Theo chủ trương của Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp tư nhân đã được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, theo Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2% khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Đây là các nội dung quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc lớn của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, gồm nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, đang hạn hẹp nguồn lực, khó khăn khi vay vốn, nhất là nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực chi phí cao, dài hạn.
Chia sẻ tại tọa đàm “Gỡ điểm nghẽn thể chế - Khơi thông nguồn lực tư nhân”, do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM tổ chức ngày 27/5, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho rằng, cơ chế hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp nhỏ, đổi mới sáng tạo và ESG là rất cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai vẫn còn nhiều rào cản, cả từ phía ngân hàng lẫn doanh nghiệp.
“Việt Nam đã từng có hai đợt hỗ trợ lãi suất trước đó, nhưng do thủ tục phức tạp và áp lực hậu kiểm nên nhiều ngân hàng và doanh nghiệp đều e ngại tham gia,” ông Phát thẳng thắn nhìn nhận và cho rằng, chính sách 2% là chưa đủ, cần thêm các giải pháp đồng bộ: cắt giảm thủ tục hành chính, số hóa quy trình cấp tín dụng và xây dựng chi tiết hơn về khung tín dụng xanh.
Các ngân hàng tư nhân hiện đã chủ động đưa ra các gói vốn ưu đãi, vốn xanh và nguồn lực trong nước dồi dào, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp nếu cơ chế được tháo gỡ. Hiện ACB đang phục vụ hơn 1 triệu doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh cá thể – những thành phần nhạy bén nhưng cũng dễ bị tổn thương trước những thay đổi về thị trường và chính sách.
“Là một ngân hàng tư nhân, chúng tôi thấu hiểu quá trình chuyển dịch của khu vực kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp rất sẵn sàng đầu tư, đổi mới, nhưng họ cần thấy rõ sự cụ thể, minh bạch trong chính sách”, ông Phát nói và cho biết, 4 yếu tố mà doanh nghiệp mong muốn nhất từ hệ thống ngân hàng và chính sách tài chính hiện nay, đó là giảm chi phí tiếp cận vốn, thủ tục nhanh gọn hơn, số hóa toàn diện và hướng đến chuyển đổi xanh.
Theo ông Lim Dyi Chang – Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là những doanh nghiệp theo đuổi các dự án phát triển bền vững theo chuẩn ESG.
Qua các nghị quyết mới, UOB cũng thấy rõ Chính phủ đã có bước chuyển lớn, không chỉ dừng lại ở việc thừa nhận ESG là xu hướng, mà còn bắt đầu khuyến khích và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững.
"Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng trong các dự án xanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn e ngại do chi phí tuân thủ tiêu chuẩn ESG khá cao, trong khi chính sách hỗ trợ còn thiếu rõ ràng và cụ thể,” ông Lim nói và cho biết, ngân hàng đang sẵn sàng cấp vốn cho các dự án xanh, nhưng để triển khai hiệu quả, cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý trong việc ban hành hướng dẫn chi tiết về cơ chế tín dụng xanh, từ tiêu chí đánh giá đến quy trình thẩm định, nhằm bảo đảm minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Cũng chia sẻ tại tọa đàm nói trên, TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy mọi nền kinh tế duy trì được tăng trưởng bền vững đều có điểm chung: khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò trung tâm. Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tái thúc đẩy tăng trưởng, trong đó việc phát triển khu vực tư nhân không thể chỉ dừng lại ở thông điệp chính trị, mà cần các đột phá thể chế cụ thể.
TS Thành phân tích, các chính sách mới trong Nghị quyết 68, Nghị quyết 139 và các hành động của Chính phủ đã đề ra nhiều hướng tiếp cận nguồn lực. Cụ thể, về tiếp cận đất đai: tái khai thác quỹ đất công chưa sử dụng; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo thuê đất khu công nghiệp với diện tích tối thiểu. Đối với tiếp cận vốn, cần đa dạng hóa kênh tín dụng, tạo điều kiện cho khối kinh tế tư nhân tiếp cận được nguồn vốn, khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sửa luật để mở rộng đối tượng được hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Có như vậy, khối doanh nghiệp tư nhân mới có cơ hội để tiếp cận nguồn vốn tín dụng, mở rộng hoạt động, tăng trưởng.
“Chính sách không thể chỉ là khẩu hiệu. Hỗ trợ phải đến từ nguồn lực thực, tránh lặp lại cơ chế xin – cho, và tuyệt đối không nên tạo thêm bộ máy giám sát rườm rà,” TS Thành nói và chỉ ra vấn đề “điểm nghẽn” hiện nay nằm ở thực thi. Việc ban hành chính sách không đủ – điều quan trọng là chính sách đó có tạo được cơ chế tiếp cận nguồn lực công bằng và hiệu quả cho doanh nghiệp hay không.
Còn về đất đai, TS Thành cũng đề xuất tái khai thác các quỹ đất công chưa sử dụng, hỗ trợ doanh nghiệp thuê đất tại các khu công nghiệp và vườn ươm công nghệ, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ, công nghệ cao, startup sáng tạo.
Theo các chuyên gia, dù các chính sách phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành đồng loạt và nhanh chóng, nhưng việc thực thi trên thực tế vẫn đang gặp không ít rào cản. Những điểm nghẽn nổi cộm hiện nay gồm: Thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài, gây lãng phí thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Thêm vào đó là khó khăn trong tiếp cận đất đai và tín dụng, đặc biệt tại cấp địa phương.