh doanh.

Tại Trung Quốc, việc phong toả liên quan đến Covid cũng đã dẫn đến suy thoái kinh tế.

Các công ty công nghệ thường được biết đến là những công ty chịu nhiều ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế. Chỉ số Taiwan Capitalization Weighted Stock tập trung nhiều công ty công nghệ đã giảm 29% so với cuối năm 2021. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc đã mất 23% trong cùng thời kỳ.

Trong khi đó, áp lực giảm giá đối với tiền tệ châu Á dự kiến ​​sẽ không giảm bớt trong tương lai gần. Các thị trường hiện đang tập trung vào việc dự trữ ngoại hối đang giảm trên toàn châu Á. Dự trữ của Hàn Quốc đã giảm khoảng 12% so với mức đỉnh vào tháng 7/2021. Dự trữ ở Ấn Độ, Indonesia và Malaysia cũng đã giảm khoảng 10% so với mức đỉnh.

Dự trữ ngoại hối của Thái Lan đã giảm 30% xuống dưới mức đỉnh vào tháng 12/2020 và giảm 20% so với cuối năm 2021. Các nhà phân tích cho rằng, kết quả của việc giảm dự trữ ngoại hối là do Thái Lan can thiệp để bảo vệ đồng baht.

Dự trữ ngoại hối được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức nhất định vì những khoản tiền này cũng được sử dụng để trả nợ nước ngoài.

Mặt khác, thị trường tài chính châu Âu cũng đang lắng xuống sau khi Thủ tướng Rishi Sunak nhậm chức thủ tướng Anh. Điều này có thể dẫn đến áp lực bổ sung đối với tiền tệ châu Á.

Chiến lược gia Eiichiro Tani tại Daiwa Securities cho biết: “Các nhà đầu tư có thể đang hướng sự tập trung của việc bán tháo từ châu Âu sang châu Á”.

Tin bài liên quan