Từ ngày 1/7/2024, chính sách hoa hồng bảo hiểm sẽ có nhiều thay đổi

Từ ngày 1/7/2024, chính sách hoa hồng bảo hiểm sẽ có nhiều thay đổi

Hoa hồng và điểm yếu của bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc thay đổi chính sách hoa hồng với sản phẩm liên kết đầu tư, theo phân tích của giới chuyên gia, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu sản phẩm quan trọng của khối bảo hiểm nhân thọ trong ngắn hạn, nhưng sẽ có tác động tích cực trong dài hạn.

Ngày 28/11 vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tập huấn các quy định mới về bảo hiểm (Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi và Nghị định số 46/2023/NĐ-CP, Thông tư số 67/2023/TT-BTC, Thông tư số 70/2022/TT-BTC, hướng dẫn thi hành Luật). Đối tượng tập huấn là trưởng bộ phận pháp chế, kế toán, kế toán trưởng của các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm.

Tại Hội nghị, đại diện các phòng chuyên môn của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã tập trung giải đáp băn khoăn từ các công ty bảo hiểm liên quan đến quy định mới, xoay quanh việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm; làm rõ các sản phẩm liên kết đầu tư, liên kết đơn vị; quy định về việc thành lập quỹ liên kết đơn vị; việc xây dựng quy tắc, điều khoản hợp đồng theo quy định mới; hình thức thiết kế tài liệu tóm tắt, quy tắc, tài liệu hợp đồng; tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; những thay đổi trong công ty bảo hiểm bán trực tiếp, không qua đại lý bảo hiểm…

Theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, buổi tập huấn nhằm giúp các doanh nghiệp bảo hiểm hiểu đúng về các quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo tính tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, từ đó cùng xây dựng lại thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, tập trung hơn vào chất lượng dịch vụ kinh doanh bảo hiểm.

Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt từ của các công ty bảo hiểm là những thay đổi liên quan đến hoa hồng bảo hiểm. Cụ thể, Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định tăng hoa hồng đại lý bảo hiểm nghiệp vụ bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, nhưng lại giảm tỷ lệ hoa hồng năm thứ nhất của bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, mức hoa hồng tối đa của nhóm sản phẩm này trong năm đầu tiên là 30% (phí bảo hiểm nộp định kỳ hàng năm), năm thứ 2 tối đa là 20%, các năm tiếp theo tối đa 10%. Trong khi đó, với các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung, liên kết đơn vị ký trước thời điểm này, mức hoa hồng tối đa trong năm đầu tiên là 40%, năm thứ hai và năm thứ ba là 10%.

Một số công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm nhìn nhận, chính sách này có thể hạn chế tình trạng công ty bảo hiểm lôi kéo đại lý của nhau. Lâu nay, trên thị trường bảo hiểm nhân thọ tồn tại tình trạng nhiều đại lý bảo hiểm chỉ chăm chăm tìm kiếm hợp đồng mới để hưởng hoa hồng cao trong năm đầu tiên, mà không tập trung chăm sóc khách hàng và đây chính là “điểm yếu” để các công ty khác lôi kéo đại lý.

Từ góc nhìn của ông Đặng Đình Chính, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo hiểm ITmedia Việt Nam, tỷ lệ hoa hồng cho đại lý bảo hiểm khai thác sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư tối đa 30% trong năm đầu tiên và tối đa 20% trong năm thứ hai chưa có tiền lệ tại thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.

Theo ông Chính, việc giảm tỷ lệ hoa hồng năm đầu tiên và tăng tỷ lệ hoa hồng năm thứ hai sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp bảo hiểm cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ để “giữ chân” đại lý cũng như khách hàng. Chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của đại lý bảo hiểm cũng được nâng lên, vì gắn liền với quyền lợi của họ trong năm tiếp theo.

Tuy vậy, theo một số chuyên gia trong ngành, việc giới hạn các khoản thưởng, hỗ trợ đại lý cùng nhiều quy định chặt chẽ hơn về hoạt động tư vấn bảo hiểm, đặc biệt là giảm tỷ lệ hoa hồng năm đầu với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư (liên kết chung, liên kết đơn vị) - chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ (61,2% trong 6 tháng đầu năm 2023) có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đà hồi phục của ngành này.

Số liệu thống kê của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho thấy, 10 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí của ngành bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.000 tỷ đồng, giảm 10,93% so với cùng kỳ năm 2022. Đại diện cơ quan này cho biết, trong lịch sử hơn 20 năm hình thành và phát triển, chưa bao giờ ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng âm như 10 tháng đầu năm nay.

Xung quanh một số quy định mới tại Thông tư 67/2023/TT-BTC, đang tồn tại một số cách hiểu khác nhau

Ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam cho biết, theo Thông tư 67/2023/TT-BTC, tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Quy định này có thể dẫn đến 2 cách hiểu: số ngày hạn chế đã bao gồm ngày giải ngân trong 60 ngày, đồng nghĩa với tổng thời gian hạn chế là 119 ngày (60 ngày trước + 60 ngày sau - 1 ngày giải ngân); hoặc số ngày hạn chế chưa bao gồm ngày giải ngân, đồng nghĩa với tổng thời gian hạn chế là 121 ngày (60 ngày trước + 60 ngày sau + 1 ngày giải ngân).

“Tôi cùng cộng sự, các đại lý bảo hiểm cũng đã thảo luận nhưng vẫn chưa chốt được phương án cuối cùng. Nhưng do không được tham gia buổi tập huấn và buổi tập huấn cũng không được phổ cập rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nên cũng không rõ sẽ được hiểu theo cách nào”, ông Sơn nói.

Cuối năm 2023, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, sau khi Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được thông qua, Cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, hoàn thiện gần như toàn bộ hệ thống pháp luật, bao gồm 3 nghị định, 2 thông tư. Dự kiến, cuối năm 2023, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được trình Chính phủ ban hành.

Tin bài liên quan