Giới đầu tư lại bán tháo cổ phiếu

Giới đầu tư lại bán tháo cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall lao dốc trong phiên ngày thứ Ba (28/6) khi dữ liệu về niềm tin người tiêu dùng sụt giảm nghiêm trọng làm suy yếu sự lạc quan của nhà đầu tư và dấy lên lo lắng về suy thoái kinh tế.

Theo The Conference Board, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm từ 103,2 điểm trong tháng 5 xuống 98,7 điểm trong tháng 6, thấp hơn so với dự báo 100 điểm từ Dow Jones.

Dữ liệu yếu kém được đưa ra khi lo ngại về suy thoái ngày càng tăng gần đây, do Fed cố gắng đối phó với lạm phát gia tăng bằng việc nâng lãi suất quyết liệt hơn.

Phiên này, Chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm khoảng 2% và 3%, trong đó, các gã khổng lồ công nghệ tác động mạnh nhất với Apple mất 3%, Microsoft giảm 3,2% và Amazon.com giảm hơn 5,1%.

Cổ phiếu các công ty sản xuất chip cũng lao dốc, với Nvidia giảm 5,3%, AMD giảm 6,2%, Qualcomm giảm 3,5%.

Mười trong số 11 phân ngành chính trong S&P 500 đóng cửa mất điểm, trong đó, nhóm cổ phiếu tiêu dùng giảm sâu nhất khi mất hơn 4%, còn năng lượng là nhóm tăng giá duy nhất, nhích 2,7% được hưởng lợi từ giá dầu thô tăng.

Chỉ còn hai ngày nữa là đến cuối tháng và kết thúc quý thứ hai, chỉ số S&P 500 đang trên đà ghi nhận mức giảm trong 6 tháng đầu năm mạnh nhất kể từ năm 1970.

Peter Tuz, Chủ tịch của Chase Investment Counsel ở Charlottesville, Virginia, cho biết: “Thị trường hôm nay vẫn ổn cho đến khi con số niềm tin của người tiêu dùng được công bố. Nó yếu và thị trường ngay lập tức bắt đầu bán tháo”.

Dù vậy, Tom Hainlin, Chiến lược gia đầu tư quốc gia tại US Bank Wealth Management ở Minneapolis, Minnesota lại có quan điểm khác khi nhận định, với rất ít chất xúc tác cho thị trường và giới đầu tư chuẩn bị cho kỳ nghỉ Quốc khánh Mỹ ngày 4/7 tới gần, việc bán tháo phiên này không thể đổ lỗi hoàn toàn cho báo cáo Niềm tin người tiêu dùng.

Kết thúc phiên 28/6, chỉ số Dow Jones giảm 491,27 điểm (-1,56%), xuống 30.946,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 78,56 điểm (-2,01%), xuống 3.821,55 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 343,01 điểm (-2,98%), xuống 11.181,54 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, khi khẩu vị rủi ro được cải thiện sau khi Trung Quốc nới lỏng quy định kiểm dịch Covid-19, trong khi giá dầu tăng đã tạo thêm động lực cho các cổ phiếu năng lượng.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,27% lên 416,19 điểm, tăng phiên thứ ba liên tiếp.

Ngành dầu khí của châu Âu tăng 2% do các nhà sản xuất lớn là Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất dường như không thể tăng đáng kể sản lượng.

Tại Trung Quốc, các cơ quan y tế cho biết nước này sẽ giảm một nửa thời gian cách ly Covid-19 đối với du khách từ nước ngoài xuống còn 7 ngày, và thời gian ở theo dõi thêm tại nhà giảm xuống 3 ngày.

Đây là động thái mới nhất trong một loạt việc nới lỏng dần các hạn chế Covid-19 đã bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc và củng cố hy vọng về sự hồi sinh nhu cầu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nước tiêu thụ kim loại hàng đầu.

Các ngân hàng có thị trường lớn ở châu Á như HSBC và Standard Chartered nằm trong số những ngân hàng tăng mạnh nhất cho STOXX 600, trong khi cổ phiếu của hàng xa xỉ LVMH và Richemont, vốn có doanh thu lớn ở Trung Quốc lần lượt tăng 0,8% và 1,5%.

Kết thúc phiên 28/6: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 65,09 điểm (+0,90%), lên 7.323,41 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 45,75 điểm (+0,35%), lên 13.231,82 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 38,71 điểm (+0,64%), lên 6.086,02 điểm.

Tin bài liên quan