Khơi mạch dòng vốn Hàn Quốc vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Khơi mạch dòng vốn Hàn Quốc vào thị trường chứng khoán Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Dòng vốn dồi dào từ Hàn Quốc đang ráo riết tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lời tốt ở bên ngoài và các công ty chứng khoán đồng hương đóng vai trò tích cực trong việc dẫn dòng vốn này vào thị trường Việt Nam.

Vốn Hàn tích cực tìm cơ hội tại Việt Nam

Một môi giới có kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán Việt Nam kể, năm 2016, anh bắt đầu hỗ trợ một nhà đầu tư Hàn Quốc. Ông mở tài khoản giao dịch chứng khoán và giá trị giao dịch của riêng tài khoản mang tên ông có lúc lên tới cả triệu USD. Nhà đầu tư này đã kết hôn với cô gái Việt và quyết định sinh sống ở Việt Nam.

“Gu” cổ phiếu của khách hàng này khá rõ ràng: chọn các cổ phiếu trụ và ngành tăng trưởng tốt như tài chính - ngân hàng, tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản.

Sau khách hàng đầu tiên đó, nhà môi giới trên có thêm nhiều nhà đầu tư cá nhân đến từ Hàn Quốc.

Dưới góc nhìn của những nhà đầu tư xứ Kim Chi, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại có nhiều nét tương đồng với thị trường chứng khoán Hàn Quốc 20 - 30 năm trước, tức là đang ở quãng đầu của giai đoạn tăng trưởng mạnh. Vì vậy, họ chọn mua những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng, nắm giữ trong thời gian dài, ít khi đầu tư theo kiểu lướt sóng.

Trong góc nhìn của ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) - công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc, Vài năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của dòng vốn từ xứ Hàn, bao gồm cả dòng vốn đầu tư trực tiếp và dòng vốn đầu tư gián tiếp.

Vài năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của dòng vốn từ Hàn Quốc, bao gồm cả dòng vốn đầu tư trực tiếp và dòng vốn đầu tư gián tiếp.

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Nguyên nhân của xu hướng trên, ông Hoàn phân tích, đến từ cả từ hai phía. Ở phía Hàn Quốc là nhu cầu đầu tư ra các thị trường mới nổi gia tăng trong bối cảnh các cơ hội đầu tư hấp dẫn trong nước dần trở nên khan hiếm.

Còn ở phía Việt Nam là các chính sách thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài của Chính phủ, cùng sức hấp dẫn riêng của một nền kinh tế năng động và tăng trưởng ổn định.

Xét riêng ở phân khúc đầu tư gián tiếp, ông Hoàn lấy ví dụ về một số thương vụ góp vốn mua cổ phần điển hình như thương vụ SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Vingroup và 470 triệu USD vào Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN), hay KEB Hana Bank mua lại 15% vốn điều lệ của Ngân hàng BIDV… Trong khi đó, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc sang Việt Nam cũng đã có sự gia tăng nhất định trong giai đoạn vừa qua.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, những tổ chức tài chính, quỹ đầu tư hàng đầu Hàn Quốc đã sớm xác định Việt Nam là thị trường trọng tâm trong chiến lược phát triển của mình. Hiện tại, các tập đoàn như Samsung, LG, Mirae Asset, KB, NH-Amundi… đều đã có mặt ở Việt Nam.

Công ty chứng khoán, quỹ đầu tư kết hợp dẫn vốn

Lâu nay, dòng vốn Hàn Quốc đầu tư gián tiếp vào Việt Nam chủ yếu thông qua các quỹ đầu tư, quỹ ETF (dẫn vốn từ các nhà đầu tư cá nhân tại Hàn Quốc).

Một trong những công ty quản lý quỹ hàng đầu Hàn Quốc là Korea Investment Trust Management Co (KITMC), đại diện là KIM (đơn vị trực thuộc) đã bước chân vào Việt Nam kể từ tháng 3/2006 với Quỹ KIM Vietnam Growth Fund.

Theo số liệu của Bloomberg, KIM Vietnam Growth Securities Master Investment Trust - quỹ mở tập trung vào các cổ phiếu niêm yết tại thị trường Việt Nam, đang quản lý khối tài sản 927,7 tỷ won (tương đương 817,3 triệu USD tại ngày 28/10/2020).

Nhóm quỹ ngoại này còn đầu tư thụ động khi lập Quỹ KIM KINDEX Vietnam VN30 ETF, tài sản quản lý khoảng 211,118 tỷ won (tương đương 4.300 tỷ đồng).

Tương tự, một quỹ đầu tư Hàn Quốc khác là Yurie Vietnam Alpha Securities Master Investment Trust (Equity) duy trì danh mục tài sản lớn tại Việt Nam, đang là cổ đông lớn nắm giữ hơn 5% vốn Công ty Chứng khoán VNDIRECT và cũng đầu tư vào các cổ phiếu đầu ngành như VNM, GAS, VIC…

Tuy vậy, ông Ngọc nhìn nhận, xu hướng hiện tại là dòng vốn đầu tư gián tiếp chủ yếu chảy vào các công ty thực hiện dịch vụ tài chính tại Việt Nam, cụ thể là các công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc.

Theo tính toán của người viết, sau khi hoàn tất mua lại 100% vốn công ty chứng khoán trong nước, tổng số vốn mà tập đoàn mẹ tại Hàn Quốc bơm thêm để tăng vốn điều lệ cho các công ty chứng khoán lên tới trên 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, mạnh mẽ nhất là từ năm 2018 - 2019. Với tiềm lực mạnh, các công ty có vốn Hàn Quốc đang tích cực triển khai các kế hoạch kinh doanh mới.

Trong khối công ty quản lý quỹ, đầu năm 2020, Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) hợp tác phát triển sản phẩm cùng với NH-Amundi - quỹ đầu tư lớn thứ 8 của Hàn Quốc với tổng tài sản quản lý hơn 35.000 tỷ won (hơn 30 tỷ USD).

Ông Young-hoon Bae, Tổng giám đốc NH-Amundi nhận xét, Việt Nam là nước phát triển nhanh vượt bậc trong nhóm thị trường mới phát triển nhưng vẫn còn những điểm hạn chế khi đầu tư. Với việc ký kết này, NH- Amundi có thể phát triển sản phẩm cho các nhà đầu tư Hàn Quốc, tạo nhiều cơ hội đầu tư mới vào thị trường Việt Nam.

Mới đây, theo tiết lộ của ông Park Won Sang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KIS Việt Nam, Công ty đang tìm kiếm các cơ hội mới thông qua việc hợp tác cùng Công ty Quản lý quỹ KIM - là đơn vị vận hành một nguồn quỹ Việt Nam (bao gồm cả chào bán công khai và riêng lẻ) trị giá 1,5 tỷ USD được kêu gọi từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Công ty KIS tại Hàn Quốc sở hữu 100% cổ phần của đơn vị này.

Trong năm nay, Công ty Quản lý quỹ KIM Korea đã hoàn tất thủ tục mua lại một công ty quản lý quỹ tại Việt Nam, đồng thời đổi tên thành KIMV và bắt đầu triển khai sản phẩm mới.

Trên cơ sở hoàn tất quá trình thành lập pháp nhân tại Việt Nam, cả hai đơn vị là KIS Việt Nam và KIMV đều đặt kỳ vọng sẽ hỗ trợ lẫn nhau để có bước tăng trưởng vượt trội trong tương lai.

Vốn Hàn đẩy mạnh mảng trái phiếu

Ảnh: Lê Toàn.

Ảnh: Lê Toàn.

Quan sát chiến lược hoạt động tại Việt Nam của một số công ty chứng khoán Hàn Quốc cho thấy, dòng chảy vốn Hàn có xu hướng đẩy mạnh vào hoạt động ngân hàng đầu tư (IB).

Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, Công ty sẽ đẩy mạnh mảng IB với khách hàng (nhà đầu tư) mục tiêu. Dù Việt Nam đang triển khai chính sách lãi suất thấp, nhưng mặt bằng lãi suất tại Hàn Quốc còn thấp hơn rất nhiều.

Đây chính là lý do vì sao các nhà đầu tư Hàn Quốc muốn tiếp cận đa dạng các kênh đầu tư, đặc biệt là kênh trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.

Trước đó, ông Kang Moon Kyung, Tổng giám đốc Mirae Asset Việt Nam chia sẻ với truyền thông rằng, mảng IB (tập trung vào bảo lãnh phát hành trái phiếu) là một trong những trọng tâm hoạt động của Công ty trong thời gian tới.

Trong đó, Công ty luôn muốn tìm kiếm các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu và trái phiếu, đặc biệt đẩy mạnh mảng trái phiếu doanh nghiệp.

Song hành với việc tư vấn phát hành, Mirae Asset cũng thực hiện tự doanh đối với các trái phiếu doanh nghiệp mà Công ty đánh giá có triển vọng, qua đó cũng giúp khách hàng tăng niềm tin với các trái phiếu do Công ty bảo lãnh và phân phối.

Đối với mảng tự doanh, bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội đầu tư dài hạn vào các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, Công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động ở các mảng khác như chứng quyền có đảm bảo (CW), chứng khoán phái sinh.

Tại KBSV, Tổng giám đốc Công ty từng chia sẻ, nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện tại chưa thực sự phát triển và có mức độ phổ biến chưa cao tại Việt Nam.

Điều này dẫn đến có nhiều đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp không được phân phối hết, hoặc không phát hành thành công.

Đây là một mảng kinh doanh đầy tiềm năng cho các công ty chứng khoán, nhưng đòi hỏi mức độ hợp tác và điều kiện thực hiện chặt chẽ hơn giữa các bên tham gia. KBSV đang dự kiến giới thiệu thêm các trái phiếu doanh nghiệp lớn với nhà đầu tư Hàn Quốc và Hồng Kông.

Một trong những khác biệt của KBSV so với các công ty chứng khoán Hàn Quốc khác tại Việt Nam là Công ty có CEO người Việt. Đây là một trong những chiến lược địa phương quan trọng của Tập đoàn KB.

Các công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc đang đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi…

Đứng sau các công ty chứng khoán này là những tập đoàn tài chính có tiềm lực hùng mạnh và tầm nhìn dài hạn, nên sự lựa chọn đầu tư của họ vào doanh nghiệp Việt Nam có khả năng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hơn sự góp sức đơn thuần về tài chính.

Tham gia thêm các kênh trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi… cũng là cách các định chế tài chính đa dạng kênh đầu tư, gia tăng lựa chọn cho khách hàng bản địa đang muốn sinh lợi hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi của mình.

Tham gia thêm các kênh trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi… cũng là cách các định chế tài chính đa dạng kênh đầu tư, gia tăng lựa chọn cho khách hàng bản địa.

Riêng trên thị trường chứng khoán, với quy mô giao dịch ký quỹ (margin) hiện nay khoảng 2 tỷ USD, con số này còn nhỏ bé so với quy mô vốn hóa toàn thị trường 200 tỷ USD, nên đây cũng là cơ hội cho dòng tiền vay tiếp tục chảy mạnh.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm là dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc có khả năng tăng đột biến trong thời gian tới, tiếp sức cho sự sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam hay không?

Tổng giám đốc KBSV cho rằng, trong ngắn hạn, khó kỳ vọng dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc tăng trưởng đột biến. Có hai lý do.

Thứ nhất, nền kinh tế Hàn Quốc đang cho thấy các dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ nhờ hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cao. Kết hợp với chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, bản thân thị trường chứng khoán nước họ cũng đang trở nên sôi động với sự gia tăng cả về điểm số và giá trị giao dịch.

Điều này sẽ khiến nhu cầu đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt từ các nhà đầu tư cá nhân, giảm trong ngắn hạn.

Thứ hai, các dòng vốn đầu tư toàn cầu đang né tránh các tài sản rủi ro cao, trong đó có việc chảy vào thị trường mới nổi và cận biên, bao gồm Việt Nam và dịch chuyển đến các tài sản an toàn hơn tương đối trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu nhiều biến động.

Xu hướng chung này sẽ khó có thể đảo ngược trong ngắn hạn khi mà dịch Covid-19 ngày càng bùng phát trên thế giới, kết hợp với những yếu tố chưa lường hết từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung...

Tuy nhiên, trong bức tranh dài hơn, khi Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực vào đầu năm 2021 với các quy định cởi mở hơn với nhà đầu tư ngoại (đặc biệt liên quan đến việc doanh nghiệp không được tự quyết tỷ lệ sở hữu nước ngoài), cơ chế thanh toán bù trừ được hoàn thiện hơn, kết hợp với việc các yếu tố rủi ro toàn cầu hạ nhiệt, dòng vốn từ nhà đầu tư Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ có sự gia tăng mạnh mẽ trở lại.

Tin bài liên quan