Hạn chế vốn làm suy yếu vai trò dẫn dắt của ngân hàng thương mại nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
Tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ còn chiếm 23,6% vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng. Hạn chế về vốn dẫn đến hạn chế năng lực của các ngân hàng này.
Lãnh đạo Vietcombank cho rằng cần ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Lãnh đạo Vietcombank cho rằng cần ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Trình bày với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày 24/3, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, các ngân hàng thương mại nhà nước đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong huyết mạch tài chính quốc gia; là công cụ đắc lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thực thi chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Tại thời điểm 31/12/2021, thị phần huy động vốn và tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm gần 50% tổng quy mô của ngành ngân hàng với số dư HĐV khoảng 5,3 triệu tỷ đồng và dư nợ cho vay khoảng trên 4,7 triệu tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại nhà nước hàng năm đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước dưới hình thức thuế thu nhập doanh nghiệp và cổ tức, trong đó, riêng Vietcombank năm 2021 đóng góp cho NSNN gần 11.000 tỷ đồng.

Trong hơn 2 năm qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp với những ảnh hưởng nghiêm trọng, vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước một lần nữa lại được thể hiện rõ nét qua việc tiên phong triển khai các giải pháp cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho hàng triệu khách hàng; giảm và miễn nhiều chục nghìn tỷ đồng tiền lãi và phí để hỗ trợ khách hàng giảm bớt khó khăn của dịch bệnh, góp phần sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

"Trong những đóng góp tích cực của ngành ngân hàng cho việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội, có sự đóng góp rất lớn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước", ông Dũng cho hay.

Nêu một số kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Vietcombank đề nghị sớm thể chế hoá các chính sách để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khả năng cạnh tranh bình đẳng của các ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng, các DNNN nói chung.

Cụ thể, rà soát sửa đổi Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13) và các văn bản hướng dẫn thi hành, sửa đổi Nghị định 53/2016/NĐ-CP về cơ chế tiền lương áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn góp chi phối của nhà nước theo hướng thống nhất quản lý theo mục tiêu, tăng giao quyền tự chủ trong kinh doanh cho doanh nghiệp; trong đó đặc biệt là cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tự chủ về cơ chế lao động và tiền lương, đảm bảo tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh việc cần ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước. "Quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các NHTMNN còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế", ông Dũng cho hay.

Hiện nay, tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ còn chiếm 23,6% vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng. Hạn chế về vốn dẫn đến hạn chế năng lực của các ngân hàng thương mại nhà nước trong việc mở rộng kinh doanh, cung ứng vốn cho nền kinh tế, giảm sút thị phần huy động vốn (từ trên 52% năm 2018 xuống 48% năm 2021) và tín dụng (từ trên 50% năm 2018 xuống 46% năm 2021) và có nguy cơ làm suy yếu vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Trong bối cảnh nguồn lực của nhà nước còn khó khăn, lãnh đạo Vietcombank đề nghị Chính phủ xem xét cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ để tăng vốn điều lệ, đồng thời cho phép nới room ngoại trong các ngân hàng thương mại từ mức 30% (theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014) lên 35%.

Cuối cùng, ông Dũng cho rằng cần cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động về quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, trong đó đặc biệt ưu tiên cho các ngân hàng thương mại nhà nước tham gia vào việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.

"Điều này sẽ giúp các ngân hàng thương mại nhà nước giữ vững được vai trò dẫn dắt trong ngành ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư cho các dự án trọng điểm của quốc gia", ông Dũng nói.

Tin bài liên quan