Khó dẹp tín dụng đen, chuyên gia đề nghị thành lập Quỹ tín dụng “từ thiện”

0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp sự truy quét, tín dụng đen vẫn âm thầm len lỏi và ngày càng diễn biến phức tạp. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, nên nghiên cứu mô hình quỹ tín dụng từ thiện.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế

Theo NHNN, đến cuối tháng 10/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,99 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020, là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế.

Đặc biệt, tín dụng nông nghiệp, nông thôn – địa bàn dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen - đạt trên 2,48 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 9,2% so với cuối năm 2020.

Mặc dù tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh, song NHNN cũng thừa nhận, quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, tội phạm “tín dụng đen” vẫn có cơ hội để phát triển.

Nguyên nhân của tình trạng này một phần do khách hàng còn thiếu năng lực sản xuất kinh doanh, khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ, giấy tờ tùy thân chưa rõ ràng… Trong khi đó, các tổ chức tín dụng lại phải đảm bảo chất lượng khoản vay, không thể cho vay dưới chuẩn….

Về vấn đề này, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phân biệt tín dụng đen và tín dụng phi chính thức. Tín dụng đen là tín dụng cho vay siêu nặng lãi, dù biết người vay có thể không trả được, nhưng chủ nợ vẫn cho vay, và dùng phương thức bạo lực để trấn áp, thu đòi nợ, siết nợ theo cách thức không hợp pháp. Việc cho vay nặng lãi và đòi nợ kiểu xã hội đen là hoạt động phi pháp.

Còn tín dụng phi chính thức, còn gọi là “tín dụng thị trường tự do” là chơi hụi, vay cá nhân, vay góp. Đặc điểm chung của tín dụng này là có lãi suất cao hơn ngân hàng, nhưng điều kiện vay vốn thuận lợi hơn, quy mô cho vay vốn nhỏ hơn, và dựa vào những người quen biết.

Ở nhiều nước châu Âu, đặc biệt tại các nước có dân trí cao, kinh tế phát triển thì tín dụng phi chính thức hầu như không còn tồn tại, mà thay vào đó là có một hệ thống tài chính đa dạng trong việc cung cấp tín dụng, từ ngân hàng cho đến các công ty tài chính với nhiều sản phẩm tín dụng phong phú đáp ứng nhiều nhu cầu; và không phải tín dụng nào cũng có lãi suất thấp.

Ví dụ, sản phẩm cho vay khẩn cấp từ 1000 USD trở xuống có thể có lãi suất tới 30%/năm. Nhưng các tổ chức này đều được chính quyền cho phép hoạt động theo các quy định rõ ràng.

Tại Việt Nam, sự phát triển mạnh của hệ thống ngân hàng và công ty tài chính đã khiến tín dụng đen và tín dụng phi chính thức thu hẹp. Tuy vậy, ngân hàng và các công ty tài chính vẫn chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của người dân, nhất là bộ phận người dân thu nhập thấp. Vì vậy, tín dụng phi chính thức và tín dụng đen vẫn có đất sống.

“Nhu cầu vay vốn tín dụng đa dạng của nhiều người, từ nhiều tầng lớp, từ người bị thất nghiệp đến những người có thu nhập thấp rất lớn mà không ngân hàng không đáp ứng được. Chính vì thế, người dân mới tìm đến kênh tín dụng không chính thức. Hệ quả của vay tín dụng đen có thể khiến người đi vay rơi vào cảnh khốn cùng nếu không trả được nợ. Lãi suất tín dụng đen và cạnh tranh không lành mạnh có thể làm rối loạn thị trường”, TS. Hiển nhận xét.

Trước tình trạng tín dụng đen có dấu hiệu diễn biến phức tạp, chuyên gia này cho hay, tại nhiều nước trên thế giới, các giải pháp tài chính vi mô rất được quan tâm, chú trọng. Tại Việt Nam hiện cũng có các Tổ chức tài chính vi mô của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Liên đoàn lao động TPHCM… Mô hình này được quản ý chuyên nghiệp sẽ đem lại hiệu quả lớn. Tuy nhiên, các tổ chức vi mô này vẫn bị hạn chế bởi tính hành chính, chỉ gắn cho sự nghiệp của phụ nữ, người lao động….

Theo quan điểm của chuyên gia này, Nhà nước nên thí điểm cho phép công ty phi lợi nhuận trong lĩnh vực tín dụng vi mô, các quỹ tín dụng “từ thiện” hoạt động giống mô hình ở nước ngoài.

Cụ thể, các quỹ được lập ra trên cơ chế bảo toàn vốn và lợi nhuận thấp. Quỹ dành cho những người thích làm từ thiện đầu tư, gửi tiền vào giúp đỡ người lao động, phụ nữ, nông dân và những đối tượng gặp khó khăn. Mô hình cho vay này không lập ra để cạnh tranh với tín dụng ngân hàng, nhưng lại góp phần giúp đáng kể cung cấp nguồn tín dụng. Nhà nước nên nghiên cứu áp dụng mô hình quỹ tín dụng từ thiện.

Tại một số quốc gia phát triển, nơi các tỷ phú, những người thích làm từ thiện đầu tư vào làm từ thiện nhưng vẫn bảo toàn vốn, cho người nghèo, đối tượng gặp khó khăn vay với lãi suất thấp. Do nhu cầu tín dụng trên thị trường đa dạng, không có mẫu số chung cho giải pháp và cần đa dạng hình thức khác nhau.

Trong khi đó, NHNN cho biết, để hạn chế tín dụng đen, cơ quan này đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới ở vùng sâu, vùng xa, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ để phát triển các dịch vụ thanh toán và cho vay trực tuyến...

Tin bài liên quan