Giao dịch chứng khoán phiên sáng 13/8: Áp lực bán gia tăng, VN-Index thủng mốc 1.350 điểm

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 13/8: Áp lực bán gia tăng, VN-Index thủng mốc 1.350 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù lực cầu gia tăng mạnh cuối phiên giúp thị trường thu hẹp biên độ nhưng với sức ép đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, dầu khí khiến VN-Index vẫn chưa tìm lại được mốc 1.350 điểm.

Sau 2 tuần tăng điểm liên tiếp, phiên ngày hôm qua (12/5) thị trường đã có phiên giảm điểm thứ 2. Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dạng ‘Shooting star’ thứ 2 với giá đóng cửa nằm dưới đường MA5 ngày, kèm thanh khoản ở mức cao là tín hiệu khá tiêu cực. Tuy vậy, nhịp giảm điểm này được coi là cần thiết để thị trường về mức cân bằng hơn sau chuỗi tăng nóng, đồng thời có thời gian tích lũy để có thể bật tăng được trong thời gian.

Nhịp giảm điểm được nối tiếp trong phiên sáng nay (13/8), thị trường vẫn mở cửa trong sắc đỏ nhưng với diễn biến phân hóa mạnh khiến chỉ số VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ và rung lắc quanh vùng giá tham chiếu.

Thị trường diễn biến rung lắc mạnh khi VN-Index có biên dao động trong phiên sáng lên tới 12 điểm từ mốc cao nhất tới mức thấp nhất. Điểm tích cực chính là mốc trong khoảng 1.350 điểm (tương ứng với Fibo 61,8% phục hồi từ vùng đáy 1.240 điểm) trở thành vùng hỗ trợ tốt, thị trường ngay cả thời điểm gần cuối phiên có lúc giảm điểm rất mạnh đều bật trở lại khu vực này.

Trong các cổ phiếu trụ, nhóm ngân hàng sau ngày giao dịch khá phân hóa hôm qua thì sáng nay có mức độ tiêu cực hơn khi đa số mã giảm điểm hoặc biến động ở mốc tham chiếu. Trong 10 mã "đóng góp" vào đà giảm điểm của VN-Index thì có tới 5 mã ngân hàng gồm VCB, BID, CTG, TCB, ACB.

VPB là điểm sáng duy nhất của nhóm này sau những thông tin tích cực được chia sẻ trong buổi trao đổi gặp gỡ nhà đầu tư tổ chức chiều qua.

Cụ thể, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết, Ngân hàng đã nộp hồ sơ xin chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 80% lên Ngân hàng Nhà nước, kỳ vọng sẽ nhận được phê duyệt trong tháng 8. Sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, VPBank sẽ chọn ngày chốt quyền rất nhanh, dự kiến trong tháng 9. Như vậy, việc ngân hàng tăng vốn sẽ được thực hiện ngay trong tháng 9 tới.

Bên cạnh đó, theo thỏa thuận đã ký với đối tác Nhật Bản, trong tháng 9, VPBank sẽ nhận được khoản tiền bán 49% vốn tại FE Credit.

Sau gần 1 giờ giao dịch, cổ phiếu VPB là cổ phiếu tăng tốt nhất của nhóm ngân hàng khi ghi nhận mức tăng 2,3%, tạm đứng tại mức giá 63.300 đồng/CP và cũng là một trong những mã đang giao dịch sôi động nhất với hơn 5 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Bên cạnh đó, cổ phiếu lớn VHM cũng là một trong những động lực hỗ trợ chính cho những nhịp hồi của thị trường. VHM sau phiên tăng tích cực hôm qua thì sáng nay tiếp tục là động lực chính giữ chỉ số không giảm sâu với mức có vượt 2% ở vùng giá 120.000 đồng/CP.

Nhóm được chú ý phiên ngày hôm qua là bất động sản, xây dựng bước sang phiên sáng nay đã hạ nhiệt. Điển hình như DIG đảo chiều giảm trên dưới 2%, các mã khác như HBC, HTN, FCN, CII, LCG, DPG… cũng chỉ còn sắc xanh.

Một điểm đáng tích cực khác là sau 2 phiên “nghỉ ngơi”, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đang có dấu hiệu khởi sắc trong phiên sáng nay. Cụ thể, các mã đầu ngành như SSI, HCM, VND, VCI đang tăng trên dưới 3% và các cổ phiếu top dưới cũng đang đồng loạt lấy lại sắc xanh. Đây sẽ là tín hiệu tích cực giúp nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm trở lại xu hướng tăng.

Áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Dù lực cầu nhập cuộc khá tích cực giúp thị trường dần thu hẹp biên độ nhưng trước sức ép đến từ các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, bảo hiểm, dầu khí... khiến VN-Index không thể lấy lại mốc 1.350 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 96 mã tăng và 267 mã giảm, VN-Index giảm 4,99 điểm (-0,37%) xuống 1.348,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 391 triệu đơn vị, giá trị 12.784,71 tỷ đồng, giảm 9,24% về khối lượng nhưng tăng 2,12% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp xấp xỉ 9 triệu đơn vị, giá trị 491,97 tỷ đồng.

Sắc đỏ bao trùm diện rộng nhóm cổ phiếu tài chính và bảo hiểm như VCB, TCB, BID, MBB, ACB, STB, SSB, MSB… hay BVH, BIC, MIG đều giảm trên dưới 1%, ngoại trừ điểm sáng VPB vẫn giữ mức tăng khá tốt.

Tạm chốt phiên sáng nay, cổ phiếu VPB giữ mức tăng 1,94% và đứng tại mức giá 63.100 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, gần bằng cả phiên hôm qua với 9,46 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản, bên cạnh VIC, VRE xanh nhạt, cổ phiếu đầu ngành là VHM dù có chút hạ độ cao nhưng vẫn là một trong những má phanh giúp thị trường bớt giảm sâu. Chốt phiên sáng, cổ phiếu VHM tăng 1,97% lên mức 119.300 đồng/CP.

Tuy nhiên, nhiều mã trong nhóm này đã không thoát khỏi xu hướng chung của thị trường và quay đầu điều chỉnh sau phiên tăng vọt hôm qua như DIG, NLG, LCG, IJC, FCN…

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng thu hẹp đà tăng về cuối phiên, trong đó các mã lớn như SSI, HCM, VCI, VND, SHS tăng trên dưới 2%, các mã khác như AGR, APG, BSI, BVS, MBS… cũng chỉ còn nhích nhẹ.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục mất điểm, với GAS giảm 2% xuống 92.600 đồng/CP, PLX giảm 1,7% xuống 52.100 đồng/CP, PVD giảm 2,3% xuống 19/200 đồng/CP…

Ngoài ra, nhiều mã lớn trong nhóm sản xuất, công nghệ thông tin, bán lẻ như HPG, MSN, VNM SAB, VJC, FPT, MWG… cũng dừng chân trong sắc đỏ.

Ở nhóm cổ phiếu vận tải biển cũng đồng loạt giảm, trong đó, HAH có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp và chốt phiên sáng nay dư bán sàn gần 3 triệu đơn vị.

Về thanh khoản, cổ phiếu HPG giao dịch sôi động nhất với 12,46 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo đó là STB và SSI cùng khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhận tín hiệu giảm mạnh từ sàn HOSE, chỉ số HNX-Index đã cắm đầu đi xuống nhưng cũng thu hẹp đà giảm về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 51 mã tăng và 135 mã giảm, HNX-Index giảm 1,08 điểm (-0,32%) xuống 333,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 84,22 triệu đơn vị, giá trị 1.943,92 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,6 triệu đơn vị, giá trị 38 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí PVS tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp khi chốt phiên để mất 2,6% xuống mức 25.800 đồng/CP, nhưng thanh khoản vượt trội, đạt 11,21 triệu đơn vị, vượt xa giao dịch trong cả phiên hôm qua.

Bên cạnh đó, dòng bank cũng kém tích cực với NVB tạm dừng chân ở mốc tham chiếu, còn SHB và BAB điều chỉnh nhẹ.

Cổ phiếu chứng khoán vẫn là điểm sáng thị trường dù biên độ đã giảm so với đầu phiên, trong đó VND ghi nhận mức tăng 2% lên 50.600 đồng/CP và khớp 5,17 triệu đơn vị, các mã SHS, MBS, BVS, APS, BSI… tăng nhẹ trên dưới 1%.

Đáng chú ý, một cổ phiếu thuộc nhóm xây dựng là BCC đã chịu áp lực bán chốt lời mạnh sau 4 phiên tăng mạnh liên tiếp, trong đó có tới 3 phiên tăng trần. Dù mở cửa vẫn nhích nhẹ nhưng lực bán dần gia tăng khiến BCC đảo chiều và chốt phiên sáng nay giảm 9,6% xuống mức giá sàn 14.200 đồng/CP, nhưng thuộc top 5 mã thanh khoản tốt nhất sàn HNX, đạt 3,24 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng giao dịch tiêu cực hơn trong nửa cuối phiên sáng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,65 điểm (-0,7%) xuống 91,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 91,9 triệu đơn vị, giá trị 1.278,19 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,4 triệu đơn vị, giá trị 22,83 tỷ đồng.

Nằm trong xu hướng chung của nhóm dầu khí, thông tin Công ty đối diện rủi ro không còn sức tồn chứa, nguy cơ phải dừng nhà máy khiến BSR giảm khá mạnh trong phiên sáng nay. Chốt phiên, BSR giảm 6% xuống mức giá 18.700 đồng/CP nhưng vẫn dẫn đầu thanh khoản với 26,95 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu OIL cũng giảm 3% xuống mức 12.800 đồng/CP và khớp gần 1,5 triệu đơn vị.

Dòng bank trên UPCoM cũng giao dịch không mấy khả quan với BVB, ABB, VAB, NAB, PGB đều mất điểm.

Mặt khác, cổ phiếu dệt may VGT vẫn kéo dài chuỗi ngày tăng. Chốt phiên VGT tăng 3,3% lên mức 18.900 đồng/CP và khớp 4,25 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan