Dòng tiền đón tín hiệu vĩ mô

Dòng tiền đón tín hiệu vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tuần trước, khi TTCK vẫn trong những phiên giao dịch hào hứng với nhiều phiên tăng điểm thì lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đã thiết lập một nhịp tăng mới từ với mức tăng 1 - 1,5 điểm phần trăm, nâng lãi suất kỳ hạn 6 tháng ở nhiều ngân hàng lên mức 10 - 12%, thậm chí cao hơn với khoản gửi giá trị lớn.

Điều này đồng nghĩa mặt bằng lãi suất cho vay tăng lên khiến các doanh nghiệp chịu chi phí vốn cao nếu cần thiết phải vay để duy trì hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, cũng vào cuối tuần qua, Ngân hàng nhà nước đã có cuộc họp với ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Ông Tú còn nhấn mạnh rằng, “đó là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi… Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ''.

Cuộc họp này của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là kịp thời trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục tăng cao trước áp lực của thị trường trái phiếu, giảm tỷ lệ vốn tín dụng/vốn huy động (LDR) của các ngân hàng.

Các chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ thanh khoản cho thị trường trái phiếu, sửa đổi quy định triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% trong tuần trước cũng là các tín hiệu vĩ mô tích cực tác động tới tâm lý TTCK.

Những khó khăn ngắn hạn về thanh khoản, dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp khi siết cung tiền, áp lực đáo hạn thị trường trái phiếu, mặt bằng lãi suất cao đã được Chính phủ nhận diện và chỉ đạo tháo gỡ. Đây là điểm mấu chốt để dòng tiền trên TTCK lạc quan trở lại sau khi tìm cách thoát ra do lo sợ về đổ vỡ thanh khoản của một số doanh nghiệp niêm yết và áp lực bán giải chấp.

Mặc dù nhìn tổng thể, nền kinh tế vẫn đang tiến sâu hơn vào môi trường thắt chặt tiền tệ chống lạm phát của thế giới cũng như siết cung tiền ổn định vĩ mô của thị trường trong nước.

Mặt bằng lãi suất đang ở mức cao và trong xu hướng tăng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như giảm đầu tư mới của doanh nghiệp trong thời gian tới. Suy giảm kinh tế ở các thị trường lớn ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Tức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ít nhất 2 quý tới sẽ tiếp tục suy giảm.

Tuy nhiên, nhìn từ chiều ngược lại, định giá TTCK Việt Nam đang rẻ, rẻ nhất trong 10 năm qua. Thị trường đang ở mức đáy với nhiều cổ phiếu còn thấp hơn thời điểm Covid-19, thấp hơn định giá thị trường các nước trong khu vực từ 20-30%, nhiều cổ phiếu P/E chỉ 6 - 7 lần và P/B dưới 1 lần trong khi tăng trưởng của doanh nghiệp vẫn ở mức 2 con số dù thấp hơn với kỳ vọng trước đây… Đó là các nhận định dựa trên số liệu thông kê của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp.

Trên nền tảng định giá thị trường thấp, vĩ mô ổn định và được điều tiết linh hoạt, thị trường vẫn còn đủ câu chuyện để hấp dẫn dòng tiền. Đó là câu chuyện cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công, hưởng lợi từ sự mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc hay trên nền định giá rẻ, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp trở nên hấp dẫn khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn là điểm sáng tách biệt với những khó khăn của lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại. Cổ phiếu các ngành, lĩnh vực hưởng lợi này đã thu hút dòng tiền, trở thành điểm sáng trong nhiều phiên giao dịch.

Sóng cổ phiếu các ngành này sẽ còn tiếp diễn ít nhất trong nửa đầu năm 2023 khi các thông tin tích cực như dự báo chuyển thành hiện thực. Đây là xu thế nổi bật trên thị trường và là câu chuyện chủ đạo dẫn dắt dòng tiền trong thời gian tới mà báo Đầu tư Chứng khoán sẽ đề cập trong Tiêu điểm có chủ đề “Bắt sóng ngành” trong số báo này.

Khi niềm tin trở lại thì dù thị trường con gấu vẫn luôn có cơ hội sinh lời hiệu quả và cơ hội rất lớn khi thị trường chuyển biến, đảo chiều xu thế bởi những quyết định và biến chuyển quan trọng ở tầm vĩ mô.

Tin bài liên quan