Giữ quy định tổ chức tín dụng được can thiệp sớm chỉ căn cứ vào lỗ lũy kế là 15%

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận chiều 23/11 chỉnh lý 158 điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ sáu, chiều 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 203 điều (tăng 2 chương và 8 điều, trong đó sửa đổi, chỉnh lý 158 điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).

Về một số nội dung cụ thể, ông Thanh cho hay, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Dự thảo chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, trong đó điều chỉnh quy định về người có liên quan phù hợp với loại hình quỹ tín dụng nhân dân; điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm) và quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động.

Trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng là những quy định còn có nhiều ý kiến khác nhau, theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh.

Về áp dụng can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 156), một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi một cách kỹ lưỡng đối với các quy định liên quan đến can thiệp sớm, quản trị rủi ro ngân hàng; quy định can thiệp sớm như dự thảo Luật vẫn là chậm.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng sớm hơn, cụ thể, đối với trường hợp lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm là 20%), vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm là 3 tháng liên tục).

Đối với phương án thiết kế nội dung về can thiệp sớm trong trường hợp lỗ lũy kế và rút tiền hàng loạt, có 2 phương án.

Phương án 1: Giữ quy định tổ chức tín dụng được can thiệp sớm chỉ căn cứ vào lỗ lũy kế là 15%, không kết hợp thêm các điều kiện khác để tránh trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể có lỗ lũy kế cao nhưng không được cảnh báo, xử lý kịp thời; bỏ trường hợp rút tiền hàng loạt do đây là trường hợp nhiều người gửi tiền cùng rút tiền, dẫn đến tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả hoặc có nguy cơ mất khả năng chi trả, thuộc trường hợp được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt theo Luật hiện hành. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định phù hợp với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Phương án 2: Kết hợp tiêu chí lỗ lũy kế và tiêu chí vi phạm tỷ lệ bảo đảm an toàn như ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 612/BC-CP vì có một số trường hợp tổ chức tín dụng có lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị vốn điều lệ, vốn được cấp, nhưng tổ chức tín dụng này đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến lỗ (như tăng vốn, giảm đầu tư) và bảo đảm tỷ lệ bảo đảm an toàn; giữ quy định về rút tiền hàng loạt.

Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1, ông Thanh nêu rõ.

Về áp dụng kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng cũng đang còn 2 phương án.

Phương án 1, ngân hàng được đặt ngay vào diện bị kiểm soát đặc biệt khi có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và quỹ dự trữ. Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà ngân hàng không khắc phục được tình trạng cần can thiệp sớm.

Theo phương án này, Ngân hàng Nhà nước xét thấy tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có khả năng phục hồi theo phương án khắc phục, và tổ chức tín dụng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.

Cơ quan quản lý xem xét, quyết định đặt vào kiểm soát đặc biệt với trường hợp mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 6 tháng liên tục; xếp hạng yếu kém trong 2 năm liên tục. Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận xét, phương án này sẽ bảo đảm tính răn đe, bao quát các trường hợp từ can thiệp sớm đến kiểm soát đặc biệt gắn với mức độ kỷ luật thị trường tăng dần. Tức là, ngân hàng có lỗ lũy kế hơn 15% giá trị vốn điều lệ sẽ đặt vào can thiệp sớm; lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ sẽ xem xét, quyết định đặt vào kiểm soát đặc biệt và lỗ trên 100% giá trị của vốn điều lệ phải đặt ngay vào kiểm soát đặc biệt.

Phương án 2, giữ quy định ngân hàng xem xét, quyết định các trường hợp đặt vào kiểm soát đặc biệt, trong đó có trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt và có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và quỹ dự trữ sẽ bị áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt để xử lý những vấn đề phát sinh chưa có quy định hoặc phải áp dụng biện pháp cần thiết khác mà chưa dự liệu được ở thời điểm hiện tại để đảm bảo an toàn hệ thống. Chính phủ nhất trí với phương án này và cho rằng việc đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt nên được xem xét, cân nhắc trên nhiều yếu tố khác nhau. Việc quy định “cứng” ngay lập tức đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt cần được cân nhắc thận trọng.

Tuy nhiên, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí phương án 1. Nhưng trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ đề xuất cụ thể các trường hợp can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, thuyết minh các trường hợp và đánh giá tác động cụ thể hơn.

Về hỗ trợ chi trả tiền gửi cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, hiện Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa có quy định. Vì thế, Ủy ban Thường vụ cho hay, đa số ý kiến đồng thuận bổ sung quy định về việc các ngân hàng được vay đặc biệt tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Với quy định cho vay đặc biệt, ông Thanh nói, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu các ý kiến đại biểu theo hướng, bỏ các nội dung liên quan đến ngân hàng được vay đặc biệt tổ chức bảo hiểm tiền gửi, ngân hàng khác; Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Thay vào đó, ngân hàng được vay đặc biệt các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng có thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt lãi suất 0%/năm với các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, do đây là trường hợp sử dụng gián tiếp nguồn lực của Nhà nước trong trường hợp đặc biệt để bảo đảm an toàn hệ thống, ông Thanh báo cáo.

Tin bài liên quan