
Xuất khẩu tăng thêm gần 18,5 tỷ USD
Xuất khẩu hàng hóa chặng đường 4,5 tháng đầu năm ghi nhận sự chuyển biến hơn cả mong đợi, khi vẫn duy trì đà tăng trưởng 2 con số.
Tính đến ngày 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 157,5 tỷ USD, tăng 13,3%, tương ứng tăng thêm 18,49 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2024, theo số liệu ước tính mới nhất của Cục Hải quan (Bộ Tài chính).
Các số liệu thống kê cho thấy, thương mại hàng hóa của Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng tích cực, bất chấp bối cảnh thương mại toàn cầu không mấy thuận lợi.
Đơn đặt hàng từ các đối tác thương mại lớn, các nhà bán lẻ toàn cầu vẫn về nhiều, nhất là với các ngành hàng chủ lực, đóng góp doanh thu xuất khẩu lớn, góp phần đáng kể tạo nên doanh thu 157,5 tỷ USD sau chặng đường 4,5 tháng đầu năm. Đáng chú ý, nhiều nhóm hàng chủ lực có kim ngạch tăng mạnh hàng tỷ USD.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch cũng như tốc độ tăng trưởng, khi đạt mức tăng về giá trị tuyệt đối so với cùng kỳ là 9,22 tỷ USD, tương ứng tăng 38,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 2,66 tỷ USD, tương ứng tăng 16,1%; cà phê tăng 1,52 tỷ USD, tương ứng tăng 56,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Không chỉ nhiều ngành hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến chế tạo tăng ấn tượng, đối với nông sản cũng có nhiều điểm sáng. Ấn tượng hơn cả là mặt hàng cà phê đã ghi điểm cao, tính đến ngày 15/5, các doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 736.600 tấn cà phê, thu về khoảng 4,2 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng cà phê xuất khẩu giảm nhẹ 5,5%, nhưng giá trị lại tăng vọt 56,7%.
Con số này giúp cà phê vượt xa mặt hàng thủy sản (3,64 tỷ USD) và rau quả (1,93 tỷ USD) để vươn lên top 2 các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Giá bình quân xuất khẩu cà phê đạt 5.709 USD/tấn, tăng mạnh 66,3% so với mức 3.433 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái. Bất chấp giá cà phê tăng cao cùng với những biến động trên thị trường thế giới, các quốc gia vẫn chi ngoại tệ lớn mua cà phê Việt Nam.
Sau khi sụt giảm khá sâu trong những tháng đầu năm, ngành rau quả, cụ thể là mặt hàng sầu riêng đã nhận được tin tốt lành từ thị trường Trung Quốc. Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa công nhận thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 91% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024, tương đương trên 3 tỷ USD. Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đây tiếp tục là thị trường chiến lược, đóng vai trò quyết định đến đà tăng trưởng của ngành sầu riêng Việt Nam trong trung và dài hạn.
Việc Trung Quốc công nhận thêm mã số vùng trồng và đóng gói, tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường xuất khẩu mặt hàng nông sản giá trị cao sang thị trường tỷ dân này.
Tạo thuận lợi cho các ngành hàng xuất khẩu
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2025, xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm gần 18,5 tỷ USD so với cùng kỳ. Về thị trường xuất khẩu, dữ liệu của Cục Hải quan ghi nhận, tốc độ tăng nhập khẩu hàng Việt của các đối tác thương mại lớn như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… vẫn được duy trì, nhờ đó tạo thêm đơn hàng mới cho các quý tiếp theo của năm.
Dù xuất khẩu những tháng đầu năm đạt kết quả tích cực, song vẫn cần triển khai những chính sách khơi thông, hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp. Bởi với mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm nay, tương ứng xuất khẩu cán đích hơn 450 tỷ USD, là nhiệm vụ không dễ, cộng với biến động về chính sách ngoại thương từ nhiều thị trường, thì mọi sự chậm trễ trong khơi thông dòng chảy thương mại sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu của cả nước.
Trong nỗ lực thuận lợi hóa thương mại, giảm thuế xuất khẩu mới nhất, Chính phủ đã đồng ý giảm thuế xuất khẩu clinker xi măng để ngành này bớt khó, giảm tồn kho. Nếu thúc đẩy xuất khẩu hiệu quả, có thể giúp ngành xi măng tăng thêm hàng trăm triệu USD doanh số.
Về phần Bộ Công thương cũng vừa công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Theo đó, danh mục thủ tục hành chính mới ban hành thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ liên quan đến cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu GSTP; mẫu BR9, C/O ưu đãi mẫu A; cấp C/O không ưu đãi mẫu B; cấp C/O mẫu DA59 cho hàng hóa xuất khẩu đi châu Phi; cấp C/O cho hàng cà phê xuất khẩu…
Bộ Công thương là cơ quan duy nhất có chức năng cấp các loại C/O nhằm thống nhất trong quản lý, có hệ thống hậu kiểm, phối hợp chặt chẽ với hải quan, giảm rủi ro C/O giả hoặc gian lận xuất xứ.
Trong một diễn biến khác, dự kiến trong 10 ngày giữa tháng 6 tới, Đoàn thanh tra của Liên minh châu Âu (EU) sẽ đến Việt Nam để kiểm tra, đánh giá các biện pháp kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu sang khu vực này. Các mặt hàng được tập trung là sầu riêng, thanh long và ớt.
Việt Nam đang xếp thứ 23 về xuất khẩu, kim ngạch xuất nhập khẩu gần 800 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đã chạm mốc 406 tỷ USD vào cuối năm ngoái và đang “vượt sóng” để duy trì thứ hạng top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới về ngoại thương. Những yêu cầu cao về tiêu chuẩn hàng hóa, đòi hỏi mới từ các thị trường xuất khẩu về tính bền vững sẽ không làm khó cho doanh nghiệp Việt, mà đây còn là cú hích để các ngành sản xuất tiến tới chuyên nghiệp và tuân thủ ở mức cao hơn, tạo đà để quy mô ngoại thương sớm cán mốc 1.000 tỷ USD.