Họp "giải cứu" thị trường chứng khoán: Đề nghị sửa Nghị định 65

Họp "giải cứu" thị trường chứng khoán: Đề nghị sửa Nghị định 65

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho rằng Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 (Nghị định 65) sửa đổi Nghị định 153  siết quá chặt hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, một số doanh nghiệp đề xuất quay lại áp dụng Nghị định 153 nhưng bổ sung thêm chức năng giám sát và cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.

Vụ việc Tân Hoàng Minh, FLC, An Đông, SCB làm thị trường chứng khoán "chao đảo"

Ngày 23/11, Bộ Tài chính tổ chức họp bàn về thị trường chứng khoán với 7 công ty chứng khoán và 32 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Về phía Bộ Tài chính có Bộ trưởng Hồ Đức Phớc (chủ trì cuộc họp), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính Ngân hàng, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2022, sự việc của Tân Hoàng Minh, FLC, hay Công ty An Đông và Ngân hàng SCB đã khiến thị trường chứng khoán, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp liên tục chao đảo.

Bộ trưởng thông tin, Chính phủ đã đưa ra các gói kích cầu như gói 347.000 tỷ đồng và gói giảm thuế 233.000 tỷ đồng nhằm mục tiêu giải quyết khó khăn và nâng cao khả năng chống chịu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua theo dõi thuế cho thấy tình hình doanh nghiệp hiện nay đang rất khó khăn.

Thị trường chứng khoán vừa rồi suy giảm mạnh, chỉ số VN-Index mất 600 điểm, tương đương giảm 38% so với đầu năm 2022, dẫn đến nhiều cổ phiếu mất tới 70% giá trị và thanh khoản rất hạn chế.

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ diễn biến rất phức tạp, đặc biệt lãi suất liên tục tăng cao, lãi suất huy động đã trên 10%/năm, lãi vay còn cao hơn, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn. Như vậy, có thể thấy nguồn tín dụng bị thắt chặt.

Đối với thị trường bất động sản, sau thời gian tăng trưởng nóng thì hiện đứng trước nguy cơ vỡ "bong bóng", do thiếu vốn và niềm tin của thị trường suy giảm.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, luôn xác định trái phiếu doanh nghiệp là một công cụ của thị trường vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Tính đến 30/9/2022 giá trị trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường đạt 1.260.000 tỷ đồng, chiếm gần 10% GDP.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong phát hành trái phiếu bị xử lý hình sự, gây ra tâm lý hoang mang, dẫn đến nhà đầu tư đua nhau đi rút tiền, và làm doanh nghiệp lẫn ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản.

Trong khi đó, áp lực trái phiếu đáo hạn đang ngày càng lớn. Năm 2022, giá trị trái phiếu đáo hạn là 56.000 tỷ đồng (trong đó 38% là trái phiếu bất động sản). Năm 2023 con số này là 282.000 tỷ đồng (40% là trái phiếu bất động sản). Năm 2024 con số này tăng lên 363.000 tỷ đồng.

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong các năm 2022, 2023 và 2024 lần lượt là 56.000 tỷ đồng, 282.000 tỷ đồng và 363.000 tỷ đồng.

Nguồn: Bộ Tài chính

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện nay triển vọng về kinh tế Việt Nam vẫn được các định chế tài chính đánh giá rất cao, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 8%; thu ngân sách nhà nước có thể vượt khoảng 14,5%, CPI dưới 4%, bội chi ngân sách dưới 4%, nợ công thấp...

"Có thể thấy chỉ số kinh tế vĩ mô thời điểm này vẫn tăng trưởng tốt, nhưng nếu chính sách tiền tệ thất bại thì chính sách tài khoá cũng thất bại vì doanh nghiệp không nộp thuế. Nếu không có biện pháp gì để thúc đẩy thị trường, đặc biệt là thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì sẽ rất khó khăn trong tương lai", ông Phớc nói.

Vì vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc mong muốn thông qua họp bàn có thể tìm ra giải pháp giúp thị trường chứng khoán quay trở lại bình thường và tiếp tục phát triển, cũng như tìm ra giải pháp để củng cố niềm tin cho thị trường trái phiếu và tăng cường thanh khoản.

“Chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến của các doanh nghiệp, vì không ai hiểu về thị trường và các khó khăn vướng mắc hơn chính các doanh nghiệp đang có mặt ở đây”, Bộ trưởng nói.

Toàn cảnh cuộc họp "giải cứu" thị trường chứng khoán ngày 23/11 giữa Bộ Tài chính với 7 công ty chứng khoán và 32 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Toàn cảnh cuộc họp "giải cứu" thị trường chứng khoán ngày 23/11 giữa Bộ Tài chính với 7 công ty chứng khoán và 32 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Đề xuất nới room, sửa Nghị định 65, lập quỹ mua lại trái phiếu doanh nghiệp...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect (VND), nhấn mạnh, nút thắt lớn nhất hiện nay đối với thị trường là doanh nghiệp bị tắc thanh khoản vì ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý 2, đầu quý 3/2022; thị trường cổ phiếu sụt giảm nên huy động vốn rất khó khăn; trong khi quý 4/2022 gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản sẽ là thị trường khó khăn nhất trong năm 2023.

Lãnh đạo VNDirect cho rằng, dù tăng trưởng kinh tế đang tốt, nhưng nếu không có giải pháp cho câu chuyện trên thì tương lai sẽ rất khó khăn. Vị này cho rằng, cần tăng room tín dụng để tạo dòng tiền và tháo gỡ áp lực tâm lý thị trường.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, là thị trường dựa trên niềm tin nên cần nhanh chóng lấy lại niềm tin bằng cách tạo cơ chế pháp lý cho việc gia hạn trái phiếu, thậm chí lập quỹ mua lại trái phiếu sắp đáo hạn, không hình sự hoá các vi phạm của chủ doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cho thêm thời gian điều chỉnh đối với Nghị định 65...

Thống nhất ý kiến với lãnh đạo VNDirect, đại diện Công ty Chứng khoán TCBS đề xuất thêm về việc tạo cơ chế gia hạn, hoán đổi trái phiếu doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này. Có thể dùng tổ chức hoặc doanh nghiệp thứ ba có tiềm lực và uy tín tốt hơn để bảo lãnh phát hành và phát hành trái phiếu hoán đổi.

Đại diện TCBS cũng đồng ý phương án nới room tín dụng và kiến nghị có thể sửa Thông tư 16 để cho ngân hàng thương mại có thể mua trái phiếu của những doanh nghiệp tốt.

Có thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm các tổ chức phát hành tự nguyện để minh bạch hoá thông tin và có phương án bơm thanh khoản mua lại TPDN đáp ứng các điều kiện về tín nhiệm và tài sản đảm bảo.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam

Về phía doanh nghiệp phát hành trái phiếu, lãnh đạo tập đoàn bất động sản Novaland chia sẻ, Novaland vừa kỷ niệm 30 năm thành lập nhưng giờ đang đối diện hàng loạt khó khăn như khách hàng rời bỏ, đối tác và nhà thầu đòi tiền... Hiện doanh nghiệp đang tiến hành kiểm toán, đẩy nhanh xếp hạng tín nhiệm, thuê tư vấn làm rõ các hoạt động..., nhưng trước mắt vẫn cần được hỗ trợ cho vay tiếp để duy trì hoạt động.

Nhấn mạnh thị trường chứng khoán bị đổ vỡ vì nhà đầu tư mất niềm tin, vị đại diện nêu quan điểm, lãnh đạo nhà nước cần tin tưởng vào thị trường để cung cấp vốn cho doanh nghiệp. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ và Nghị định 65 đang gây khó cho doanh nghiệp. Novaland đề nghị có cơ chế cho gia hạn trái phiếu hoặc chuyển đổi nợ trái phiếu doanh nghiệp thành nhà ở, cổ phiếu; cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp lớn và ngân hàng thương mại được mua lại trái phiếu có tài sản đảm bảo đầy đủ...

Đại diện nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu khác như Hưng Thịnh Land, Masan, Geleximco, Vingroup... đều đồng thuận về việc cần sửa Nghị định 65 vì gây khó cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Trong đó, nhấn mạnh sai phạm của một vài doanh nghiệp không đại diện cho thị trường, vị đại diện Vingroup đề nghị quay lại áp dụng Nghị định 153 nhưng bổ sung thêm các chức năng thanh tra giám sát.

Còn ông Lê Trọng Khương, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho rằng, cần giữ nguyên Nghị định 153 như đề nghị của Vingroup nhưng phải có cơ chế đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Cụ thể, có thể nới lỏng quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhưng họ phải thông qua lớp học hoặc tổ chức tư vấn chuyên nghiệp mới được đầu tư.

Ngoài ra, một số ý kiến doanh nghiệp có đề xuất khác như ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII), đề nghị được hỗ trợ bằng việc giải quyết hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản để có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm, bán được với giá rẻ và thu hồi vốn để thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu.

Đại diện Bamboo Capital yêu cầu làm rõ các tiêu chí thanh tra, kiểm tra đối với thị trường chứng khoán để truyền thông cho đúng, bởi vì nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sau Covid vừa gây ra tin đồn vừa làm mất nguồn lực.

Sẵn sàng điều chỉnh Nghị định 65/2022/NĐ-CP

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, Bộ Tài chính sẽ đánh giá, xem xét, nghiên cứu và nếu cần sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 theo hướng nới quy định hoặc lộ trình áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trên cơ sở khuyến nghị của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, các công ty chứng khoán và các doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và có cuộc làm việc với các bộ, ngành liên quan, sau đó báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm củng cố niềm tin của thị trường, đưa thị trường tiếp tục phát triển một cách bền vững.

Thứ trưởng cũng khẳng định sẽ rà soát khung pháp lý để có sự điều chỉnh phù hợp, kể cả Nghị định 65 vừa được ban hành.

Tin bài liên quan