Giao dịch chứng khoán phiên sáng 3/8: VIC, MSN kéo VN-Index tăng vọt

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 3/8: VIC, MSN kéo VN-Index tăng vọt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VIC bỗng dưng bùng nổ giữa phiên sáng khi được kéo lên mức giá trần, kết hợp với MSN đang mức giá đỏ chuyển sang xanh khiến VN-Index bất ngờ kéo thẳng đứng giữa phiên sáng nay, vượt ngưỡng kháng cự 1.320 điểm.

Thị trường tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ thanh khoản và tâm lý giao dịch tích cực, cũng như sức bật mạnh mẽ của cổ phiếu lớn VIC sau thông tin về việc nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19.

Trong phiên hôm qua, thị trường giao dịch tích cực cả về điểm số và thanh khoản từ sớm, tuy nhiên khi VN-Index gặp ngưỡng kháng cự 1.320 điểm trong phiên chiều đã giảm trở lại với tốc độ khá nhanh. Dù vậy, lực cầu tích cực giúp chỉ số không giảm mạnh về ngưỡng 1.300 điểm, mà kịp trở lại khi về gần ngưỡng 1.310 điểm.

Điểm tích cực nhất là thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức tốt với gần 20.000 tỷ đồng giao dịch trên sàn HOSE. Giá trị giao dịch cao trong nhịp phục hồi là tín hiệu tốt cho thấy lực cầu khá vững.

Dòng tiền lớn có dấu hiệu trở lại thị trường sau thời gian đứng ngoài quan sát khi thị trường điều chỉnh và tích luỹ.

Có thể thấy, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm đến thị trường khi Việt Nam đang đẩy mạnh tiêm vắc-xin và dòng tiền lớn này được kỳ vọng có thể giúp VN-Index bật về vùng 1.350-1.370 điểm.

Điều này được thể hiện rõ trong phiên giao dịch sáng nay 3/8. Ngay khi bước vào giao dịch sáng, dòng tiền đã chảy mạnh, giúp sắc xanh lan rộng trên bảng điện tử với nhiều mã cổ phiếu có sức bật tốt, kéo VN-Index tăng vọt hơn 16 điểm lên trên 1.330 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Trong đó, đáng kể nhất là VIC khi có lúc tăng vọt lên mức giá trần 115.000 đồng, hai cổ phiếu liên quan khác là VRE và VHM cũng tăng hơn 2%.

Thông tin mới nhất liên quan đến VIC là việc Vingroup đã nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin mRNA phòng Covid-19 từ Công ty Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ). Hiện Vingroup đang gấp rút tìm kiếm, tuyển dụng nhiều vị trí cho nhà máy sản xuất vắc-xin, với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm.

Ngoài ra, một thông tin đáng chú ý khác là Tập đoàn Vingroup vừa đàm phán thành công đơn hàng đặc biệt - 500.000 lọ Remdesivir, thuốc điều trị Covid-19 được FDA Mỹ cấp phép. Toàn bộ số thuốc sẽ được trao tặng cho Bộ Y tế ngay trong tháng 8/2021, nhằm góp phần đẩy nhanh phục hồi cho bệnh nhân Covid-19.

Thông tin về việc sản xuất vắc xin và nhập thuốc chữa trị Covid-19 của Vingroup không chỉ giúp cổ phiếu họ nhà Vin được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, hồ hởi mua vào, mà còn có tác động tích cực tới cả toàn thị trường.

Còn với Masan, cổ phiếu MSN có sự điều chỉnh giảm đầu phiên nhưng sau đó cũng được kéo mạnh lên độ cao mới trên 138.000 đồng/CP.

Bộ đôi có vốn hóa hàng đầu thị trường này khiến VN-Index được kéo dựng lên, thời điểm 10h30 tăng trên 15 điểm đạt mốc 1.331 điểm. Việc chỉ số tăng dựng lên bởi một vài mã trụ đã tạo hiệu ứng ngược, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường điều chỉnh vì tăng quá nóng và đẩy bán ra, số mã tăng gần 200 mã đầu phiên đã giảm xuống còn hơn 160 mã vào thời điểm 10h42.

Trên bảng điện tử, ngoài nhóm cổ phiếu Vingroup hút sự chú ý, thì nhóm cổ phiếu họ FLC cũng đang nóng dần, khi ROS, FLC nhích trên dưới 4%, còn AMD và HAI còn giữ sắc tím từ rất sớm.

Vào nửa cuối phiên khi VIC hạ độ cao vì gặp áp lực chốt lời, VN-Index đã giảm điểm về sát ngưỡng 1.320 điểm. Điểm sáng duy nhất của VIC khi tăng giá trần có lẽ nằm ở điểm này khi giúp VN-Index phá ngưỡng kháng cự 1.320 điểm dễ dàng và biến ngưỡng này thành ngưỡng hỗ trợ cho chỉ số.

Áp lực bán khá mạnh đã kéo độ rộng thị trường về mức cân bằng, ngay cả ở các bluechip, nhưng nhờ đà tăng được giữ vững ở nhóm cổ phiếu Vingroup đã giúp VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng khá khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 179 mã tăng và 178 mã giảm, VN-Index tăng 9,33 điểm (+9,71%), lên 1.323,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 383,2 triệu đơn vị, giá trị 12.749 tỷ đồng, tăng 12% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 17,3 triệu đơn vị, giá trị 707,8 tỷ đồng.

Bộ ba cổ phiếu nhà Vin là động lực chính cho chỉ số với VIC tuy để mất sắc tím, nhưng vẫn tăng mạnh +6,1% lên 141.100 đồng, khớp hơn 5,45 triệu đơn vị, VHM +2,2% lên 110.500 đồng, khớp hơn 8,2 triệu đơn vị, VRE +2,2% lên 28.100 đồng, khớp 5,24 triệu đơn vị.

Phần còn lại ở nhóm bluechip phân hóa và biến động trong biên độ hẹp với mức tăng, giảm chỉ trên dưới 1%, trong đó, TCB +1,2% lên 51.400 đồng, NVL +1,1% lên 105.700 đồng, MBB +1% lên 29.100 đồng là các mã tăng tốt nhất. Còn VCB, BVH, HDB, VNM, SAB, VJC, PDR, STB chỉ tăng nhẹ.

Giảm điểm mạnh nhất là ACB, nhưng cũng chỉ -1% xuống 35.200 đồng, BID -0,9% xuống 42.150 đồng.

Thanh khoản HPG cao nhất với hơn 14,3 triệu đơn vị và mã này giảm nhẹ 0,2% xuống 47.150 đồng. Hai mã ngân hàng STB và TCB khớp hơn 13,2 triệu đơn vị, CTG khớp 11,3 triệu đơn vị, MBB khớp 10,39 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các cổ phiếu họ FLC giữ mức tăng tốt với ROS +3,8% lên 5.200 đồng, FLC +2,8% lên 11.200 đồng và AMD cùng HAI giữ sắc tím khi đến khi kết phiên, trong đó, ROS khớp lệnh cao nhất với hơn 10,38 triệu đơn vị, còn HAI dư mua giá trần hơn 3,65 triệu đơn vị.

Một số mã nhỏ khác như TSC, DAH, VOS cũng đã tăng kịch trần, với TSC khớp hơn 3 triệu đơn vị, dư mua giá trần hơn 1,05 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác có mức tăng khá cao như HDG +4,4% lên 55.100 đồng, CKG +5,5% lên 18.350 đồng, BCG +3,8% lên 13.650 đồng, SZC +4,6% lên 42.450 đồng, DPG +3,1% lên 35.250 đồng.

Ngược lại, HSG, HNG, DCM, NKG, KBC, PVD, GMD, HCM chìm trong sắc đỏ, nhưng phần lớn mức giảm cũng không lớn, trừ HNG -3,6% xuống 7.180 đồng. Trong đó, khớp lệnh HSG vượt trội với hơn 11,39 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chớm đỏ khi mở cửa, sau đó cũng tích cực dần lên và cũng chịu nhịp giảm tương đối mạnh ở những phút cuối, nhưng vẫn giữ được sắc xanh khi kết phiên.

Chốt phiên, sàn HNX Có 63 mã tăng và 106 mã giảm, HNX-Index tăng 0,44 điểm (+0,14%), lên 315,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 63,33 triệu đơn vị, giá trị 1.484,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Cổ phiếu tâm điểm vẫn là NVB, khi vượt trội so với phần còn lại, khi đã có lúc vọt lên mức giá trần, trước khi kết phiên +6,9% lên 26.400 đồng, khớp hơn 3,59 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu lớn khác nhích lên đáng kể chỉ còn CEO +2,4% lên 8.500 đồng, PLC +4,3% lên 29.200 đồng, và các mã nhỏ KLF +5,4% lên 3.900 đồng, ART +2,3% lên 8.800 đồng.

Trong khi đó, PVS giảm 1,6% xuống 24.500 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với hơn 7,3 triệu đơn vị, SHS -0,5% xuống 41.700 đồng, MBS -0,7% xuống 28.800 đồng, còn BSI, LAS, và SHB đứng tham chiếu.

Hai tân binh DXS và KHG đều giảm mạnh. Theo đó, DXS -3,5% xuống 25.000 đồng, KHG -3% xuống 15.900 đồng, khớp lệnh cả hai gần 0,7 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giằng co quanh tham chiếu trong suốt cả phiên và tạm nghỉ dưới sắc đỏ.

Ở các cổ phiếu giao dịch sôi động nhất, BSR -1,6% xuống 18.900 đồng, khớp 7,92 triệu đơn vị, LTG -3,8% xuống 38.200 đồng và VGT đứng tham chiếu.

Ngược lại thì hai mã ngân hàng BVB +3,1% lên 19.800 đồng và ABB +1,4% lên 21.000 đồng.

Đáng chú ý nhất là VCW của CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà, khi bất ngờ có khối lượng giao dịch đột biến so với nhiều tháng trở lại đây với gần 1,26 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu tăng vọt 13,5% lên 45.400 đồng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,22%), xuống 87,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,1 triệu đơn vị, giá trị 787 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,19 triệu đơn vị, giá trị 4 tỷ đồng.

Tin bài liên quan