Tín dụng đen vẫn len lỏi, tồn tại không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ở ngay giữa lòng thành thị

Tín dụng đen vẫn len lỏi, tồn tại không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ở ngay giữa lòng thành thị

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tội phạm tín dụng đen ngày càng biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tội phạm "tín dụng đen" đã mở rộng “bẫy” vay nợ thông qua nhiều hình thức, phương thức và thủ đoạn mới.

Những con số “nhức nhối”

Tại Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” được tổ chức chiều 12/11, Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng Án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công An cho biết, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an các địa phương đã cấp mới 2.436, thu hồi 175 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỷ đồng. Qua công tác nghiệp vụ, Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện 6664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.

Công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và các vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng đen, Trung tá Phương cho biết, được quan tâm, chỉ đạo góp phần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Theo đó, trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị 12, qua thống kê các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện 1047 vụ/1718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; Xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng;

Với các tội danh như: Giết người; Cố ý gây thương tích; Làm nhục người khác; Bắt, giữ, giam người trái pháp luật; Xâm phạm chỗ ở người khác; Cướp tài sản; Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Cưỡng đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản; Gây rối trật tự công cộng.

“Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng (51,48%), trong đó đã khởi tố 314 vụ/541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ/249 đối tượng”, Trung tá Phương thông tin.

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, Trung tá Phương thừa nhận, dù được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Và nỗ lực của hệ thống ngân hàng

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV đã chia sẻ những nỗ lực của BIDV trong việc triển khai các biện pháp theo đúng chủ trương của Chính phủ, NHNN nhằm đẩy lùi hoạt động Tín dụng đen, hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng. “Đặc biệt là các mục đích vay vốn phục vụ tiêu dùng, nhu cầu đời sống chính đáng của khách hàng, nhất là trong giai đoạn dịch Covid 19 diễn biến phức tạp như hiện nay”, ông Lâm nói.

Thứ nhất, BIDV đã triển khai chiến lược theo hướng đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ. Trong giai đoạn 10 năm gần đây, dư nợ bán lẻ đã tăng từ 38.000 tỷ đồng năm 2011 (chiếm 13,3% tổng dư nợ tín dụng BIDV) lên 496.000 tỷ đồng tại thời điểm 31/10/2021 (chiếm tỷ trọng 38% tổng dư nợ tín dụng BIDV), tương đương tăng trưởng gấp 12 lần trong 10 năm vừa qua.

Trong đó, BIDV chú trọng đến hoạt động cho vay tiêu dùng, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu của người dân. Đến hết 31/10/2021, dư nợ cho vay tiêu dùng của BIDV là 223.000 tỷ đồng, chiếm 45% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân trên toàn hệ thống BIDV, trong đó chủ yếu là dư nợ cho vay nhu cầu nhà ở (chiếm 32% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân); còn lại là dư nợ cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ, phục vụ các nhu cầu chi tiêu thiết yếu của người dân chiếm 13% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của BIDV.

Thứ hai, BIDV đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay Ngân hàng trong giai đoạn dịch Covid 19 diễn biến phức tạp bao gồm các biện pháp hỗ trợ chính.

Cụ thể, giảm thu nhập để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch covid 19 theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN với tổng ngân sách dự kiến trong năm 2021 khoảng 7.100 tỷ đồng; tính lũy kế từ đầu năm đến nay BIDV đã thực hiện giảm hơn 5.000 tỷ đồng và hỗ trợ cho hơn 390.000 khách hàng, trong đó giảm hơn 2.300 tỷ đồng hỗ trợ cho 370.000 khách hàng cá nhân;

Triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng ngắn hạn hỗ trợ cho vay khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 với số tiền hỗ trợ là 200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, BIDV là Ngân hàng đi đầu trong việc đồng hành cùng ngành y, hỗ trợ cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch với việc triển khai nhiều gói tín dụng với tổng quy mô 25.000 tỷ đồng (trong đó, 20.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu nhà ở và 5.000 tỷ đồng cấp tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống không tài sản bảo đảm), tổng số tiền hỗ trợ là 1.600 tỷ đồng phân bổ trong các năm 2021 - 2024.

Qua hơn 3 tháng triển khai, dư nợ chương trình cho vay nhu cầu nhà ở đạt 4.080/20.000 tỷ đồng, dư nợ chương trình cấp tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống không tài sản bảo đảm đã đạt 100% quy mô 5.000 tỷ đồng; số tiền BIDV hỗ trợ ngành y tế là 110 tỷ đồng.

Thứ ba, BIDV phát triển, ứng dụng công nghệ trong phục vụ khách hàng cá nhân vay vốn thông qua website internet, các ứng dụng trên điện thoại di động thông minh.

“Thời gian qua BIDV cũng như NHNN và các cơ quan liên quan đã có sự quan tâm sâu sát, triển khai nhiều biện pháp nhằm đầy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, hiện tín dụng đen vẫn len lỏi, tồn tại không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ở ngay giữa lòng thành thị”, ông Lâm nhận định.

Nhận diện thách thức

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần nhìn nhận, nhận diện được nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”.

Cụ thể, việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các diễn biến mới của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen sẽ gặp nhiều trở ngại, nhất là tình trạng các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng sang sử dụng công nghệ cao để hoạt động.

Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng liên quan đến hoạt động tín dụng đen ngày càng gia tăng phức tạp. Trong khi việc triển khai các giải pháp quản lý nhà nước trên không gian mạng còn hạn chế, nhất là trong việc định danh số tài khoản mạng xã hội, ngăn chặn các số thuê bao không chính chủ, kiểm soát các ứng dụng điện thoại (app), website có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi...

Mặc dù các TCTD đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tuy nhiên một số bộ phận người dân còn tìm đến vay tiền từ “tín dụng đen” để phục vụ nhu cầu vay vốn không hợp pháp (cờ bạc, ma tuý, kinh doanh phi pháp...) hoặc do thói quen tiêu dùng, tâm lý e ngại tiếp xúc với ngân hàng.

Đặc biệt, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 vừa qua, khó khăn về kinh tế có thể làm tình hình “tín dụng đen” trở nên căng thẳng hơn khi người dân có nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh nhưng chưa đáp ứng điều kiện tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng.

“Trên cơ sở nhận diện được những thách thức, tôi cũng đề nghị các đơn vị quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Cụ thể, Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho “tín dụng đen.

Bên cạnh đó, có giải pháp phù hợp cho phép sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân trong việc xác thực khách hàng để giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng của “tín dụng đen”.

Từ phía UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, phục vụ đời sống; hỗ trợ các ngân hàng trong quá trình thẩm định, xác minh đối tượng, nhu cầu vay vốn của người dân; kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong xử lý tài sản bảo đảm nhằm tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng chính thức hiệu quả hơn.

Đối với các tổ chức tín dụng, mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn…

Tiết giảm chi phí hoạt động, quan tâm dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất hợp lý. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; Khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác...

“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng; chú trọng xây dựng mô hình hoạt động, sản phẩm dịch vụ ngân hàng thân thiện, dễ sử dụng, dễ tiếp cận với đại đa số người dân”, Phó Thống đốc nói.

Tin bài liên quan