Giao dịch chứng khoán sáng 7/7: Cổ phiếu VND chưa "thoát nạn", cổ phiếu VCG bất ngờ nổi sóng

Giao dịch chứng khoán sáng 7/7: Cổ phiếu VND chưa "thoát nạn", cổ phiếu VCG bất ngờ nổi sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường rung lắc và biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu trong phiên sáng 7/7 bởi tâm lý nhà đầu tư thận trọng giao dịch thăm dò. Trong khi đó, cổ phiếu VCG bất ngờ nổi sóng lớn.

Sau 3 phiên giao dịch mở màn cho tháng 7 khá thuận lợi, đi ngược với chu kỳ giảm mạnh của thị trường trong tháng 7 của các năm trước đó, chỉ số VN-Index đột ngột gặp áp lực bán gia tăng mạnh và quay đầu giảm điểm trong phiên 6/7 bởi những tin đồn chưa được kiểm chứng.

Chỉ số VN-Index đóng cửa với mẫu nến Bearish Engufling giảm điểm với thanh khoản tăng mạnh cho thấy tín hiệu chốt lời ngắn hạn gia tăng. Tuy nhiên, việc giảm điểm khi kiểm tra lại vùng đỉnh cũ này xảy ra không quá bất ngờ, là hệ quả của việc phục hồi với thanh khoản thấp trong những phiên giao dịch trước đó.

Với diễn biến như hiện tại, giới phân tích cho rằng VN-Index có xu hướng test lại ngưỡng hỗ trợ 1.120 điểm và khả năng sẽ tiếp tục hình thành nền tảng tích lũy mới để chuẩn bị cho nỗ lực bứt phá hướng tới ngưỡng kháng cự 1.150 điểm trong thời gian tới.

Quay lại phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 7/7, áp lực bán không quá lớn nhưng lan rộng thị trường khiến VN-Index tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ. Cùng diễn biến chững lại của thị trường, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư cũng khiến thanh khoản vẫn ở mức khá thấp.

Sau hơn 1 giờ mở cửa rung lắc nhẹ, hiện chỉ số VN-Index đang đứng dưới mốc tham chiếu với mức giảm chưa tới 2 điểm, dù sắc đỏ đang chiếm áp đảo, gấp 2,5 lần số mã tăng.

Tâm điểm đáng chú ý của thị trường vẫn là cổ phiếu VND. Tin đồn chưa được kiểm chứng khiến VND đã lao dốc mạnh trong phiên hôm qua ngày 6/7 - dù nhận được lực cầu bắt đáy khá lớn khiến thanh khoản tăng đột biến lên tới hơn 100 triệu cổ phiếu, đóng góp khoảng 2.000 tỷ đồng vào thanh khoản thị trường - cổ phiếu này tiếp tục giảm mạnh trong phiên sáng nay, thậm chí có thời điểm giảm về sát giá sàn.

Hiện VND đang giảm trong biên độ 3-4%, với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường, đạt hơn 23,86 triệu đơn vị.

Đà giảm của VND tiếp tục lan rộng toàn ngành khi không có mã nào có được sắc xanh, ngoại trừ một số mã như CTS, TVB giữ được mốc tham chiếu.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu trụ cột chính là ngân hàng đang nỗ lực để giúp thị trường lấy lại thăng bằng khi mã đầu ngành là VCB đang tăng nhẹ. Ngoài ra, một số mã khác như SHB, LPB, VPB, STB cũng đang giao dịch khởi sắc.

Một trong những nhóm giao dịch ngược dòng thị trường chung là nhóm đầu tư công, trong đó điểm sáng là cổ phiếu VCG không ngừng nới rộng biên độ tăng nhờ lực cầu hấp thụ mạnh. Hiện VCG đang tăng 4,5% và lập đỉnh mới trong năm 2023 với thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường.

Lực cầu gia tăng về cuối phiên đã giúp thị trường khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, thị trường trong trạng thái xanh vỏ đỏ lòng bởi áp lực bán vẫn chiếm ưu thế.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 157 mã tăng và 216 mã giảm, VN-Index tăng 2,01 điểm (+0,18%) lên 1.128,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 372,1 triệu đơn vị, giá trị 7.516,29 tỷ đồng, tăng 45,75% về khối lượng và 35,36% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 23,08 triệu đơn vị, giá trị 705,93 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng hồi phục nhẹ khi tăng % với trạng thái phân hóa khi có mã tăng và mã giảm. Trong đó, các mã tăng tốt là GVR, MWG, VCB, GAS, STB cùng tăng hơn 1%; ngược lại chỉ duy nhất POW giảm hơn 1%.

Điểm sáng trên thị trường vẫn là mã VCG với thanh khoản vẫn đứng ở vị trí thứ 4 của thị trường, đạt 13,48 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 3,5% lên mức 22.000 đồng/CP, đây cũng là mã giá cao nhất của cổ phiếu này trong nửa đầu năm 2023.

Xét về nhóm ngành, nhóm thủy sản vươn lên vị trí dẫn đầu khi hầu hết đều tăng tốt, ngoại trừ duy nhất AAM giảm nhẹ chưa tới 0,5%. Cụ thể, VHC tăng hơn 3%, ACL, FMC đều tăng hơn 1%, ANV tăng 2,2%, CMX tăng hơn 2%, IDI tăng 3,3%...

Nhóm ngân hàng vẫn giữ mức tăng nhẹ nhờ anh cả VCB tăng 1,2%, ngoài ra, STB cũng tăng hơn 1%. Đáng chú ý là cặp SHB và LPB tăng tốt nhất ngành trong biên độ trên dưới 2% với thông tin Ngân hàng tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông chia cổ tức.

Ở chiều ngược lại, nhóm chứng khoán thu hẹp đà giảm nhờ sự hồi phục sắc xanh của một số mã như VDS, FTS; cùng các mã SSI, VCI lấy lại mốc tham chiếu. Cổ phiếu VND vẫn bị bán mạnh và chốt phiên giảm 3,9% xuống mức 17.350 đồng/CP, dù nhận lực lực cầu khá tốt khi tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 29,95 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên sàn HNX, thị trường cũng nhận được “tín hiệu” xanh nhờ sự hồi phục tích cực của nhóm HNX30.

Chốt phiên, sàn HNX có 59 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index tăng 0,07 điểm (+0,03%) lên 225,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 43,24 triệu đơn vị, giá trị 757,93 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,54 triệu đơn vị, giá trị 53,7 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, cổ phiếu DTD sau diễn biến rung lắc đầu phiên đã kéo trần thành công nhờ lực cầu tăng mạnh. Chốt phiên, DTD tăng 9,8% lên mức giá trần 33.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn thứ 5 trên thị trường, đạt 1,97 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,17 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã tăng tốt khác trong nhóm này có LAS tăng 3,5%, VCS tăng 3,2%, NTP tăng 2,2%, TNG tăng 2%, IDC tăng 1,2%...

Tuy nhiên, cổ phiếu CEO dẫn đầu thanh khoản thị trường với xấp xỉ 7,7 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm 4,3% xuống mức thấp nhất trong phiên sáng 22.100 đồng/CP.

Tiếp theo đó, SHS khớp 7,2 triệu đơn vị và chốt phiên giảm nhẹ 0,7% xuống 13.500 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì trong trạng thái giảm nhẹ trong suốt cả phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,44 điểm (-0,51%), xuống 84,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,35 triệu đơn vị, giá trị 261,12 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,71 triệu đơn vị, giá trị 57,56 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhỏ BII nằm sàn 1.100 đồng/CP, nhưng có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 2,68 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Tâm điểm đáng chú ý là VGI tăng 5,7% lên mức 25.800 đồng/CP cùng giao dịch sôi động với hơn 1,99 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tin bài liên quan