Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đối mặt với án huỷ niêm yết: Giữ kỷ cương, pháp luật chứng khoán

Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đối mặt với án huỷ niêm yết: Giữ kỷ cương, pháp luật chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ quan quản lý đã có những cuộc họp để xem xét trường hợp hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG).

Nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, không có nhiều ý kiến ủng hộ việc để doanh nghiệp này tiếp tục niêm yết trên HOSE.

Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai đã kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và HOSE để không hủy niêm yết cổ phiếu HAG trên HOSE.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 120, Nghị định 155 về việc huỷ niêm yết bắt buộc, HAG đã lỗ liên tiếp 3 năm và buộc phải giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Đã có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện quy định trên, nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam cho phép HAG ở lại HOSE, sẽ tạo tiền lệ để các doanh nghiệp khác khi rơi vào trường hợp này xin ở lại, tạo cơ chế xin - cho. Đó là một số ý kiến đưa ra trước cuộc họp trực tuyến liên quan đến vấn đề trên ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tuần này.

Các dữ liệu cho thấy, HAG đã lỗ 4 năm liên tiếp từ các năm 2017, 2018, 2019 và 2020.

Trong khi đó, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã tăng mạnh kể từ tháng 11 năm 2020 từ vùng giá 6.000 đồng lên mức cao nhất tới 16.000 đồng/cổ phần trước khi điều chỉnh xuống 12.000 đồng/cổ phần hiện nay.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 vừa được HAG công bố cho thấy bức tranh không mấy tích cực.

Cụ thể, tài sản của Công ty giảm hơn một nửa so với thời điểm cuối năm 2020. Tổng tài sản tính đến ngày 31/12/2021 đạt 18.173 tỷ đồng, giảm mạnh so với cuối năm 2020, trong đó hàng tồn kho giảm 2.013 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 1.300 tỷ đồng, giảm mạnh tài sản cố định hơn 10.000 tỷ đồng.

Đòn bẩy tài chính duy trì ở mức cao. Tại thời điểm 31/12/2021, HAG có 6.450 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 7.045 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Tỷ lệ nợ phải trả/Tổng tài sản là 74,24%. Trong thời gian qua, Tập đoàn đã phải bán đi nhiều mảng hoạt động kinh doanh để giảm dần nợ vay.

Việc duy trì tỷ lệ đòn bẩy cao trong nhiều năm khiến cho tình hình tài chính của Tập đoàn trở nên mất cân đối và chịu gánh nặng nợ lãi khá lớn, bào mòn lợi nhuận.

Các khoản phải thu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của HAG và Tập đoàn đang phải dự phòng nợ phải thu khó đòi lên tới gần 1.900 tỷ đồng. Tại 31/12/2021, các khoản phải thu ngắn hạn của HAG là gần 5.111 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn lên tới 4.118 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cuối năm 2020.

Lượng tiền mặt thấp, chiếm 0,42% so với tổng tài sản. Tính đến ngày 31/12/2021, HAG có vỏn vẹn 78 tỷ đồng tiền mặt. Điều này đã kéo dài trong khoảng 4 - 5 năm gần đây, cho thấy tính bị động của Tập đoàn về khả năng chi trả ngắn hạn và tính thanh khoản của HAG. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của HAG âm 5 năm liên tiếp, cộng với việc duy trì lượng tiền mặt thấp, sẽ khiến Công ty gặp khó khăn trong chi trả lãi vay chưa nói đến cổ tức cho cổ đông.

Cho rằng cần phải thực hiện nghiêm pháp luật chứng khoán, một số nhà đầu tư còn đặt câu hỏi, tại sao cổ phiếu HAG lẽ ra phải hủy niêm yết bắt buộc từ hơn một năm trước, khi có kết quả doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp, song HAG vẫn được niêm yết trên HOSE từ đó đến nay? Việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính khiến Công ty bị lỗ là đúng các quy định về kế toán, tại sao lại là cái cớ để các cơ quan quản lý thị trường như HOSE chần chừ không thực hiện nghiêm các quy định về chứng khoán?

Việc hủy niêm yết cổ phiếu HAG trên HOSE không có nghĩa cổ đông của doanh nghiệp khó khăn trong việc mua bán cổ phiếu khi HAG vẫn được chuyển sang UPCoM. Nếu nay cổ phiếu HAG được đặc cách, “vượt rào” ở lại HOSE, đâu sẽ là kỷ cương, pháp luật chứng khoán?

Tin bài liên quan