Dự án cầu Nam Lý chậm tiến độ do khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
Thành phố quyết tâm giải ngân đạt hơn 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả đạt được hay không phụ thuộc vào các “mắt xích” quan trọng là cơ chế và con người. Với thực tế như vừa qua, nếu không có giải pháp, chỉ vướng một “mắt xích”, thì cả “dây chuyền” bị ảnh hưởng.
Dự án chờ mặt bằng, mặt bằng chờ giải tỏa, giải tỏa chờ…
Mới đây, trong buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội định kỳ, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, thông tin từ Kho bạc Nhà nước Thành phố, trong năm 2022, TP.HCM ghi nhận có 11 đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0%. Các dự án bị vướng chủ yếu do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng thừa nhận, mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2022 của Thành phố thất bại còn bởi “mắt xích” mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Năm ngoái, một đại biểu HĐND đã chất vấn: Giai đoạn 2016-2020 có những dự án cấp bách cần phải làm ngay được đưa vào danh sách thực hiện, nhưng sao đến nay vẫn chưa thực hiện được?
UBND TP.HCM thừa nhận, có hàng loạt dự án giao thông hạ tầng quan trọng bị chậm tiến độ như Dự án Xây dựng đường Vành đai 2 - đoạn 3; Dự án Xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy; Dự án Nâng cấp đường Lương Định Của; Dự án Xây dựng cầu Nam Lý; Dự án Xây dựng cầu Tăng Long; Dự án Xây dựng cầu Phước Long; Dự án Xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; Dự án Xây dựng cầu Long Kiểng; Dự án Xây dựng cầu Bưng; Dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn; Dự án Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám…
Việc chậm tiến độ các dự án trên chủ yếu do công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện chậm, không có mặt bằng để chủ đầu tư thực hiện dự án, từ đó kéo dài thời gian, tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh dự án nhiều lần.
Trong khi đó, khâu bồi thường giải phóng mặt bằng lại là nguyên nhân chính và vô cùng gian nan. Theo phân tích của một đại biểu HĐND, trước đây, theo Quyết định số 17/2008/QĐ-UBND ngày 14/3/2008 của UBND TP.HCM ban hành quy định về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố có quy định đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư và đất vườn, ao liền kề với đất ở trong khu dân cư, ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp cùng loại, còn được hỗ trợ thêm 40% giá đất ở có vị trí liền kề.
Tới năm 2018, TP.HCM ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND, không hỗ trợ 40% giá đất, nên công tác bồi thường giải phóng loại đất nông nghiệp này gặp nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ, năm 2021, Thành phố đã ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND quy định đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư được điều chỉnh nhân hệ số từ 20 đến 35 lần. Tuy nhiên, với giá đất nông nghiệp 300.000 đồng/m2 hiện nay, thì giá bồi thường loại đất này cao nhất cũng chỉ 10,5 triệu đồng/m2, hỗ trợ thêm 3,5 lần giá đất nồng nghiệp thì cũng không quá 12 triệu đồng/m2, nên giá bồi thường hỗ trợ này thấp hơn nhiều lần so với đất ở liền kề không nằm trong quy hoạch hoặc triển khai dự án. Đây là một trong những lý do khiến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm.
Giải pháp ra sao? Cơ quan chuyên môn TP.HCM cho rằng, chỉ có thể là tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa Luật Đất đai năm 2013, trong đó điều chỉnh bảng giá đất phù hợp với giá thị trường và bổ sung phương thức đối với đất nông nghiệp có áp dụng tỷ lệ hoán đổi đất sang đất ở để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân có đất bị thu hồi. Như vậy, lại phải chờ luật đất đai mới đang lấy ý kiến người dân.
Dưới chờ trên
Chưa hết, ngoài công tác kiểm đếm, đo đạc tốn nhiều thời gian, ngoài việc một số chủ sử dụng đất không hợp tác hoặc không tìm được người sử dụng đất, phải áp dụng các biện pháp hành chính để thực hiện, thì chính quy trình hành chính như nút thắt cổ chai cũng khiến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng diễn ra chậm chạp.
Đặc thù của công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là sau khi HĐND Thành phố, UBND Thành phố phân bổ vốn, địa phương mới có cơ sở triển khai, nên thường kéo dài và đến cuối năm mới phê duyệt được giá làm cơ sở giải ngân, dẫn đến vốn tập trung giải ngân vào cuối năm.
Đáng lưu ý nữa, theo UBND TP.HCM, việc xác định đối tượng được bồi thường, pháp lý sử dụng đất... phải báo cáo, xin ý kiến nhiều lần, kể cả xin ý kiến các cơ quan Trung ương, nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Một ví dụ điển hình là Dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa. Dự án được xác định là một trong những dự án trọng điểm cấp bách, cần sớm hoàn thành để kết nối với Nhà ga T3 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, Dự án chậm tiến độ do khó khăn trong việc cung cấp hồ sơ pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm xây dựng các công trình, nhà xưởng và vật kiến trúc bị ảnh hưởng do liên quan đơn vị quân đội. Có công trình có ranh giới thu hồi thực hiện dự án cắt ngang hệ thống dây chuyền sản xuất, nên khi bàn giao mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất và đây là công trình cung cấp thiết bị phục vụ quốc phòng, nên việc thuê đơn vị tư vấn để xác định chi phí di dời máy móc, thiết bị là rất khó.
Hạ thi đua có mong thay đổi?
Sau khi tự nhận trách nhiệm, xin hạ bậc thi đua, lãnh đạo TP.HCM thể hiện quyết tâm đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2023 hơn 95% bằng một số giải pháp hành chính cũng… không khác năm 2022, như hạn chế tối đa việc giải ngân vốn dồn vào các tháng cuối năm; duy trì đều đặn việc thực hiện giao ban hàng tháng kết hợp với việc đảm bảo hoạt động liên tục của 3 tổ công tác để tập trung rà soát tiến độ, phát hiện và giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn; kiểm tra, giám sát tiến độ tại hiện trường, giao cả hệ thống chính trị của từng đơn vị phải chịu trách nhiệm công tác triển khai, giải ngân; các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức phải rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư công, phấn đấu giảm ít nhất 30% so với quy định…
Trong đó, giải pháp cụ thể và đáng lưu ý là phân nhóm dự án và quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư đối với từng nhóm cụ thể (Nhóm đã hoàn thành và đang thực hiện thủ tục quyết toán; Nhóm đang thực hiện công tác chuấn bị đầu tư; Nhóm khởi công mới; Nhóm chuyển tiếp sang năm 2023 tiếp tục thi công).
Thể hiện sự quyết liệt của mình liên quan quy trách nhiệm cụ thể và giải pháp xử lý, tại cuộc họp hồi đầu tháng 2/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tuyên bố, trong năm 2023, TP.HCM sẽ quyết liệt tăng cường hình thức xử lý thi đua (xếp loại thi đua), bởi “trước đà suy giảm còn kéo dài, TP.HCM cần hành động để rút ngắn thời gian này và quyết liệt trong giải ngân đầu tư công, đầu tư dẫn dắt cho xã hội".
Thực tế, việc quy trách nhiệm thủ trưởng và áp dụng hình thức thi đua để xử lý cá nhân, đơn vị không đạt không phải mới. Năm 2022, Thành phố cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ quản phải chịu trách nhiệm toàn diện trước cấp trên; yêu cầu có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý dự án làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, nhũng nhiễu, tiêu cực…
Chủ tịch TP.HCM còn ra “tối hậu thư” yêu cầu đánh giá, xếp loại và xử lý trách đối với tổ chức, cá nhân trong công tác thực hiện giải ngân đầu tư công năm 2022 như giải ngân dưới 30%, thủ trưởng không được xem xét đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ và không được hưởng thu nhập tăng thêm.
Nhưng năm 2022, TP.HCM vẫn thất bại trong việc đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công 95%.
Thế nên, năm 2023, để kết quả không như năm 2022, TP.HCM phải có hành động cụ thể, quyết liệt hơn nữa đối với “mắt xích” con người. Cần lưu ý rằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp trọng tâm của Chính phủ để bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô.
Năm 2023, để đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công hơn 95%, TP.HCM đề xuất Trung ương tạo một số cơ chế cho Thành phố:
- Cho phép HĐND TP.HCM được chủ động bố trí ngân sách địa phương nguồn chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm trên cơ sở khả năng thu ngân sách thực tế;
- Cho phép HĐND TP.HCM được bố trí tổng dự toán chi đầu tư phát triển của UBND quận trong tổng dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách Thành phố;
- Cho phép HĐND TP.HCM xem xét, quyết định việc thực hiện đầu tư dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng đối với một số dự án hạ tầng, phát triển đô thị quan trọng;
- Phân cấp cho UBND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương.